15/11/2009 - 09:47

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Giải pháp cho phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đe dọa nhiều khu vực, quốc gia. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất trên thế giới do BĐKH gây ra. ĐBSCL - nơi cung cấp lương thực cho hàng trăm triệu người - được dự báo sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất của Việt Nam. Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp giảm nhẹ thiên tai, cứu lấy ĐBSCL như giải mối nguy an ninh lương thực cho Việt Nam và cả thế giới. Diễn đàn BĐKH ĐBSCL lần thứ I vừa được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức tại TP Cần Thơ đã tiếp tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo, kêu gọi hợp tác, hỗ trợ cả về tài, lực, kỹ thuật cho vùng đất này chống lại tác động của BĐKH.

* Hiểm họa hiện hữu và tiềm tàng

Tác động của BĐKH làm cho nhiều tỉnh, thành ĐBSCL hàng năm phải gánh chịu đủ các loại thiên tai, rủi ro như: bão, lũ, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng, sạt lở đất, hạn hán kéo dài, mưa nhiều gây ngập úng, dịch bệnh ở người và cả cây trồng, vật nuôi... Trong đó, tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đời sống sinh hoạt người dân trong vùng.

Diễn đàn biến đổi khí hậu ĐBSCL lần I được tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: K.LOAN.

Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang, rừng ngập mặn đã bị hủy hoại đến 25% diện tích, đất canh tác đang bị thu hẹp dần, đê biển sạt lở. Đáng lo hơn, xâm nhập mặn đã vào sâu đến 60km làm giảm sản lượng nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng. Ở kịch bản nước dâng 1m, 66% diện tích đồng bằng của tỉnh bị ngập, 50% dân số của tỉnh phải chịu ảnh hưởng. Còn theo ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, loại thiên tai mà tỉnh này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lũ lụt. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 1994 đến 2008 là gần 62 ngàn tỉ đồng. Tại trạm Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng, độ mặn đo được trong giai đoạn 1990-1999 là 9,1‰; giai đoạn 2000-2009, độ mặn đã lên đến 9,5‰. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nói: “Bão, nước biển dâng sẽ gây thiệt hại toàn vùng nuôi tôm cận biển vì đê điều ở những khu vực này chưa được kiên cố. Nước mặn xâm nhập làm cho diện tích ngọt bị thu hẹp dần và có thể phá vỡ mô hình sản xuất tôm - lúa của địa phương”.

Ở kịch bản BĐKH nước biển dâng 1m, thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài từ 4-5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn, cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng 2,30c so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Giáo sư Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường Quốc gia, cho biết: “BĐKH đã làm cho thiên tai ngày càng ác liệt hơn. Bão mạnh xảy ra nhiều hơn, đường đi của bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam, số ngày nắng nhiều hơn, nhiệt độ trung bình trong 30 năm qua tăng 0,5oC, mực nước biển tăng 3mm/năm, mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn...”.

Đến nay, chưa có thống kê, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về tình hình BĐKH ở ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định BĐKH đã và đang diễn ra với những biểu hiện bất thường của thời tiết; sự gia tăng mức độ, tầng suất của thiên tai. Không những thế, nhiều dự báo khoa học cho thấy các hiểm họa thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra ở mức độ nặng nề hơn cho ĐBSCL nếu không có giải pháp can thiệp, giảm nhẹ ngay từ bây giờ.

Mưa to, triều dâng cao gây ngập sâu ở nhiều tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ. Ảnh: LỆ THU.

* Cứu ĐBSCL là giải mối nguy an ninh lương thực

ĐBSCL chiếm 22% dân số cả nước, đóng góp 27% GDP cho quốc gia. Đồng thời, cung cấp 50% sản lượng lúa gạo, 80% sản lượng hoa quả, 60% sản lượng hải sản cho cả nước và khoảng 80% lúa gạo xuất khẩu. Ngoài ra, ĐBSCL còn đóng vai trò quan trọng về đóng góp cho sự đa dạng sinh học, hệ thống rừng đặc dụng, nền văn hóa lúa nước... Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định: “Vùng ĐBSCL giữ vai trò quan trọng cho an ninh lương thực của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. BĐKH đã và đang tác động, gây thiệt hại về sản lượng lương thực của vùng. Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia ứng phó với BĐKH, trong đó, ĐBSCL được chú trọng quan tâm, hỗ trợ tối đa về tài, lực để xây dựng chương trình, kế hoạch thích nghi, giảm nhẹ thiên tai”. Bộ trưởng còn kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam, hỗ trợ, hợp tác với ĐBSCL để nâng cao thích ứng, giảm nhẹ hậu quả thiên tai; thực hiện nghiên cứu đầy đủ, chính xác, toàn diện về bản chất của tác động BĐKH ở ĐBSCL. Đồng thời, thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học về đặc tính của đất, cây trồng, vật nuôi, nếp sống, văn hóa của vùng... Đây sẽ là cơ sở khoa học, thiết thực để các lãnh đạo các cấp, địa phương, ngành lập kế hoạch ứng phó hiệu quả với thiên tai góp phần bảo tồn, phát triển bền vững ĐBSCL.

Để ĐBSCL được bảo tồn, phát triển bền vững, yêu cầu cấp thiết được đặt ra là hoạch định kế hoạch giảm nhẹ thiên tai, thích ứng các tác động của BĐKH. Các hoạt động ứng phó, giảm nhẹ, cắt giảm những hành động nguy cơ, thúc đẩy BĐKH cần được thực hiện ngay từ bây giờ. Đây cũng là lời kêu gọi của các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước tại diễn đàn BĐKH ĐBSCl lần I. Và xây dựng một kế hoạch ứng phó như thế nào cũng đang là vấn đề đang được đặt ra cho lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương.

Ông Hoonae Kim, Giám đốc Chương trình phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đề xuất: “BĐKH cần phải được xem xét, nghiên cứu mang tính chất cấp vùng. Nhất thiết phải xây dựng một tổ chức cấp vùng, quốc gia để tổng hợp tình hình, các nghiên cứu, hoạt động liên quan đến BĐKH để kiến nghị giải pháp hành động kịp thời, giảm nhẹ thiên tai do ảnh hưởng của BĐKH”. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói: “BĐKH không chỉ là vấn đề môi trường, của một ngành mà chính là vấn đề phát triển bền vững. Vì vậy, BĐKH cần được biết đến, nhận thức và cộng đồng trách nhiệm bởi cả cộng đồng, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo cấp cao... Ứng phó với ĐĐKH phải được thực hiện trên nguyên tắc phát triển bền vững, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, lồng ghép”.

Tham gia diễn đàn được tổ chức tại TP Cần Thơ, ông Allaster Cox, đại sứ Australia tại Việt Nam, nhận định: “Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Những động thái này thể hiện nỗ lực ứng phó với BĐKH của quốc gia. Diễn đàn BĐKH ĐBSCL lần I cũng là hoạt động thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với BĐKH. Diễn đàn sẽ là một đóng góp quan trọng cho việc chuẩn bị tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về chống BĐKH tại Copenhagen (Đan Mạch) sắp tới. Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong việc định hình một sự đồng thuận khu vực cho hành động ứng phó BĐKH”.

BĂNG TÂM

Chia sẻ bài viết