15/05/2023 - 10:45

Giải pháp hữu ích dành cho người khuyết tật ngón tay 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp tiềm năng trong học sinh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2023 vừa kết thúc, giải Nhất thuộc về dự án “Ngón tay giả bán tự động cho người khuyết tật” của nhóm E-Fairy. Đây là giải pháp có tính khả thi cao, giúp người khuyết tật ngón tay có điều kiện tiếp cận dễ dàng các tiện ích phục vụ cuộc sống.

E-Fairy giới thiệu về sản phẩm ngón tay giả bán tự động dành cho người khuyết tật.

E-Fairy giới thiệu về sản phẩm ngón tay giả bán tự động dành cho người khuyết tật.

E-Fairy gồm các thành viên: Nguyễn Trọng Tính, Trần Phước Lộc, Nguyễn Duy Khang, Võ Anh Đào và Phạm Thị Tuyết, đều là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ (trong đó Lộc đã tốt nghiệp vào tháng 3-2023). Dù học ở các ngành khác nhau như Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật cơ điện tử, Ngôn ngữ Anh, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, nhưng nhóm bạn trẻ này đều có chung niềm đam mê khoa học và khát vọng khởi nghiệp bằng tri thức đã được học.

Chuyện bắt đầu từ việc Phạm Thị Tuyết có ông nội bị khuyết tật ngón tay. Tuyết trăn trở làm gì đó để giúp ông và chia sẻ chuyện này với nhóm. Vậy là một giải pháp hay được ra đời, E-Fairy tiến hành thực hiện với sự hướng dẫn của TS Trần Thanh Hùng. Ngón tay giả được thiết kế và in 3D, sau đó gia công hoàn thiện sản phẩm. Thiết bị này dành cho người khuyết tật ngón tay nhưng còn ít nhất nửa đốt ngón tay để làm trụ gắn, kết nối với bàn tay. Cơ chế hoạt động là lực cơ của đốt ngón tay còn lại khi gập, duỗi sẽ kéo theo hoạt động liên hoàn đồng nhất của ngón tay giả. Nguyễn Trọng Tính cho biết: Sản phẩm sau khi hoàn thiện, người dùng có thể cầm, nắm, xoay, ấn, thậm chí đánh máy vi tính khá nhanh nhạy.

Nguyễn Trọng Tín chia sẻ thêm, báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam về người khuyết tật vào năm 2016, Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có đến hơn 2 triệu người khuyết tật vận động thân trên. Ước tính, số người khuyết tật ngón tay chiếm 3% tổng số khuyết tật vận động thân trên, tương đương 65.000 người. Người khuyết tật ngón tay bị ảnh hưởng nhiều đến cả thể chất lẫn tinh thần. Để hỗ trợ người bị khuyết tật ngón tay, hiện tại thị trường có 2 loại sản phẩm tay giả: một loại hỗ trợ vận động như tay robot, tay điện, có giá thành rất cao, từ 1.000-4.000 USD; một loại hỗ trợ thẩm mỹ được làm bằng silicon. “Giải pháp “Ngón tay giả bán tự động cho người khuyết tật” sẽ khắc phục các hạn chế của cả hai sản phẩm nói trên như thời gian sử dụng liên tục không giới hạn, không cần dùng bất kỳ nguồn năng lượng nào cho hoạt động, giá bán thấp, hỗ trợ vận động cho người dùng, có thể kết hợp với bao tay silicon tạo hình thẩm mỹ cho tay” - Trọng Tính phân tích.

Em Nguyễn Duy Khang cho biết thêm, ngón tay giả bán tự động khi hoàn thiện có giá chỉ khoảng 1 triệu đồng, người có thu nhập thấp cũng dễ tiếp cận sản phẩm. Ngoài ra, điều kiện bảo quản dễ dàng, tiết kiệm năng lượng, chống thấm nước, dễ lắp đặt và không yêu cầu trình độ cao để sử dụng cũng là những ưu điểm của sản phẩm. Ông Phạm Văn Cồ, người khuyết tật ngón tay ở tỉnh Sóc Trăng, khách hàng đầu tiên của E-Fairy, nhận xét: “Sản phẩm ngón tay giả của nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ dễ sử dụng, giá cả phù hợp, dùng khi sinh hoạt, làm việc cũng rất thuận tiện và có thể đeo xuyên suốt. Đặc biệt, khi đeo ngón tay giả này, tôi tự tin hơn rất nhiều”.

Theo em Trần Phước Lộc, sản phẩm hiện được thí điểm bằng chất liệu nhựa, kết nối bằng ốc vít nên tính liên kết, vững chãi chưa thật sự tốt. Sắp tới, E-Fairy sẽ tiếp tục cải tiến, thay bằng chất liệu kim loại (nhôm là lựa chọn hàng đầu) và kết nối các chi tiết bằng bạc đạn siêu mini để sản phẩm hoàn thiện nhất có thể, triển vọng phát triển ngoài thị trường.

Trước khi đoạt giải Nhất Cuộc thi Dự án khởi nghiệp tiềm năng trong học sinh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2023, ngày 9-4 vừa qua, E-Fairy đã vinh dự được chọn thuyết trình về sản phẩm này với Đoàn Nghị sĩ Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Jeff Alan Merkley làm Trưởng đoàn, trong chuyến đoàn đến thăm và làm việc với Trường Đại học Cần Thơ. Tính hữu ích, nhân văn và khả thi của sản phẩm được đánh giá cao.

Chia sẻ bài viết