07/09/2019 - 08:17

Giả viên mãn hay chân hạnh phúc? 

Khi kết hôn, cặp đôi nào cũng mong muốn mình có một cuộc hôn nhân viên mãn, vững bền và để được như vậy là điều không dễ. Không tìm được tiếng nói chung, nhiều cặp đôi đành chọn giải pháp "vỏ bọc" để giữ gìn thể diện. Tuy nhiên, trong hôn nhân hạnh phúc thực sự mới là đích đến và tình yêu là động lực để vượt qua muôn vàn cách biệt, khó khăn...

Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững, vợ chồng phải biết yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Trong ảnh: Một tiểu phẩm tham dự Liên hoan sáng kiến truyền thông của Hội LHPN huyện Cờ Đỏ. Ảnh: Q.LAM

Vỏ bọc… hạnh phúc

Mới quen biết, nhiều người những tưởng gia đình anh N., quận Ninh Kiều rất hạnh phúc. Hai vợ chồng sự nghiệp thăng tiến, kinh tế ổn định, con cái đề huề. Thế nhưng, ít ai biết rằng đó chỉ là lớp "vỏ bọc" bên ngoài để che đậy cho một gia đình chực chờ đổ vỡ bên trong. Anh N. có lần tâm sự với bạn bè, bản thân anh và vợ nhiều lần có ý định kết thúc hôn nhân nhưng bị gia đình hai bên phản đối, phần vì sĩ diện của gia đình, phần vì lo sợ ảnh hưởng đến công việc và tâm lý của các con. Anh N. tâm sự: "Vợ chồng tôi sống chung trong một mái nhà nhưng tâm trí ở hai nơi. Công việc của tôi phải thường xuyên vắng nhà nên việc chăm sóc con gần như phó thác cho vợ. Nhiệm vụ của tôi là hằng tháng chu cấp tiền ăn học cho con. Những dịp lễ Tết, cả nhà cũng dắt nhau đi chơi, đi ăn vui vẻ, thoải mái nhưng không thể gắn bó thật sự". Theo anh N., sở dĩ vợ chồng anh đi đến cục diện như ngày hôm nay phần nhiều do cái tôi của mỗi người quá lớn, không ai chịu nhường bước ai. Mâu thuẫn vợ chồng lúc đầu chỉ xuất phát từ những việc nhỏ nhưng theo thời gian cứ lớn dần, rồi tình cảm không còn, nguy cơ đổ vỡ chỉ là chuyện sớm muộn…

Tương tự, hôn nhân của chị H., ở Sóc Trăng kéo dài được hơn 5 năm cũng là ngần ấy thời gian chị H. sống trong buồn tủi. Nghe chị H. kể chuyện gia đình, người thân, bạn bè đều khuyên nên tìm cách giải thoát cho bản thân. Thế nhưng một thời gian sau, mọi việc lắng dịu, tưởng giải quyết xong nhưng cuối cùng "đâu lại hoàn đấy". Một người bạn thân với chị H. kể: "Tính H. yếu đuối, lo sợ đủ điều, hết sợ không kham nổi kinh tế thì lại e dư luận… nên cứ lần lựa. Miệng thì bảo rằng lo sợ tương lai con bị ảnh hưởng vì thiếu vắng tình thương của cha nhưng sự thực sống trong một gia đình không khí lúc nào cũng ảm đạm, tẻ nhạt, chuyện ai người nấy làm thì chi bằng dứt khoát một lần để mỗi người gầy dựng tương lai tốt đẹp".  

Áp dụng khái niệm "tương đối"

Nhiều người cho rằng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, ngoài chữ "nhẫn", vợ chồng cần nhìn nhận mọi việc ở góc độ tương đối và phải biết chấp nhận những điều chưa như ý để cải biến cho hòa hợp. Trước khi kết hôn, ai cũng mong muốn mình gặp một người yêu lý tưởng, phải thế này, thế kia nhưng khi bước vào cuộc sống hôn nhân thì phải biết chấp nhận những thiếu sót, khiếm khuyết của đối phương để ứng xử cho phù hợp. Chị L., ở quận Bình Thủy, chia sẻ: "Kết hôn được một thời gian, quan niệm của tôi về cuộc sống gia đình có nhiều thay đổi, nhất là từ khi sinh con. Thể hiện rõ nhất là trong cách đối đãi với chồng, gia đình chồng đã có sự chín chắn. Bản thân hạn chế cau có, bực dọc vô cớ, hay hờn mát, ghen tuông bóng gió như trước kia…".

Mỗi người đều có "bí quyết" riêng để xây dựng gia đình hạnh phúc và cũng không có hình mẫu chung để định nghĩa hạnh phúc. Hôn nhân là cuộc hành trình dài đi tìm hạnh phúc, trong đó, đích đến là tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia của vợ chồng chứ không phải sự tròn trịa, viên mãn, hoàn mỹ của lớp vỏ bên ngoài.

TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hạnh phúc