08/10/2016 - 15:58

Giám sát phát triển đô thị bằng bộ chỉ số toàn cầu CPI

Bộ chỉ số thịnh vượng đô thị (CPI) là bộ chỉ số mang tính toàn cầu do UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc) xây dựng dùng để đo hiệu quả toàn diện của đô thị trong việc tạo ra và phân phối các lợi ích kinh tế-xã hội. Được sự hỗ trợ của UN-Habitat, TP Cần Thơ cùng với các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam là Hà Hội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh tham gia xây dựng và áp dụng thử nghiệm Bộ chỉ số CPI trong năm nay. Đồng thời, Cần Thơ cũng xúc tiến kế hoạch xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số CPI để đánh giá và giám sát sự phát triển của đô thị trong những năm tới.

* Sự cần thiết của CPI

Hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì vấn đề cạnh tranh đô thị không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu. Vì vậy, áp dụng Bộ chỉ số CPI để đánh giá đô thị theo tiêu chuẩn toàn cầu rất cần thiết nhằm có cơ sở để so sánh TP Cần Thơ với các đô thị khác trên thế giới. Hơn nữa, kết quả đánh giá CPI cũng là một trong những cơ sở quan trọng để lãnh đạo thành phố nhìn lại một cách toàn diện quá trình phát triển của đô thị và hoạch định các chính sách phù hợp để thúc đẩy thành phố phát triển bền vững.

Thời gian qua, bộ mặt đô thị TP Cần Thơ có nhiều đổi mới và phát triển.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015 tốc độ đô thị hóa của nước ta đạt khoảng 2,8%/năm và Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có đất đô thị nhiều nhất và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Á về dân số sống tại đô thị với 23 triệu người. Tốc độ đô thị hóa cao đã đặt ra nhiều vấn đề thách thức trong phát triển cần phải được nhìn nhận và giải quyết. Cụ thể như, bẫy thu nhập trung bình, đói nghèo đô thị, bất bình đẳng giữa khu vực thành thị và nông thôn, tiếp cận với khu vực nhà ở và hạ tầng cơ bản, an ninh năng lượng hay tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề từ đô thị hóa, ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của các đô thị.

Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có tốc độ đô thị hóa luôn nằm ở mức cao cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức tương tự như trên. Đáng chú ý là các vấn đề về xử lý nước thải, chất thải rắn, vấn đề tiêu thụ năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, không gian công cộng… Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền thành phố về việc đánh giá và giám sát tăng trưởng đô thị một cách xác thực để nâng cao công tác quản trị đô thị. CPI là công cụ cần thiết để thành phố có thể đánh giá đa chiều ở tất cả các mặt đô thị từ kinh tế, cơ sở hạ tầng đến xã hội và môi trường đô thị.

Theo Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, CPI là một bộ chỉ số tổng hợp dùng để đo hiệu quả phát triển toàn diện của đô thị trong việc tạo ra và phân phối các lợi ích kinh tế - xã hội. CPI đánh giá sự thịnh vượng đô thị dựa vào 6 khía cạnh, gồm: năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống, môi trường bền vững, công bằng và hòa nhập xã hội, quản trị và lập pháp đô thị. Từng khía cạnh này sẽ có thêm những chỉ số cụ thể nhằm đo lường khái niệm đa chiều trong thịnh vượng. Chỉ số CPI có hệ thống chuẩn hóa và quy trình xây dựng trọng số được rà soát bởi Cơ quan Quan trắc toàn cầu của UN-Habitat để đảm bảo tính công bằng trong quá trình xây dựng và áp dụng. Bộ chỉ số gồm 3 loại là: CPI cơ bản gồm 32 chỉ số tổng hợp từ 6 khía cạnh của sự thị vượng đô thị, CPI mở rộng gồm 64 chỉ số và CPI bối cảnh gồm hơn 80 chỉ số.

* Cần Thơ áp dụng CPI

Tính đến năm 2015, đã có hơn 200 thành phố trên thế giới áp dụng CPI và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm 30 thành phố nữa tham gia thực hiện bộ chỉ số này. Trong đó, dự kiến có 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt nam tham gia gồm: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội.

Công tác triển khai xây dựng và áp dụng CPI tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương của nước ta đã được UN-Habitat hỗ trợ thực hiện từ đầu năm 2016. UN-Habitat đã tổ chức các lớp tập huấn và triển khai thu thập các dữ liệu cần thiết từ nhiều nguồn khác nhau. Đối với TP Cần Thơ, UN-Habitat cũng đã tiến hành thu thập dữ liệu sơ bộ thông qua các báo cáo địa phương, niên giám thống kê thành phố, các dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới… Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu. Ông Nguyễn Trọng Cường, Viện Trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: "Để sớm xây dựng nên Bộ chỉ số CPI cơ bản và CPI mở rộng cho thành phố, trong các tháng cuối năm nay, rất cần có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực từ các sở ngành thành phố và địa phương trong việc cung cấp đầy đủ, chính xác các dữ liệu còn thiếu và có một số dữ liệu cũng cần phải tiến hành khảo sát mới có".

Hiện nay, Viện Kinh tế-Xã hội thành phố cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai Đề án xây dựng và áp dụng CPI tại TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 và xúc tiến thành lập Tổ thực hiện đề án này để tới đây TP Cần Thơ có thể tự đánh giá mức độ thịnh vượng của đô thị theo Bộ tiêu chuẩn CPI của UN-Habitat. Theo Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, việc áp dụng thực hiện lâu dài CPI tại thành phố sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Đối với lãnh đạo thành phố, CPI giúp đưa ra một bức tranh tổng thể về thành phố, xác định được các điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục và đưa ra các chính sách phù hợp. Đồng thời, nó như là một minh chứng để thuyết phục các nhà đầu tư đến đầu tư làm ăn tại thành phố và qua đó nhà đầu tư cũng nắm bắt được tình hình của thành phố và đưa ra các quyết định hợp lý về các khoản đầu tư của mình. Đối với người dân, CPI cho phép họ giám sát tính hiệu quả trong sử dụng thuế của người dân, giúp người dân nắm được tình hình thực hiện các chính sách và công trình trên địa bàn thành phố. Đối với ngành thống kê, CPI tạo cơ hội cho ngành thống kê rà soát các dữ liệu đang có và còn thiếu, từ đó nâng cao chất lượng và bổ sung các dữ liệu quan trọng cần thiết cho sự phát triển của thành phố.

Để xây dựng và áp dụng CPI, UBND TP Cần Thơ cũng vừa tổ chức hội nghị triển khai đến các sở ngành thành phố và địa phương về các nội dung của CPI. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh nhấn mạnh, CPI giúp thành phố có sự đánh giá chuẩn xác sự phát triển của đô thị theo tiêu chuẩn quốc tế và giúp nhận rõ các điểm mạnh, điểm yếu để hoạch định các chính sách, định hướng phát triển phù hợp. Áp dụng bộ tiêu chuẩn này cũng tạo nhiều thuận lợi trong quảng bá hình ảnh của thành phố với các nhà đầu tư. Do vậy, cần thúc đẩy thực hiện sớm và rất cần thành lập Tổ thực hiện đề án xây dựng và áp dụng bộ chỉ số này tại thành phố trong các năm tới. Viện Kinh tế-Xã hội thành phố phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan để đề xuất nhân sự tham gia và kịp thời tham mưu UBND thành phố xem xét, phê duyệt thông qua đề án để triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết