Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, tin giả trở thành một vấn nạn toàn cầu và ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia. Nó được dùng để tác động, làm mất uy tín một cá nhân hay tổ chức, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử.
Cảnh giác với tin giả trên các trang mạng xã hội. Ảnh: AddBloom
Tràn ngập mạng xã hội
Bắt đầu phổ biến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tin giả hiện là vấn nạn toàn cầu khi xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát, bủa vây các cuộc bầu cử cũng như những sự kiện chính trị khác, tạo ra tác động vô cùng lớn. Tổ chức các nhà hoạt động xã hội Avaaz cho biết người dùng mạng xã hội Facebook tại Mỹ đang bị bủa vây bởi vô số tin giả trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phân tích 100 bài đăng tin giả về chính trị xứ cờ hoa được lan truyền trên Facebook trong 10 tháng đầu năm 2019, Avaaz phát hiện rằng những tin giả như vậy nhận được số lượt xem “khủng”, với hơn 158 triệu lượt.
Tin giả cũng “nở rộ” trước và trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Indonesia năm ngoái, đến mức chính phủ quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới phải tổ chức họp báo hằng tuần để vạch mặt những kẻ chủ mưu.
Song, chấn động nhất có lẽ là vụ phao tin giả tại Ấn Độ. Theo đó, một đoạn video bị phát tán rộng rãi trên Facebook và các mạng xã hội khác ghi lại vụ không kích của quân đội Ấn Độ nhằm vào khu trại được cho là của lực lượng khủng bố ở Pakistan. Các thi thể xuất hiện trong đoạn video được cho là các tay súng Pakistan, nhưng thực ra là những người thiệt mạng trong đợt nắng nóng khủng khiếp năm 2015. Vụ phao tin giả này xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị cho cuộc bầu cử lớn nhất thế giới, với hơn 879 triệu cử tri đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử kéo dài 5 tuần, bắt đầu từ ngày 11-4-2019.
Các “ông lớn” công nghệ vào cuộc
Trước sự lộng hành của tin giả, các hãng công nghệ đã có những biện pháp đối phó. Theo đó, Facebook hồi tháng 10-2019 công bố kế hoạch chống tin giả trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Cụ thể, mạng xã hội này thông qua các biện pháp như hiển thị thêm thông tin về chủ sở hữu đã được Facebook xác nhận để tăng tính minh bạch và dán nhãn những tài khoản chứa thông tin không đúng sự thật, ẩn đi những hình ảnh và video sai lệch.
Facebook cũng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để mỗi ngày xóa hàng triệu tài khoản đăng thông tin sai lệch, kích động trước bầu cử Ấn Độ; đồng thời ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn đối với nội dung quảng cáo chính trị và can thiệp bầu cử. Tổng cộng trong năm 2019, Facebook đã xóa hơn 5,4 tỉ tài khoản giả mạo và hàng chục triệu bài đăng có chứa nội dung thù địch trên toàn cầu.
Một số công ty truyền thông xã hội khác cũng vào cuộc. Chẳng hạn, “gã khổng lồ” Google năm ngoái đã hợp tác với các công ty xác thực thông tin huấn luyện kỹ năng chống tin giả cho hơn 10.000 nhà báo. Ứng dụng gửi tin nhắn WhatsApp thì mở đường dây nóng, cho phép người dùng tố cáo những nguồn tin phát tán tin giả về các cuộc bầu cử, chặn mọi tin nhắn được gửi đi cùng lúc cho hơn 5 cá nhân hoặc nhóm. Riêng Twitter cung cấp dịch vụ minh bạch quảng cáo, cho phép người dùng xem chi tiết các quảng cáo chính trị, gồm chi phí và đối tượng được nhắm mục tiêu trong chiến dịch quảng cáo.
Nhân viên Facebook sàng lọc tin giả. Ảnh: AP
Các nước chung tay
Tháng 9 năm ngoái, bên lề kỳ họp 74 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, 20 quốc gia, trong đó có Pháp, Anh và Ấn Độ, đã ký kết thỏa thuận ngăn chặn hành vi lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến theo đề xuất của Tổ chức Phóng viên không biên giới. Phát biểu tại sự kiện này, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: “Sự nổi lên của không gian kỹ thuật số toàn cầu đang làm thay đổi thế giới thông tin, mang lại tiến bộ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Theo ông, tin tức sai sự thật trên mạng Internet, đặc biệt trong các chiến dịch bầu cử, đã làm suy giảm niềm tin đối với các thể chế dân chủ.
Trong khi đó, Singapore ra Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến (POFMA), cho phép người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các trang mạng xã hội cảnh báo hoặc gỡ bỏ các nội dung được cho là lừa dối. Theo POFMA, các cá nhân vi phạm có thể bị phạt 100.000 SGD (hơn 72.000 USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai, trong khi doanh nghiệp có thể bị phạt tới 1 triệu SGD. Ngay sau khi luật đi vào cuộc sống, nhà chức trách Singapore hồi cuối tháng 11-2019 đã yêu cầu ông Brad Bowyer, thành viên đảng Singapore Tiến bộ đối lập phải chỉnh sửa nội dung trong một trạng thái đăng tải trên Facebook, trong đó đặt nghi vấn về tính độc lập của các quỹ đầu tư liên quan đến chính phủ như GIC hay Temasek. Ông Bowyer ngay lập tức đã thực hiện việc chỉnh sửa theo yêu cầu.
Gần đây nhất, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc vừa ban hành quy định mới, có hiệu lực từ đầu năm 2020, theo đó cấm các nhà cung cấp audio và video trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thực tế ảo để tạo tin giả. Những ai vi phạm có thể bị coi là phạm tội hình sự.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù việc nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn tin giả được đẩy mạnh trước thềm các cuộc bầu cử, song tin giả nhằm tác động tới tâm lý cử tri vẫn xuất hiện và được phát tán trên mạng xã hội. Các công ty truyền thông xã hội cho biết việc xóa tin giả về bầu cử không dễ dàng, bởi có thể dẫn tới nguy cơ vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Đối với những biện pháp mạnh tay mà nhiều nước đưa ra, giới chuyên gia công nghệ hy vọng có thể đem lại hiệu quả tích cực, giúp đẩy lùi nạn tin giả, nhưng cảnh báo rằng để đạt được hiệu quả, chính phủ các nước cần phải kiên trì bởi đây là cuộc chiến đầy cam go, cần nhiều thời gian, phải chủ động sẵn sàng ứng phó với những thay đổi linh hoạt, tinh vi của các hình thức tạo dựng và lan truyền tin giả.
Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần dùng Twitter để lên án những hãng tin và tờ báo mà ông cho là đối xử bất công với mình. Nhà lãnh đạo này thậm chí cho rằng truyền thông “tin giả” có thể làm “nổ ra chiến tranh”.
TRÍ VĂN