18/12/2007 - 16:36

Giải pháp nâng cao giá trị trái cây hàng hóa ở ĐBSCL

ĐBSCL hiện có 325.000 ha trồng cây ăn trái, tăng hơn gần 100.000 ha so với năm 2000. Nông dân đã lựa chọn hướng đi đúng và có hiệu quả thiết thực: tăng diện tích trồng cây ăn trái để phá thế độc canh cây lúa. Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) cho thấy quy mô ruộng đất bình quân 1 ha/ hộ có 4-5 khẩu, nếu chỉ độc canh 3 vụ lúa mỗi năm thì thu nhập sẽ không đủ trang trải cho chi tiêu gia đình. Song hiện nay, để phát huy hiệu quả của sản xuất trái cây hàng hóa vẫn còn nhiều việc phải làm...

THỰC TRẠNG BỨC XÚC

Hiện tại trái cây hàng hóa của ĐBSCL đang thua về lợi thế cạnh tranh, vì không đáp ứng kịp thời thị trường về số lượng, chất lượng và độ đồng đều cao, cũng như bao bì đóng gói, giao hàng đúng hạn và giá bán lại cao do giá thành sản xuất cao. Một ví dụ, sầu riêng Ri-6 bán khoảng giá 25.000 đồng/kg, còn sầu riêng Monthong nhập từ Thái Lan có giá 10.000 - 15.000 đồng/kg (bán ở nội địa Thái Lan chỉ 7.000 đồng/kg). Cũng như vậy với trái bòn bon, khách du lịch mua ở ta đắt gấp 2-4 lần ở Thái Lan. Cách đây vài thập kỷ, tôi thấy ở chợ Thái Lan có bày bán ổi xá lỵ, lúc đó chưa có thanh long như bây giờ. Những trái cây gốc Việt Nam đó đã được sản xuất thành hàng hóa, được cải tạo giống tại Thái Lan và một số nước khác.

 Vú sữa Lò Rèn đã trở thành loại trái cây đặc sản ở ĐBSCL. Vú sữa Lò Rèn tại vườn của bà Phạm Thị Hiền ở ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: VĂN CÔNG

Hiện tượng được mùa rớt giá của trái cây ĐBSCL vẫn diễn ra liên tiếp. Có vụ vườn nhãn bị bỏ chín tự nhiên, tự rụng ngập mắt cá chân, xoài bán rẻ như cho, dẫn đến tình trạng nông dân liên tục chặt cây này, trồng cây khác, rồi có nơi có khi trồng lại cây đã chặt.

Thời gian qua, phát triển sản xuất trái cây ở ĐBSCL vẫn do mở rộng diện tích là chính, vai trò của khoa học và công nghệ còn khá khiêm tốn trong các khâu từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến thị trường. Do lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nông dân ĐBSCL hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng trên, tương tự như đối với quá trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa. Lúc đầu sản lượng lúa tăng do tăng diện tích gieo trồng, nay diện tích giảm, nhưng vẫn tăng được sản lượng nhờ tăng năng suất, tăng được giá bán từ chất lượng tăng. Chỉ tính đến tháng 9-2007, Việt Nam đã đạt kỷ lục mới về giá gạo xuất khẩu: bình quân 293 USD/tấn, tăng hơn năm trước 42 USD, đuổi kịp Thái Lan. Riêng loại gạo 5% tấm bán được 350 USD/tấn, hơn Thái Lan 7 USD.

QUAN TÂM NHIỀU ĐẾN GIỐNG

Giống cây ăn trái vẫn được xếp hàng đầu trong quy trình sản xuất trái cây hàng hóa. Khác với sản xuất lúa hàng vụ có thể đổi giống, với trái cây là hàng chục năm. Khác với rau, hiện ta đang sản xuất chủ yếu bằng giống nhập, vì hiện còn rất ít giống bản địa, như sả, riềng...; còn đối với cây ăn trái thì phần nhiều dùng giống bản địa. Người sản xuất khi lựa chọn trồng giống cây ăn trái như đối với giống lúa, chỉ quan tâm đến hiệu quả sản xuất, ít chú trọng đến việc phân biệt giống nhập hay bản địa, ai tạo chọn ra. Hiện nay, trong sản xuất trái cây đang tồn tại nhiều loại giống nhập, nhưng giống cây ăn trái bản địa vẫn được nhà vườn sử dụng trên phần lớn diện tích, do lợi thế thích hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, thì trong sản xuất lưu thông, như đối với trái thanh long, người nông dân chỉ được hưởng có 3,75% trên giá trị sản phẩm; người đóng gói hưởng 5,71%, nhà xuất khẩu 8%, còn đến khoảng 80% là người vận chuyển và phân phối. Từ đó vấn đề đặt ra là tổ chức sản xuất trái cây hàng hóa cần có hình thức thích hợp liên doanh liên kết “bốn nhà” từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến thị trường để tăng giá trị nông sản. Có như thế khi phân bổ lợi nhuận ai cũng có lợi hơn và công bằng hơn.

Để phát huy thế mạnh cây ăn trái đặc sản, cần xác định và mở rộng diện tích ra vùng có điều kiện đất và sinh thái khí hậu thích hợp. Chẳng hạn như cây thanh long trước đây chỉ phát triển ở Nam Trung bộ và Nam bộ bằng giống vỏ đỏ ruột trắng. Hiện nay, đã có giống thanh long trồng được ở cả nước dễ dàng, đấy là giống thanh long vỏ cũng đỏ tươi, nhưng ruột đỏ sẫm, ăn ngon ngọt. Thời gian tạo chọn giống cây ăn trái mới cần 10 - 15 năm, nhưng sau đó năm nào ta cũng có thể có giống mới giới thiệu vào sản xuất. Tuyển chọn cây mẹ làm đầu dòng chiết ghép nhân ra cũng là cách đang làm có kết quả tốt. Quản lý cây giống vẫn là vấn đề bức xúc, vì giống kém chất lượng và không đúng giống vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

HÀI HÒA GIỮA ĐA CANH VÀ CHUYÊN CANH

Chuyên canh mới có thể có nông sản hàng hóa đáp ứng kịp thời, đủ số lượng và dễ đảm bảo chất lượng hơn cho thị trường, thuận lợi cho việc chuyển giao giống và kỹ thuật mới. Tuy nhiên, điều kiện của ta không cho phép thực hiện chuyên canh như ở nước có đất rộng, người thưa, nền kinh tế phát đạt như ở Úc, Ý, Mỹ... có những vườn rộng hàng chục, hàng trăm ha chỉ trồng 1 loại cây ăn trái.

Trong thực tế sản xuất ở ĐBSCL đã thể hiện giải pháp hài hòa là “vùng chuyên canh” thực hiện bởi nhiều “nông hộ đa canh”, hay chuyên canh một vài trái cây nào đó trên nền các vườn đa canh, làm sao để cho các hợp phần đa canh hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong mối quan hệ với Viện JIRCAS Nhật, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã nghiên cứu đề xuất và giúp nông dân thực hiện mô hình trồng xen ổi với cam quýt; vì ổi toát ra mùi xua đuổi rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh vàng bạc (Greening) do virus gây ra. Cách làm: dùng giống ổi xá lỵ nghệ, trồng gốc cách gốc khoảng 2,3 - 3m, xen giữa những gốc cam quýt cùng có khoảng cách trên. Trồng ổi trước khi trồng cam quýt 6 tháng mới có khả năng toát mùi đuổi rầy chổng cánh. Sau trồng ổi độ 1 năm là có trái thu hoạch “lấy ngắn nuôi dài” ở vườn cam quýt, cũng như bà con nông dân đã có kinh nghiệm trồng xen đu đủ, chuối... và rau màu ngắn ngày. Vườn đa canh hiệu quả kinh tế cao khác hẳn với vườn tạp trồng tùy tiện kém hiệu quả.

Người nông dân khó tiếp nhận một khuyến cáo nào chỉ nhằm vào một hoạt động sản xuất của họ mà không quan tâm đến những lợi ích tích hợp của vườn đa canh mà họ đang thực hiện có hiệu quả. Khi đã xác định được cây ăn trái đặc sản chuyên canh ở vùng nào đó, thì kiên quyết khắc phục tình trạng giống kém, bị pha tạp. Chẳng hạn như bưởi là cây thụ phấn nhờ hạt phấn đực bên ngoài vào khoảng 30%, nếu để tình trạng vùng trồng bưởi Năm Roi lẫn với các giống bưởi khác, sẽ do lai tạp mà xuống cấp, vốn không hạt thành có hạt, thì chẳng ai đoái hoài đến lấy cắp cây giống để bị phạt đánh bằng roi nữa như xuất xứ của tên “Năm Roi”. Điều này không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn góp phần phát triển sản xuất bền vững và tăng thu nhập, tăng cải thiện trực tiếp mức sống cho nông hộ, giảm rủi ro.

Vùng lúa chuyên canh ĐBSCL được thực hiện đa canh bằng các miệt vườn cây trái. Hệ sinh thái VAC trong phạm vi của các nông hộ bao gồm cây ăn quả chủ lực tùy theo vùng, như vú sữa, sầu riêng, bưởi, xoài, sơ ri..., dưới tán vườn có thể nuôi bò thịt, heo hướng nạc, gia cầm... Dưới ao nuôi thả các loại cá phù hợp với yêu cầu hàng hóa của vùng. Cần có đề tài, dự án về sản xuất một trái cây đặc sản nào đó mà có những hợp phần VAC, là cách thiết thực quan tâm đến người sản xuất vốn bị thiệt thòi nhiều khi gặp rủi ro. Cũng cần có loại đề tài xây dựng vườn cây ăn trái mẫu đúc kết từ kinh nghiệm sản xuất trong nước, cũng như ở Thái Lan, Malaysia... để có kết quả và nhân rộng ra.

GsTs NGUYỄN VĂN LUẬT

Chia sẻ bài viết