25/03/2018 - 09:18

Giá trị văn hóa trong kiến trúc đình Thới Bình 

Đình là công trình kiến trúc công cộng của làng xã, là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng; cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng. Ngày nay, những ngôi đình và trở thành một bộ phận di sản văn hóa của dân tộc. Đình Thới Bình (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường An Hội, quận Ninh Kiều), một trong những ngôi đình được hình thành sớm trên vùng đất Trấn Giang xưa - Cần Thơ nay, được xem là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật.

Giá trị văn hóa, tâm linh

Đình Thới Bình đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam bộ, được giữ gìn khá nguyên vẹn dù trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc. Tính từ khi đình Thới Bình được Sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852, đến nay ngôi đình đã gần 170 tuổi. Cũng giống các đình làng khác trên khắp nước ta, đình Thới Bình được coi là ngôi nhà chung của cộng đồng, là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian.

Gian thờ Thần Tài - Thổ Địa trong đình Thới Bình. Ảnh: DUY KHÔI

Hằng năm, các lễ hội dân gian được diễn ra tại đình một cách sôi nổi, tiêu biểu là lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền (vào tháng 11 Âm lịch hằng năm) và Hạ Điền (vào tháng 4 Âm lịch hằng năm)- những ngày lễ chung của cộng đồng. Người dân dù có đi làm ăn xa xôi cũng trở về dâng nén hương và những sản vật địa phương như mâm xôi, trái cây… lên Thành Hoàng Bổn Cảnh, các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền cùng những người có công tạo lập và phát triển cơ nghiệp. Tại đình Thới Bình còn thờ các vị gần gũi với người dân như Thần Tài, Thổ Địa, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ… Các vị đại diện cho những tín ngưỡng dân gian vẫn tồn tại trong cuộc sống và được tin là độ trì tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp. Trong các lễ hội, người dân về đây còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa phong phú như múa lân, xem hát Bội, hát Tiều…

Đình Thới Bình còn có nhiều biểu tượng cho thấy sự hòa hợp trong văn hóa tâm linh các dân tộc. Trên nóc nhà võ ca có “Lân chầu thái cực đồ” hình bát giác. Thái cực đồ là biểu tượng của Đạo giáo, còn Kỳ Lân là vật linh trong tín ngưỡng dân gian. Từ đó có thể thấy Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian tạo nên mối gắn kết, dung hòa cùng tồn tại trong không gian văn hóa đình làng. Một minh chứng khác thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Hoa là hình ảnh tượng thờ Quan Công ở trung tâm nhà võ quy. 

Giá trị về kiến trúc nghệ thuật

Tổng thể kiến trúc đình Thới Bình được bố cục theo hình chữ nhất gồm ba nhà vuông với đặc điểm nổi bật là có bốn cột cái, gọi là kiểu nhà tứ trụ. Tất cả tạo thành hệ khung sườn “kẻ chuyền – đâm trính – cột kê” hay còn gọi theo kiểu sóc đọi. Phong cách kiến trúc này mang nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ vào giữa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, vừa mang nét truyền thống mà có pha chút kiến trúc phương Tây làm cho ngôi đình cao, thoáng mát, có thể mở rộng không gian bên trong tùy thích, không bị bó hẹp trong khuôn khổ như kiến trúc đình Bắc bộ và Trung bộ.

Lễ vật dâng Thần tại Kỳ yên đình Thới Bình. Ảnh: DUY KHÔI

Điểm đặc trưng nhất của đình Thới Bình là trên hệ nóc mái võ quy, chính điện trang trí hai bức tranh gốm men xanh ngọc, hoa văn đắp nổi với đề tài “Lân hý cầu” và “Long ẩn vân”, thể hiện ước nguyện đất nước thanh bình. Cùng với hệ thống hoành phi, liễn đối trên các cột, trần mái của đình Thới Bình là những chữ Hán Nôm được chạm chìm, chạm nổi trực tiếp vào gỗ, sơn nhũ màu vàng. Đó là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp đặc sắc, được trình bày dưới dạng nét kiểu cách “triện”, “chân”. “Chân” là lối viết đúng theo tự dạng không biến đổi, thường được dùng trên các hoành phi và câu đối. “Triện” là lối viết kiểu cách trang trí một số bài thơ tứ tuyệt và lục bát theo dạng chữ hình vuông, chữ nhật, không còn giữ nguyên dạng chữ.… Các chữ được chạm chìm chạm nổi trong đình Thới Bình có nội dung, ý nghĩa cầu phúc những điều an lành, tốt đẹp đến với dân làng. Điều đặc biệt, các liễn đối trong đình chỉ có nội dung, không kèm theo lạc khoản như: năm làm hay người cúng mà các đình làng khác thường có. Điều này cho thấy có thể các liễn đối do tập thể dân làng quyên góp kinh phí thực hiện chứ không do một mạnh thường quân nào tài trợ, hoặc người tài trợ phát tâm không cần lưu danh tính.

Đi đôi với phương tiện thờ cúng là hệ thống khánh thờ trong chính điện được chạm khắc, trang trí hình rồng chầu, rất tinh tế và sắc sảo, bố cục hài hòa theo “Tứ linh” (Long - Lân - Quy - Phụng), “Tứ quý” (Mai - Sen - Cúc - Trúc) cùng hoa lá... Đây là mảng đề tài phong phú, thể hiện sinh động tư duy tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” của người Việt, cũng là lối tư duy của cư dân có nền văn hóa nông nghiệp.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển vùng đất Cần Thơ, đình Thới Bình góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, thông qua các lễ hội văn hóa, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật điêu khắc trang trí, làm sống động quá khứ - hiện tại - tương lai, kết nối tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. 

Lâm An

Chia sẻ bài viết