26/09/2015 - 16:31

Giải mã cảm giác cô đơn và biện pháp vượt qua

Những người cảm thấy cô đơn thường dễ lâm vào vòng lẩn quẩn của những hành vi tiêu cực. Đáng nói là dù cảm thấy như thế nhưng họ lại né tránh giao tiếp, bởi lo sợ bị mọi người từ chối. Mới đây, hai nhà nghiên cứu ở Đại học Chicago (Mỹ) phát hiện sở dĩ người cô đơn có cách hành xử lạ lùng như vậy là do bộ não họ có phản xạ thần kinh khác biệt.

Để đi đến kết luận trên, cặp vợ chồng chuyên gia Stephanie và John Cacioppo đã tiến hành 2 nghiên cứu có sử dụng phương pháp đo điện não, qua đó, đã làm sáng tỏ cách thức đối phó trước các mối đe dọa xã hội của những người luôn cảm thấy cô độc và cảnh giác thái quá. Cụ thể là họ phát hiện ra rằng, khi nhìn thấy những từ ngữ hoặc hình ảnh tiêu cực, hoạt động điện não của họ trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hơn.

Ở nghiên cứu đầu tiên, họ tiến hành đo các điện não của 38 người cảm thấy rất cô đơn và 32 người không cảm thấy cô đơn trong khi cho họ thực hiện bài kiểm tra tên là "Stroop Test". Trong đó, 25% số từ vựng mà họ được cho xem là nhóm từ mang ý nghĩa xã hội tích cực như "tiệc tùng", 25% mang ý nghĩa xã hội tiêu cực như "cô đơn", 25% từ ngữ chỉ cảm xúc tích cực như "niềm vui" và còn lại là nhóm từ chỉ cảm xúc tiêu cực như "nỗi buồn".

Hoạt động điện não của người cô đơn phản ứng mạnh hơn với từ ngữ và hình ảnh tiêu cực, khiến họ luôn cảnh giác với mọi việc xung quanh và càng thêm đơn độc.

Qua quan sát, 2 chuyên gia phát hiện khi một từ hiển thị trên màn hình, bộ não của những người cô đơn hình thành 3 trạng thái biểu hiện khác nhau. Cụ thể là não của họ phản xạ với những từ mang ý nghĩa xã hội tiêu cực và chuyển sang trạng thái cực kỳ cảnh giác. Họ cũng đặc biệt chú ý tới các từ mang ý nghĩa xã hội tích cực có tính đe dọa và từ chỉ cảm xúc tiêu cực. Điều này đồng nghĩa bộ não của người cô đơn chủ yếu tìm kiếm sự việc mang tính chất tiêu cực.

Còn ở nghiên cứu thứ hai, 19 người (trong đó có 10 người cô đơn) được yêu cầu quan sát 28 tấm ảnh cũng thể hiện 4 yếu tố mang ý nghĩa xã hội và cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực như trên. Kết quả là hoạt động điện não của họ cũng tương tự như ở nghiên cứu thứ nhất, cụ thể là hai chuyên gia nhận thấy rằng những người cô đơn phản ứng với hình ảnh tiêu cực nhanh hơn.

Theo Tiến sĩ Cacioppo, điều quan trọng đối với những người cảm thấy cô đơn là phải nhận thức được rằng bộ não của họ đang làm cho bản thân họ trở nên cảnh giác hơn đối với các mối đe dọa xung quanh và kiểm soát luôn hành vi của họ. Vì vậy, để giúp người cô đơn không còn cảm thấy đơn độc, ông đã sáng tạo ra "Phương pháp Xoa dịu" - gồm 4 bước đơn giản dưới đây:

1. Mở lòng: Tức là chấp nhận những lời mời xã giao ngay cả khi không cảm thấy thích thú với chúng. "Bạn không thể kết nối nếu bạn tự cô lập, hoặc chỉ kết nối qua mạng, nơi nhiều người thường thể hiện không đúng bản thân" - ông Cacioppo lý giải.

2. Lên kế hoạch hành động: Theo Tiến sĩ Cacioppo, việc tự nhận thức được rằng chúng ta không thụ động, có khả năng kiểm soát và thay đổi tình trạng bản thân bằng cách thay đổi suy nghĩ, kỳ vọng cũng như cách hành xử với người khác có thể giúp cải thiện tâm trạng một cách bất ngờ. Do vậy, ông khuyến nghị người cô đơn nên lên lịch hoạt động xã hội của bản thân và tổ chức những sự kiện phù hợp để người khác cùng tham gia với họ.

3. Gặp những người cùng sở thích: Giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ cảm giác cô đơn không phải là số lượng mà là chất lượng của các mối quan hệ. Điều đó đồng nghĩa bạn nên dành thời gian để tiếp xúc những người có điểm chung, nhằm phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa.

4. Luôn mong đợi điều tốt đẹp nhất: Việc mong đợi điều tốt nhất trong mọi tình huống tương tác có thể cũng giúp bản thân đạt được điều này và đưa bạn thoát khỏi cảm giác cô đơn.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết