17/04/2023 - 09:35

Giải pháp phát triển bền vững cho cây sen 

Bài, ảnh: ÐẶNG LINH

Cây sen thời gian qua đã giúp người dân thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tăng thu nhập so với trồng lúa ở vùng đất trũng kém hiệu quả. Ðể mô hình này phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng sẵn có, chính quyền thị trấn Giồng Riềng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ông Trương Văn Thuận đang thu hoạch ngó sen bán cho thương lái.

Khu phố Kim Liên, thị trấn Giồng Riềng hiện có 7ha trồng sen, trong đó, 6ha trồng sen lấy gương, còn lại khai thác bán ngó và củ sen. Anh Nguyễn Quốc Cường, ngụ phố Kim Liên có 1ha trồng sen lấy gương. Với diện tích này, anh Cường thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha/năm. Vào thời điểm thu hoạch rộ, anh Cường thu hoạch 200kg gương sen mỗi ngày. “Gương sen bán lẻ giá 16.000 đồng/kg (khoảng 10-12 gương). Năm nay gương sen có giá, những năm trước có lúc rớt chạm đáy chỉ 3.000 đồng/kg. Trồng sen chi phí thấp. Sen tàn sau 2 tháng cho thu hoạch, chỉ cần phát bỏ, rải phân là sen tự lên lại vụ mới, nếu sen quá cằn cỗi sẽ phải trồng lại” - anh Cường chia sẻ.

Tại khu phố 3, thị trấn Giồng Riềng, ông Trương Văn Thuận đang thu hoạch ngó sen bán cho thương lái với giá 35.000 đồng/kg. “Thấy vùng này đất trũng trồng lúa không có ăn nên tôi chuyển qua trồng sen. Sen dễ trồng, ruộng sen này tôi trồng 18 năm rồi mà chưa phải trồng lại lần nào. Nếu sen lên dày quá thì phát bỏ bớt. Bình quân mỗi năm tôi thu được hơn 150 triệu đồng từ 10.400m2 trồng sen” - ông Thuận nói.

Hiện thị trấn Giồng Riềng có gần 20ha sen. Ðể làm tiền đề thuận lợi trong việc hỗ trợ người dân trồng sen về vốn, khoa học - kỹ thuật, Hội Nông dân thị trấn Giồng Riềng đã vận động thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng sen kết hợp nuôi ốc bươu đen với 14 hộ nông dân tham gia, diện tích sản xuất 2ha. Hội đã giải ngân 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để bà con trong Tổ hội nghề nghiệp trồng sen kết hợp nuôi ốc bươu đen có vốn cải tạo ruộng sen, thả thêm ốc bươu, cá đồng nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Lợi ích kinh tế từ cây sen mang lại cho người dân được minh chứng rõ qua thực tiễn. Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn, chính quyền trăn trở hiện nay là giá bán các sản phẩm từ sen còn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, chưa có kênh tiêu thụ ổn định… Ðể nâng cao giá trị cây sen trong thời gian tới, thị trấn Giồng Riềng đã mời gọi được Công ty Cổ phần nông nghiệp An Hưng Farm liên kết với người dân phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen. Theo kế hoạch, thị trấn Giồng Riềng phối hợp doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm sen, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

Ðảng ủy, UBND thị trấn Giồng Riềng đang từng bước xúc tiến việc xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như ngắm cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá trị văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vật từ sen. Mặt khác, có chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch để người dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến Giồng Riềng tham quan, trải nghiệm; xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm sen hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo giá trị đặc trưng cho sen như trà lá sen, trà củ sen, mứt hạt sen, dưa ngó sen, trà tim sen…

Trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp chung của huyện, thị trấn Giồng Riềng đang tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành vùng sản xuất sen tập trung. Song song đó, có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi từ lúa sang sen hoặc xen canh lúa - sen - thủy sản theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Chia sẻ bài viết