29/01/2020 - 10:32

Giao thông mở lối 

Hạ tầng giao thông thành phố quy hoạch bài bản, phát triển vượt bậc tạo lợi thế về hạ tầng liên hoàn, để hiện thực hóa liên kết vùng. Đây là tiền đề quan trọng đưa Cần Thơ trở thành mảnh đất màu mỡ, động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội từ đây lan tỏa cả vùng ĐBSCL…

Cầu Vàm Cống - chiếc cầu dây văng dài nhất ĐBSCL với tổng vốn 5.700 tỉ đồng nối liền hai bờ Cần Thơ - Đồng Tháp.

*Kết nối liên hoàn

Ngồi trên đò, từ giữa lòng sông Hậu, người dân tự hào nhìn ngắm cầu Vàm Cống  như  một cánh cung tuyệt đẹp uốn lượn vượt sông. Những sợi dây văng bằng thép vút lên tháp cầu sừng sững trên nền trời xanh biếc. Nhịp cầu nối đôi bờ vui, khi ước mơ trăm năm của người dân trong khu vực đã thành hiện thực… Chú Nguyễn Văn Lẹ ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, trải lòng: “Sống ở đây hơn 60 năm, tôi chưa bao giờ nghĩ vùng quê mình có thể xây cây cầu lớn như thế này!”.

Sau gần 6 năm xây dựng, cầu Vàm Cống chính thức được thông xe và đi vào hoạt động (từ ngày 19-5-2019), nối liền hai bờ Đồng Tháp và Cần Thơ. Từ đây, hàng hóa, đặc biệt là nông- thủy sản của Cần Thơ và cụm Tứ giác Long Xuyên tỏa đi các tỉnh, thành phố nhanh hơn, giá thành sẽ hạ, sức cạnh tranh nhờ đó gia tăng, mở ra cơ hội đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống là nút thắt đặc biệt quan trọng giúp giao thông ĐBSCL kết nối liên hoàn và đánh dấu bước chuyển mình của vùng đất Chín Rồng trong tương lai.

Người dân Cần Thơ hay nói vui với nhau rằng: “Bây giờ, đi Đà Lạt như đi chợ!”. Bởi chỉ mất hơn 30 phút từ Sân bay Cần Thơ, hành khách đáp xuống Sân bay Liên Khương đến vùng đất ngàn hoa với khí hậu ôn hòa. Năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Sân bay Cần Thơ. Kể từ đầu tháng 4-2019, cùng với các đường bay sẵn có, Sân bay Cần Thơ có thêm 5 đường bay quốc nội đi - đến TP Cần Thơ và 2 đường bay quốc tế, kết nối thuận tiện vùng ĐBSCL với Malaysia và Thái Lan.

Hiện tại sân bay đang khai thác hơn 130 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần kết nối Cần Thơ với 11 điểm đến trong và ngoài nước. Dự kiến lượng hành khách qua sân bay năm nay sẽ lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu khách. Cổng trời Tây Đô đã mở - như vậy quãng đường du khách đến vùng sông nước miền Tây đã được rút ngắn. Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đây là cơ hội để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thu hút du khách và đầu tư nước ngoài. Sẽ có thêm nhiều du khách và nhà đầu tư đến với Cần Thơ bằng các đường bay thẳng này. Nhiều nhà đầu tư làm ăn ở Cần Thơ phải bay tới TP Hồ Chí Minh rồi di chuyển đường bộ bằng xe hơn 3 giờ mới đến Cần Thơ.

Khách du lịch và người dân ở ĐBSCL còn có thể chọn hành trình đi từ Cần Thơ đến Trần Đề (Sóc Trăng) ra Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) bằng tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam. “Việc khai thác tuyến mới này tạo điều kiện thuận lợi cho du khách ĐBSCL được trải nghiệm hành trình về nguồn Côn Đảo với chi phí rẻ hơn so với di chuyển bằng máy bay. Đồng thời, giúp thắt chặt liên kết các vùng, trung chuyển dễ dàng từ đất liền ra đảo, góp phần đưa ngành du lịch vận tải biển trở thành mũi nhọn của khu vực”, ông Vũ Văn Khương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc, chia sẻ.

Lễ cắt băng khai trương tuyến cao tốc Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo.

*Kỳ vọng bứt phá

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của thành phố được Chính phủ quan tâm đầu tư hoàn thiện với quy hoạch đồng bộ trên cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Nhờ bệ phóng hạ tầng đã mở lối cho nhà đầu tư khắp nơi về với Cần Thơ. Trong năm 2019, Cần Thơ liên tiếp đón nhận hàng loạt dự án nghìn tỉ đến từ các “ông lớn”, như: Vinpearl, Văn Phú - Invest, TMS… Mới đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đề xuất thực hiện Dự án Trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ gần 83 triệu USD… Ông Dato William Ng, Giám đốc điều hành Tổ chức Thương mại Truyền thông Quốc tế, nhận định: Cần Thơ có lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông- đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế... Nhiều tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn tại Singapore và Malaysia quan tâm đầu tư, hợp tác.

Nâng tầm giao thông liên hoàn, thành phố còn có thêm nhiều dự án trọng điểm sắp được triển khai: đoạn cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ dự kiến khởi công vào quý I-2020; tàu sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… Đặc biệt, dự kiến đến đầu năm 2020, sẽ có thêm 2 đường bay quốc tế nối Cần Thơ với Hàn Quốc và Đài Loan…

Tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam tại khu vực Bến Ninh Kiều.

Kết nối với những dự án giao thông lớn, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Nhiều công trình do thành phố quản lý như: các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị… được quan tâm đầu tư hòa mạng giao thông. Các tuyến hẻm nội ô, tuyến đường huyện, đường xã đảm bảo vận tải hành khách, hàng hóa nông sản bằng ô tô... phục vụ giao thông và phát triển kinh tế.

Hòa cùng khí thế cả thành phố rộn ràng đón chào năm mới 2020, những người thợ trên công trình giao thông trọng điểm của thành phố đang hăng say lao động để sớm hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ dân sinh. Đó là các công trình cầu Quang Trung- đơn nguyên 2; cầu và đường Trần Hoàng Na; đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn Mỹ Khánh- Phong Điền); đường tỉnh 922… Đây là những tuyến giao thông huyết mạch của thành phố, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giảm tải giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ngoại thành.

***

Cần Thơ đã có hai cây cầu dây văng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á nối bờ sông Hậu. Sân bay Cần Thơ tăng chuyến kết nối trong và ngoài nước; tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam đã cập bến Ninh Kiều… Tương lai, khi các tuyến cao tốc, đường sắt hoàn thành, Cần Thơ sẽ có hệ thống giao thông hiện đại- thuận lợi- hiệu quả- an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế- mở lối cho Cần Thơ và ĐBSCL cất cánh vươn xa…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết