19/05/2023 - 06:27

Giấc mơ khó thành hiện thực của Nhật Bản 

HẠNH NGUYÊN
(Theo Bloomberg, Washington Post)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida quyết định đưa Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về quê nhà Hiroshima để thuyết phục các lãnh đạo thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng thay vào đó, đồng minh Mỹ lại có kế hoạch mang thêm vũ khí hạt nhân tới khu vực nhằm răn đe những kẻ thù chung.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (trái) tại sân bay Hiroshima chiều 18-5. Ảnh: Nikkei Asia

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (trái) tại sân bay Hiroshima chiều 18-5. Ảnh: Nikkei Asia

Tại hội nghị G7 khai mạc vào hôm nay 19-5, tham vọng lâu nay của ông Kishida về “một thế giới không vũ khí hạt nhân” có thể sẽ xung đột với thực tế liên quan những thách thức an ninh đặt ra bởi Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga. Đây là những nước láng giềng của Nhật và sở hữu khoảng phân nửa số lượng đầu đạn hạt nhân của thế giới. Sự tương phản thậm chí sâu sắc hơn khi lãnh đạo các quốc gia giàu nhất thế giới trong ngày đầu tiên của hội nghị sẽ tới thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima mà cách đây 78 năm đã hứng chịu quả bom hạt nhân đầu tiên do Mỹ thả xuống, làm chết 140.000 người.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất hứng chịu thảm họa bom nguyên tử trong chiến tranh, đã trải qua 8 thập niên theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, phản đối việc tự phát triển vũ khí hạt nhân và thúc giục các nước khác từ bỏ vũ khí này. Trong quyển sách “Hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân” xuất bản năm 2020, ông Kishida đã mô tả câu chuyện được nghe từ bà ngoại hồi thuở nhỏ về sự tàn phá khủng khiếp của vụ ném bom nguyên tử và cách những câu chuyện này trở thành động lực trong sự nghiệp chính trị của ông. Ông Kishida lên nắm quyền thủ tướng năm 2021 và năm ngoái, vị này đã trở thành nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên phát biểu tại hội nghị rà soát của Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Khi đó, ông Kishida kêu gọi cải thiện tính minh bạch của sức mạnh hạt nhân và duy trì xu hướng giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Do vậy, tổ chức hội nghị G7 sẽ là cơ hội lớn nhất để Thủ tướng Kishida nhấn mạnh thông điệp của ông về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tại hội nghị kéo dài 3 ngày ở Hiroshima, các lãnh đạo sẽ thảo luận về những cách thức mở rộng chiếc ô hạt nhân của Mỹ cho những đồng minh không có vũ khí nguyên tử như Nhật Bản và Hàn Quốc. “Mối đe dọa hạt nhân từ Nga cộng với tốc độ xây dựng năng lực của Trung Quốc và Triều Tiên đã làm nổi bật vấn đề vũ khí hạt nhân tại khu vực Đông Bắc Á”, Ankit Panda, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, nhận định. Theo ông Panda, những người ra quyết định tại các nước này ngày càng lo ngại về viễn cảnh đe dọa hạt nhân trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai, do vậy họ đã tăng gấp đôi năng lực phòng thủ độc lập đồng thời xây dựng liên minh riêng với Mỹ.

Thế giới tăng tốc theo hướng ngược lại

Đối phó Tổng thống Nga Vladimir Putin, người dọa sẽ giáng đòn tấn công vũ khí nguyên tử đầu tiên vào châu Âu liên quan xung đột Ukraine, cũng sẽ là chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự tại Hiroshima. Ngoài mối đe dọa này, kho đầu đạn hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc cũng từng thu hút sự chú ý của các ngoại trưởng G7 khi họ nhóm họp hồi tháng rồi. Báo cáo trong năm ngoái của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá số lượng đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh đã vượt qua 400 và sẽ sở hữu khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035.

Trong khi đó, Triều Tiên đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm các tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế để vươn tới lãnh thổ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết quả các cuộc thăm dò tại Hàn Quốc thường cho thấy phần lớn người dân muốn chính phủ nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cam kết sẽ triển khai vũ khí hạt nhân nếu chúng cần thiết để bảo vệ Seoul.

Chia sẻ bài viết