04/12/2008 - 20:04

Giải pháp nào tăng tốc cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL?

Máy cày có gắn thiết bị định vị bằng tia laser phục vụ việc cải tạo mặt bằng đồng ruộng trưng bày tại Chợ Công nghệ và thiết bị vùng ĐBSCL năm 2008 được nhiều người quan tâm.

Cơ giới hóa được xem là một trong những xu hướng tất yếu góp phần đưa hàng hóa nông sản đạt chất lượng và giá thành sản xuất có tính cạnh tranh cao. Do đó, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành nhu cầu bức xúc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy vậy, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL thời gian qua còn rất chậm, chưa nâng cao tính cạnh tranh của hạt gạo ĐBSCL trên trường quốc tế…

Những cản ngại...

Theo nhận định của Viện Lúa ĐBSCL, đến nay các khâu sản xuất lúa ở ĐBSCL như làm đất, bơm tưới, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến... bước đầu đã được cơ giới hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa của nhiều khâu như: gieo cấy, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch còn rất thấp. Riêng ở khâu làm đất, ĐBSCL dù có tỷ lệ cơ giới hóa rất cao (gần 90%) nhưng cũng có vấn đề. Nhiều nông hộ ở ĐBSCL đã chuyển từ thói quen “sạ chai” sang thói quen xới đất và trục bùn nhưng lại lãng quên khâu cày đất. Cách chuẩn bị đất như trên làm cho mặt đất bị chai cứng, cản trở sự phát triển của lúa.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn; đồng ruộng bị chia cắt manh mún, nên rất khó đưa cơ giới vào đồng ruộng. Từ lâu, ĐBSCL đã được xác định là vựa lúa gạo, tôm cá và trái cây lớn nhất nước. Tuy nhiên, ở vùng ĐBSCL này không có đến một trường đại học nông nghiệp; nguồn nhân lực hiện tại không thể đáp ứng yêu cầu giúp ĐBSCL khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp. ĐBSCL hiện có khá nhiều cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp (GĐLH), nhưng hầu hết các cơ sở đều không có kỹ sư cơ khí nông nghiệp. Do đó, hầu hết các máy GĐLH sản xuất tại ĐBSCL đều được sản xuất thủ công chứ không theo một quy trình công nghệ. Các máy gặt đập loại này chỉ thể hiện được các ưu thế tại các hội thi như hoạt động được nhiều địa hình, thu hoạch được cả lúa bị ngã đổ... nhưng tính ổn định trong hoạt động lại thấp. Trong số khoảng 1.800 máy GĐLH ở ĐBSCL hiện nay thì các máy được nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 90%. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa nông nghiệp thì ĐBSCL sẽ cần thêm rất nhiều máy GĐLH. Khi đó, các cơ sở sản xuất máy GĐLH ở ĐBSCL sẽ tiếp tục thua trên sân nhà nếu vẫn giữ cách tổ chức sản xuất như hiện nay.

Còn Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, thì cho rằng, những yếu kém trong việc cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL đã được nhận diện cách đây khoảng 10 năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Tiến sĩ Hiền so sánh: 10 năm trước, nông dân phải vừa lo sản xuất lúa vừa lo bảo quản lúa. Đến nay, cách làm trên vẫn không thay đổi. Nghĩa là nông dân dù không có cơ sở vật chất và kỹ thuật để bảo quản lúa nhưng phải tự lo bảo quản lúa. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực hội đủ các điều kiện về kho bãi, kỹ thuật, vốn thì không bảo quản lúa mà chủ yếu chỉ bảo quản gạo, chờ chuyển ra cảng để xuất khẩu. Hệ thống kinh doanh lúa gạo hiện nay không kiểm soát được quá trình bảo quản lúa, điều này làm tăng thêm tỷ lệ hao hụt lúa sau thu hoạch và làm giảm chất lượng gạo. Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền nhận định: “Thực trạng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL thể hiện sự thiếu tính hệ thống trong liên kết sản xuất giữa nông dân, nhà kinh doanh lúa gạo, nhà quản lý và nhà khoa học. Trong đó, 2 trở ngại lớn nhất là thiếu máy sấy tại cơ sở xay xát để phục vụ mục tiêu ổn định chất lượng lúa gạo và thiếu phương tiện bảo quản để ổn định thị trường”.

Cần tăng tốc cơ giới hóa

Trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị vùng ĐBSCL (Techmart Cần Thơ 2008), Viện Lúa ĐBSCL phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL được nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý và nông dân ĐBSCL quan tâm. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ, các nhà khoa học và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đưa cơ giới vào đồng ruộng. Tuy nhiên, tốc độ cơ giới hóa ở ĐBSCL còn chậm và chưa đáp ứng của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ông Quỳnh nói: “Nguyên nhân chính làm cho tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL chậm do hạ tầng nông thôn ĐBSCL còn khó khăn. Tôi tin rằng, khi Nghị Quyết Trung ương 7 về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn” được triển khai thực hiện, hạ tầng nông thôn vùng ĐBSCL sẽ được đầu tư xây dựng hoàn thiện hơn, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở Cần Thơ và ĐBSCL sẽ nhanh hơn”.

Trong khi nhiều người “chê” các loại máy gặt đập sản xuất trong nước dễ bị hư hỏng khi vận hành, thì ông Phù Khí Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, cho rằng: Nông dân ĐBSCL chỉ sản xuất ra các máy móc, thiết bị (trong đó có máy GĐLH) để phục vụ thiết thực nhu cầu sản xuất của họ. Các máy móc, thiết bị này không ngừng được cải tiến để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, do năng lực còn hạn chế, các sản phẩm do họ sản xuất ra sẽ khó hoàn chỉnh ngay. Để khắc phục tình trạng trên, ông Phù Khí Nguyên đề xuất nên thực hiện quy trình ngược: “Các nhà khoa học nên chủ động tìm đến những nhà sáng chế chân đất để giúp họ chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm”. Còn ông Tâm, một nông dân ở huyện Phong Điền, đề nghị: “Theo tôi, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, kiểm định chất lượng các máy GĐLH trước khi đưa ra thị trường để nông dân chúng tôi không bị vỡ nợ khi phải vay mượn hàng trăm triệu đồng mà mua nhầm một mớ sắt vụn” .

Ông Nguyễn Văn Tranh, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, địa phương này chỉ mới có 6 máy GĐLH, tuy nhiên các máy trên thường xuyên bị hư hỏng. Ông Tranh đề nghị, công tác khuyến nông phải đi vào chiều sâu, cán bộ khuyến nông phải được trang bị kỹ năng thực hành để hướng dẫn nông dân sử dụng và sửa chữa nhỏ các thiết bị cơ giới, thay vì chỉ giỏi về lý thuyết.

Thời gian qua, các cơ quan Trung ương, các viện trường, các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tìm giải pháp đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL. Tuy nhiên, những yếu kém có tính chất “truyền thống” như nguồn nhân lực ở ĐBSCL còn thấp kém, hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn khó khăn vẫn chưa được khắc phục. Tại lần hội thảo này, các đại biểu tiếp tục đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL. Mong rằng, những tâm huyết của các nhà khoa học, những nguyện vọng chính đáng của nông dân ĐBSCL kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa sẽ sớm được thực hiện hiệu quả, căn cơ!

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết