28/10/2020 - 09:37

Giải pháp hỗ trợ căn cơ 

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) TP Cần Thơ luôn quan tâm, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) và các nguồn vốn vay ưu đãi khác. Qua đó, giúp nhiều hội viên đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền có 10 thành viên được vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn Trung ương HND Việt Nam ủy thác.

Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền có 10 thành viên được vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn Trung ương HND Việt Nam ủy thác.

Theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch HND TP Cần Thơ, trong các giải pháp hỗ trợ nông dân, các nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn vốn từ Quỹ HTND là giải pháp căn cơ giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, Quỹ HTND các cấp đã nhận từ ngân sách và vận động hội viên nông dân trên 19,9 tỉ đồng. Hiện nay, với tổng nguồn vốn trên 30,4 tỉ đồng, các cấp HND thành phố cho vay theo dự án với số tiền bình quân từ 100-800 triệu đồng/dự án; đối tượng cho vay là hội viên nông dân, mô hình sản xuất phù hợp lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp HND thành phố còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, tất cả cơ sở Hội thực hiện ký kết hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua hoạt động của 768 tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp cho trên 36.000 thành viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 1.000 tỉ đồng. Các cấp HND còn ký thỏa thuận với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì hoạt động của 30 tổ vay vốn, với 418 thành viên tham gia, tổng dư nợ trên 34,6 tỉ đồng.

Để tổ chức thực hiện tốt việc ủy thác cho vay vốn, các cấp HND rà soát nhu cầu vay vốn của hội viên, thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, như: duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ; thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét cho vay; đôn đốc các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ vốn vay đúng thời hạn quy định,... Nhờ đó, 5 năm qua, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu vực Phú Luông, phường Long Hưng, quận Ô Môn, mang nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân. Theo ông Đặng Ngọc Dưng, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu vực Phú Luông, Tổ có 56 thành viên (tăng 35 người so với năm 2016), với tổng dư nợ trên 1,2 tỉ đồng. Nhìn chung, đa số hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích… Trong 5 năm qua, trên địa bàn khu vực có 3 hội viên vay vốn làm ăn, thoát nghèo bền vững. 

Tại ấp Thạnh Quới 2, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, công tác quản lý nguồn vốn vay của Ngân hành Chính sách Xã hội luôn được quan tâm, thực hiện tốt. Ông Võ Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, chia sẻ: “Từ năm 2007 đến nay, tôi nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Thạnh Quới 2. Tôi nghĩ, đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hội viên gặp khó khăn có vốn để sản xuất phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”. Hiện nay, tổng dư nợ của Tổ trên 1 tỉ đồng, giúp 55 hộ vay vốn làm ăn. Hằng tháng, Tổ đều tổ chức họp lệ, đôn đốc đóng lãi, gởi tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn cho các thành viên nắm để trả nợ đúng theo thông báo của ngân hàng, thăm hỏi các thành viên về việc trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều năm qua, trên địa bàn ấp không xảy ra tình trạng nợ quá hạn...

Để việc sử dụng vốn có hiệu quả, HND các cấp thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay vốn với các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất được hỗ trợ vay vốn hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Riêng nguồn vốn Quỹ HTND, hầu hết các đơn vị HND quận, huyện nhận ủy thác nguồn vốn này đều xây dựng các dự án đạt hiệu quả cao. Trong 5 năm qua, đã thực hiện trên 300 dự án với số tiền vay xoay vòng trên 40 tỉ đồng, không có nợ quá hạn. Điển hình như: dự án trồng hẹ (phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt) từ nguồn vốn Trung ương HND Việt Nam ủy thác đã giúp 13 hộ vay 500 triệu đồng để trồng hẹ trên diện tích 3,16ha, thu nhập bình quân 153 triệu đồng/hộ; dự án trồng dưa hấu (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố; dự án phát triển cây nhãn Ido trên vùng đất gò (xã Định Môn, huyện Thới Lai) giúp 25 hộ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố…

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết