Trong hệ thống lễ - hội ở Nam bộ, hội đua Bò Bảy Núi An Giang có sức thu hút người xem nhất. Hội không đơn thuần là môn thể thao đầy kịch tính, mà còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa. Hội đua Bò Bảy Núi có nguồn gốc lịch sử, hình thái kinh tế, hình thức sản xuất của cư dân Khmer khi đặt chân trên vùng đất Nam bộ.
Người Khmer An Giang có hình thái kinh tế giống như các cư dân vùng Đông Nam Á: "nông nghiệp dùng cày và sức kéo động vật". Vốn quen với truyền thống lao động, định cư nơi giồng đất cao, nên nghề trồng lúa của người Khmer ngày xưa không đạt kết quả ở tầng đất bùn lầy, ngập sâu của Nam bộ. Lâu dần, một bộ phận người Khmer di dân lên nơi đất cao, trong đó có vùng núi phía Tây Nam An Giang, các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Vùng Bảy Núi An Giang có tầng đất cát pha, ruộng trải dài dưới chân núi, được bao bọc bởi hệ thống đồi núi xung quanh. Đất khô vào mùa nắng, không lầy lội vào mùa mưa hay chịu quá trình xâm thực của nước lũ - thuận lợi cho việc trồng lúa, trồng cây ăn trái, chăn nuôi
Trong giai đoạn di cư và định cư, người Khmer sinh sống, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, canh tác truyền thống, sống quần tụ thành phum, sóc.
 |
Các nài bò tranh đua về đích.
|
Do đặc thù địa hình, phương thức canh tác: "nông nghiệp dùng cày và sức kéo động vật", nên người Khmer rất chú trọng việc thuần dưỡng bò và bò là phương tiện sản xuất chủ yếu. Nghề nuôi bò tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của cộng đồng dân tộc.
Do địa hình thổ nhưỡng, nghề trồng lúa, cấy cày của người Khmer Bảy Núi chỉ diễn ra vào thời điểm giao mùa nắng mưa; ở những khoảnh đất cát pha dưới chân núi, hoặc đất sa thạch giáp ven phù sa bùn, nơi thuận tiện cày xới, gieo sạ. Thời điểm đó, nhu cầu cày bừa trong phum, sóc cao, những người chủ có phương tiện cày bừa "đua" nhau "cày - xới" cho được nhiều mảng ruộng, mong kịp thời vụ. Qua thời gian dài, họ"đổi mới" nhằm tạo ra một cảm hứng kích thích "cày bừa", nhân tiện giành uy tín chứng tỏ đôi bò của mình là "nhanh, khỏe" trong mỗi mùa vụ. Họ bắt đầu chuyển từ hình thức tranh giành "cày xới" cảm tính, tự phát đến "thi" nhau "cày - xới" có chủ đích để "lấy tiếng" - "người cầm cày hay, bò chạy cày khỏe". Ban đầu, việc tranh "cày đua" trên cùng mảnh ruộng chỉ xuất hiện ở vài chủ thể trong phum, sóc, sau lan tỏa ra nhiều phum sóc. Mỗi chủ bò, chủ cày nhận thấy rằng, đây là cách thức hữu hiệu chứng minh được kết quả của quá trình lao động và vị trí của công cụ sản xuất ở gia đình, phum, sóc mình với những phum sóc khác. Đến thời điểm giao mùa, bắt đầu làm đất gieo sạ, họ lại dẫn bò đến mảnh ruộng để đấu diễn "cày đua" như lệ thường trước khi "cày xới". Từ hoạt động tự phát, qua nhiều năm, hoạt động có tổ chức, luật lệ hơn năm trước lao động sản xuất, nhu cầu xã hội tạo ra kiểu thức văn hóa.
Lễ hội đua Bò Bảy Núi An Giang ra đời vào khoảng đầu, hoặc giữa thế kỷ thứ XVI. Theo nhiều sư sãi, trụ trì ở các chùa Khmer Tịnh Biên, Tri Tôn: "Ngày xưa, lễ Sene Đôn-ta thường trùng khớp vào dịp xuống giống vụ lúa thu đông (thời điểm giao mùa mưa nắng) nên bà con Khmer nào trong phum, sóc có bò mang đến cày bừa cho thửa ruộng của nhà chùa trong phum, sóc, gọi là "bừa công quả". Cày bừa xong họ tự thúc bò"bừa đua" xem đôi bò nào nhanh khỏe, các sư sãi thấy vậy đứng ra tổ chức (kiểu trọng tài), treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là dây "Cà tha"(lục lạc treo cổ bò), năm sau tiếp tục cày phần đất của chùa". Kết quả, sự ra đời hội dân gian này có quan hệ khắng khít với tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của người Khmer. Xác định lịch sử hình thành ngôi chùa sẽ truy tìm được thời gian ra đời Hội đua Bò
 |
Đông đảo sư sãi, à cha ở các chùa Khmer trên địa bàn huyện Tịnh Biên, Tri Tôn đến xem Hội đua Bò. |
Một số chùa Khmer ở Nam bộ ra đời cách đây 4 6 thế kỷ, nhiều ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh được xây dựng từ thế kỷ X như chùa Nodôl (còn gọi chùa Cò, ở Trà Cú) xây năm 1677, chùa Hang (huyện Châu Thành), xây dựng năm 1637
Ở An Giang, chùa Xvayton (Xà Tón) có tuổi đời từ 300 - 350 năm.
Từ việc xác định lịch sử các ngôi chùa, thời gian xây chùa đem bò cày cho đất chùa, đi đến sự ra đời hoạt động đua Bò là hoàn toàn phù hợp. Vì vậy, quá trình xây chùa, hoạt động "cày công quả" ở chùa đến hoạt động đua Bò chỉ diễn ra vào khoảng đầu giữa thế kỷ thứ XVI, khi quá trình di cư và tụ cư hoàn thiện, đời sống ổn định rồi tiến đến xây chùa phục vụ tín ngưỡng tôn giáo.
Vì vậy, tiền khởi có thể đi đến khẳng định, thời gian bắt đầu sơ hình thành đến thường xuyên của hoạt động đua Bò từ đầu, hoặc giữa thế kỷ thứ XVI trở đi. Hội đua Bò của đồng bào Khmer Bảy Núi An Giang là kết quả văn hóa tự thân sinh ra trên nền tảng phong tục, tập quán sản xuất nông nghiệp, cộng với địa hình thái, thói quen cư trú của dân tộc; là kết quả của nhu cầu về đời sống sản xuất tạo thành.
Người Khmer có mặt khắp vùng đất Nam bộ, tại sao đua Bò chỉ ra đời trong cộng đồng người Khmer Bảy Núi?
Dưới góc nhìn địa văn hóa, tùy vào đặc trưng địa lý vùng, miền, mỗi cộng đồng cư trú có sự tương tác, sáng tạo, thích ứng khác nhau, tạo ra yếu tố văn hóa bằng cách này hay cách khác. Người Khmer Sóc Trăng, Trà Vinh tụ cư ở giồng đất cao, nhưng bị chi phối bởi địa hình xung quanh là sông nước, ẩm thấp, lũ lụt hàng năm, nhiều thủy thú và lâm thú dữ
nên chiếc ghe Ngo là kết quả nhận thức trong thời gian dài sống chung với tự nhiên.
Địa hình cư trú đồi núi cao, ruộng trên, không có sông lớn, người Khmer An Giang chỉ di chuyển bằng xe bò, cày bừa bằng bò trên những giồng ruộng khô, cát pha xăm xắp nước vẫn không bị sụt lún, nên bò trở thành "chủ thể" trong hoạt động vật chất và tinh thần của bà con Khmer Bảy Núi. Đây là giá trị"dị biệt", thu hút mọi người đến chiêm ngưỡng Hội đua Bò Bảy Núi. Yếu tố địa văn hóa và sự thích nghi của chủ thể văn hóa làm nên giá trị đặc sắc của Hội.
Hội đua Bò Bảy Núi hình thành từ nhu cầu đời sống, lao động sản xuất, có tồn tại yếu tố niềm tin tôn giáo, cầu mong hưởng phúc trong vụ mùa mới. Nhưng nhìn chung, Hội tiềm ẩn ý thức, sáng tạo của người bình dân nên hình thức, nội dung và giá trị tinh thần của Hội thể hiện tính bình dân rất cao, tình cảm cộng đồng dân tộc hơn là những hơn thua vật chất. Giá trị vật chất là "danh dự" của đôi bò ở phum này đối với sóc khác; giá trị vật chất là dây "Cà tha lục lạc" treo cổ bò do trụ trì ban tặng đem lại niềm tin cày cấy thuận lợi cho vụ mùa mới
Vì vậy, Hội đua đơn thuần giải quyết nhu cầu tinh thần, trong đó, người có uy tín, hoặc sư sãi trong chùa có vai trò tổ chức quan trọng. Chính sự tôn kính này nên thắng hay thua, tình cảm giữa con người trong phum, sóc vẫn kết chặt.
Hội đua Bò tồn tại hơn 300 năm, nhưng qua bao thời gian, hình thức, nội dung được giữ gìn gần như nguyên vẹn nét cổ xưa, vỏn vẹn trong lời hô hành động "ví, phá" của người và bò."Hội nguyên bản" này thể hiện tinh thần coi trọng truyền thống, coi trọng giá trị tinh thần, tôn giáo của người Khmer An Giang. Khi đi Hội đua Bò, người xem nhận thấy rõ ở đó một bức tranh nguyên sơ về đời sống nông nghiệp, văn hóa bình dân của người Khmer thời kỳ đầu khai phá, sinh sống ở Bảy Núi.
Hội đua Bò diễn ra trùng với lễ Sene Đôn-ta "lễ cúng ông bà" ngày lễ rất quan trọng đối với người Khmer Phật giáo Nam Tông ở An Giang và Nam bộ. Lễ nghi tôn giáo, hội dân gian đã cấu thành, chuyển hóa lẫn nhau hình thành một giá trị văn hóa trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới tâm linh.
Ngày diễn Hội, hàng trăm ngàn người chực chờ xem, nhưng "sự ổn định" và mức độ "an toàn" rất cao. Điều đó thể hiện tinh thần tự thức trong thưởng thức văn hóa, làm nên tính văn hóa cộng đồng của bà con Khmer Bảy Núi. Ngoài ra, đây là dịp hội tụ, giao thoa văn hóa, kinh nghiệm sống, lao động sản xuất giữa các vùng, miền, tạo bước chuyển biến trong đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng Khmer Bảy Núi.
Liêu Ngọc Ân
Tư liệu tham khảo:
- Chu Đạt Quan, Chân Lạp Phong Thổ ký, Ngô Bắc (dịch), (bản điện tử).
- Đua bò ở Madara. Nguồn: http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=118877&ChannelID=333
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, NXB Thế giới, 2006.
- DZoãn Tiến Đạt, Lễ hội dân gian miền Nam, bảng điện tử (PDF).
- Liêu Ngọc Ân, Hội đua bò Bảy Núi từ góc nhìn Lịch sử và địa Văn hóa, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Lễ hội đua bò Bảy Núi - An Giang, do Cơ quan đại diện Bộ VH, TT&DL tại Tp.HCM UBND Tỉnh An Giang Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam kết hợp tổ chức tại Châu Đốc, ngày 14/10/2012.
- Một số thu thập trong quá trình điền dã của tác giả qua những lần hội đua ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.