15/06/2024 - 14:55

Giải trí truyền hình tự làm mới 

Chương trình truyền hình “Cười xuyên Việt” được phát sóng trên kênh THVL1, Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, vừa kết thúc, nhưng khá yên ắng, ít được khán giả chú ý. Những tiết mục thi diễn trong chương trình cũng thu về lượt xem không tương xứng với sự đầu tư của nhà sản xuất.

Chương trình “Anh trai say hi” tạo được hiệu ứng tốt ngay từ khi chưa lên sóng nhờ truyền thông mạng xã hội. Ảnh: VieON

Cũng trên sóng THVL, nhiều chương trình thi tìm kiếm giọng hát, tài năng sân khấu đã và đang được phát sóng hầu như kín các tối trong tuần, nhưng hiệu ứng không như mong đợi; mặc dù các chương trình dạng này từng có một thời hoàng kim, rực rỡ, mang lại thành công rất lớn cho nhà đài.

Trong khi đó, chỉ một nhóm bạn trẻ do thanh niên có nghệ danh Tủn Cùi Bắp quản lý, lại rất thành công khi thực hiện các video clip hài phát trên các nền tảng mạng xã hội. Nhóm đầu tư cả “trường quay” lẫn dàn diễn viên khá chuyên nghiệp, diễn các đề tài đời thường, thậm chí đầu tư các sê-ri hài dài tập. Các video clip này có độ lan tỏa trên mạng xã hội rất lớn. Một thành công khác là nhóm hài của bạn trẻ có nghệ danh Bé Bảy. Nhóm này cũng đầu tư các video clip mang tính đời thường, vui vẻ, cường điệu sự việc để tạo tiếng cười. Không chỉ được yêu thích trên mạng xã hội, nhiều thành viên trong nhóm còn trở thành người nổi tiếng.

Ở những điển hình này, dĩ nhiên không thể so sánh sự đầu tư chuyên nghiệp của nhà đài và sự nghiệp dư của các bạn trẻ. Nhưng thành công của họ cho thấy đã có sự cạnh tranh, nhất là với thị phần khán giả trẻ tuổi. Người trẻ có sự lựa chọn, nhất là trong bối cảnh chỉ cần cầm điện thoại lên là có thể xem những video yêu thích một cách “ngay và luôn”.

Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm tăng hiệu ứng các chương trình giải trí truyền hình. Chương trình truyền hình thực tế “Học viện cải lương”, dù được phát sóng song song cả trên mạng xã hội và sóng truyền hình, nhưng công bằng mà nói, sức lan tỏa của chương trình chính là nhờ TikTok, YouTube, Facebook… Nhiều đoạn cắt ngắn của chương trình lan tỏa trên mạng với lượt xem, chia sẻ khá lớn. Các chương trình khác như “2 ngày 1 đêm”, “Sao nhập ngũ”, “Nhanh như chớp”, “7 nụ cười xuân”… cũng chọn phát cả trên nền tảng truyền hình và số.

Một điểm cũng được các nhà đài quan tâm là chọn lựa sản xuất những chương trình mới lạ, với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, nhằm thu hút khán giả. Chương trình “Anh trai say hi” vừa ra mắt vừa qua là điển hình. 30 nam nghệ sĩ đều là những gương mặt nổi tiếng, ngay lập tức tạo độ lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Rất nhiều nghệ sĩ trong số này đều đã thành công từ các chương trình truyền hình trước đó. Ðiều đó có nghĩa, nhà đài và nghệ sĩ có sự hợp tác cộng hưởng: xây dựng hình ảnh nghệ sĩ của công chúng và thương hiệu chương trình. Cách làm này đang rất thịnh hành trong lĩnh vực giải trí truyền hình.

Trong việc quảng bá, dĩ nhiên, yếu tố mạng xã hội là yếu tố quan trọng, thậm chí có tính quyết định thành, bại cho chương trình. Ðộ lan tỏa cao nhưng phải là hiệu ứng tích cực thì chương trình mới được chú ý, nói theo thuật ngữ của giới trẻ hiện nay là phải “sạch” và “chữa lành”.

Trước sự cạnh tranh với mạng xã hội, giải trí truyền hình đang tự làm mới, phù hợp thị hiếu khán giả và tạo mối quan hệ cộng sinh với mạng xã hội.

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết