Thời gian qua, Trường Tiểu học Cái Khế 3 đã có những biện pháp và hoạt động truyền thông cụ thể nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh khi tham gia giao thông. Khoảng 70-80% học sinh của trường được cha mẹ đưa đón, chính vì thế, trong những cuộc họp phụ huynh, nhà trường chú trọng lồng ghép tuyên truyền an toàn giao thông, nhắc nhở phụ huynh trong việc đưa đón con. Để hình thành thói quen cho phụ huynh, các tuần đầu tiên của năm học mới, thông qua hệ thống loa, nhà trường đều nhắc nhở phụ huynh đảm an toàn giao thông, không đậu xe dưới lòng đường.

Tiết học an toàn giao thông của cô trò Trường Tiểu học Cái Khế 3.
Cô Nguyễn Thỵ Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Khế 3, cho biết: Đảm bảo an toàn giao thông chính là đảm bảo lợi ích cá nhân, tính mạng, nên việc giáo dục an toàn giao thông không chỉ riêng trong trường học mà cả cộng đồng. Trong đó, trường học đóng vai trò quan trọng, lứa tuổi tiểu học dễ nhớ, thẩm thấu vấn đề khá tốt, hình thành ý thức khi tham gia giao thông. Các em có thể nhắc nhở người thân trong gia đình chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Ngoài những tiết học an toàn giao thông được đưa vào chương trình, những buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa và những môn học có liên quan tới an toàn giao thông, nhà trường còn tổ chức thi chuyên hiệu an toàn giao thông, thu hút nhiều học sinh tham gia với hình thức đố vui, kiểm tra trắc nghiệm. Những trường hợp đi hàng hai, ba, khi bị phát hiện đều được giáo viên, tổng phụ trách đội nhắc nhở chứ không gây áp lực.
Trường tổ chức các tiết dạy về an toàn giao thông với những nội dung thiết thực, bổ ích. Hình thức tổ chức giờ dạy sinh động, phong phú, phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em khiến cho học sinh dễ nhớ và vận dụng kiến thức. Để góp phần làm cho các giờ dạy về an toàn giao thông thêm sinh động, giáo viên nhà trường tích cực làm đồ dùng dạy học, giúp các em hiểu biết những tình huống và quy tắc khi lưu thông trên đường. Những nội dung về tuyên truyền giao thông trong sách được giáo viên khéo léo chuyển tải thành những trò chơi, như: nhận diện biển báo giao thông và thử trí nhớ tài
Ngoài ra học sinh còn được xem đĩa CD sinh động về giáo dục an toàn giao thông, làm tiết học an toàn giao thông trở nên gần gũi, thân quen.
Xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu, trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi đi cùng xe với cha mẹ do không sử dụng nón bảo hiểm. Nhận thức được tầm quan trọng, nhà trường đã tích cực vận động, tuyên truyền học sinh và phụ huynh đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Cô Nguyễn Thỵ Xuân Thảo cho biết thêm, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường luôn quan tâm giáo dục ý thức an toàn giao thông cho học sinh, để có thể tự bảo vệ bản thân và gia đình, tránh những tai nạn giao thông đáng tiếc và trở thành công dân có ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
Bài, ảnh: THU HẰNG