24/11/2018 - 18:26

Giải pháp nâng cao hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật 

Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn TP Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay”. Các đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ thành phố đã nêu ra hiện trạng của VHNT Cần Thơ và đưa ra nhiều giải pháp tâm huyết.

Biểu diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền 2018. Ảnh: DUY KHÔI

* Nhà giáo Lê Phước Nghiệp: THIẾU ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN ĐỦ LỰC

Chúng ta đang thiếu đội ngũ nhà văn đủ lực, đặc biệt là lớp trẻ để thay thế cho các đàn anh đàn chị hầu như đã bước qua ngưỡng 60. Do đó, theo tôi việc đào tạo thế hệ nhà văn trẻ là vô cùng cấp thiết.

Thực tế có nhiều bạn trẻ ngay từ thời phổ thông đã thích viết, thích được biểu đạt suy nghĩ. Những cá tính như thế đến với sáng tác trước hết là để đặt ra những vấn đề về bản thể, những day dứt cuộc sống. Vì thế, để thỏa mãn cá tính sáng tạo, họ cần được cung cấp những kiến thức nền về triết học, mỹ học cũng như thực tế cuộc sống. Đào tạo tài năng sáng tác còn phải lắng nghe và chia sẻ được những khủng hoảng tâm lý, tinh thần của người học.

Nếu càng coi tài năng là hiện tượng hiếm, những tài năng lớn lại càng ít xuất hiện thì việc tạo lập một môi trường học tập, sáng tạo sao cho hợp lý là hết sức cần thiết. Chương trình đào tạo phải vừa căn bản vừa chuyên sâu. Chúng ta cũng tổ chức trại sáng tác, hội thảo văn học… nhưng hình như vẫn chưa bắt kịp yêu cầu thiết thân của cuộc sống và vẫn chưa mạnh dạn có cái nhìn thực tế về xã hội. 

* Tác giả Lê Xuân (Hội Nhà văn TP Cần Thơ): NHIỀU NGƯỜI PHÊ BÌNH VĂN HỌC (PBVH) CÒN NGẠI “ĐỤNG CHẠM”

Hiện nay có tình trạng người viết PBVH rất ngại “đụng chạm”, sợ bị người khác quy chụp. Trên các báo và tạp chí, thường xuất hiện ba loại nhà PBVH. Một là loại phê bình tâng bốc nhau. Hai là loại phê bình bới lông tìm vết, quy chụp. Ba là loại phê bình “dĩ hòa vi quý”, khen chê chung chung. Cả ba đều không nên có ở một nền văn học chân chính.

Đảng ta từ trước đến nay không cấm các tác giả viết về những vấn đề tiêu cực của xã hội, như phê phán cái xấu, cái ác... Nhưng viết thế nào để từ đó khẳng định được cái tốt, cái đẹp, hướng độc giả tới Chân - Thiện - Mỹ mới là điều cần làm, cần suy nghĩ. Bởi vì ranh giới giữa sự phê phán và đả kích là rất mong manh. Hình tượng văn học lại đa nghĩa. Vì vậy, nếu người cầm bút không vững tay là sẽ mập mờ giữa ranh giới phê phán và đả kích.

Mảng PBVH, không những ở Cần Thơ mà cả khu vực ĐBSCL, còn thiếu và yếu. Người viết có thể đếm trên đầu ngón tay, còn quá mỏng, chưa tương xứng với sự phát triển của văn học địa phương, ít dẫn đường cho người cầm bút đi đúng quỹ đạo sáng tác. Bài viết phần lớn mới dừng lại ở mức “bàn thêm” về truyện, thơ, hoặc bình thơ, hoặc giới thiệu tác giả, tác phẩm…

* Nhà văn Vũ Thống Nhất (Hội Nhà văn TP Cần Thơ): QUAN TÂM QUẢNG BÁ TÁC PHẨM VHNT

Cần quan tâm đến việc quảng bá, giới thiệu để làm sao tác phẩm VHNT đã được đầu tư sáng tạo đến được với công chúng. Giá trị tác phẩm lúc đó mới thật sự trở thành những sản phẩm tinh thần, món ăn tinh thần cho công chúng và xã hội.

Nên xây dựng lộ trình và có giải pháp cụ thể hoàn chỉnh Đề án “Giải thưởng Bùi Hữu Nghĩa về VHNT” và “Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT TP Cần Thơ”; xúc tiến thành lập Đường Sách Cần Thơ; khôi phục và duy trì các hội thi, hội diễn mang tính chuyên nghiệp; xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống ĐBSCL… Đó chính là “đầu ra”, là nguồn động viên quan trọng cho các văn nghệ sĩ có tác phẩm chất lượng, xứng tầm vị thế trung tâm VHNT của vùng và cả nước.

*  Nghệ nhân ưu tú Minh Thơ: VÀI CHIA SẺ VỀ VIẾT LỜI MỚI CHO BÀI BẢN TÀI TỬ

Đờn và ca tài tử đã khó, mà sáng tác lời ca cho tài tử còn khó hơn. Ngoài việc viết sao cho ôm lòng bản, cho dễ ca, cho trúng giọng điệu, nhịp nhàng, đòi hỏi lời ca phải giàu tính văn học, hình tượng, trong sáng, rõ nghĩa.

Để bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử, tôi nghĩ các cơ quan chức năng hãy có chính sách đầu tư về việc phát triển lực lượng sáng tác lời mới, hoặc sáng tác những điệu thức mới, cùng song hành với việc đào tạo lực lượng chơi đàn và ca tài tử. Phải thực sự chú trọng bồi dưỡng lớp trẻ, có năng lực và tư duy sáng tác. Việc giảng dạy này phải có nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo bài bản và khoa học để tạo nền tảng lâu dài.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có tài liệu nào chính thống và phù hợp cho từng đối tượng học. Vì vậy cần có đơn vị nghiên cứu, huy động người có khả năng, am hiểu để biên soạn, nhằm tạo một giáo trình thống nhất. Làm sao để khi mỗi lớp học kết thúc, chỉ cần có 3-4 tác giả có tác phẩm chất lượng, xoay quanh trong 20 bài bản tổ là đạt yêu cầu.

ĐĂNG HUỲNH (lược ghi)

Chia sẻ bài viết