17/09/2009 - 20:02

Đẩy mạnh hoạt động thu mua

Giá lúa gạo tăng trở lại

Sau khi hoàn tất việc mua 400.000 tấn gạo để tạm trữ nhằm bình ổn giá lúa gạo cho nông dân, vừa qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tiếp tục chỉ đạo cho các doanh nghiệp thành viên mua thêm 500.000 tấn gạo nữa ngay trong tháng 9 này. Giá lúa gạo trong nước đang có chiều hướng xuống thấp đã tăng trở lại do đang được nhiều doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh thu mua. Nỗi lo khó tiêu thụ lúa của nông dân tại nhiều địa phương bắt đầu vơi đi…

* GIÁ LÚA GẠO TĂNG

 Nhiều nông dân ở TP Cần Thơ bán được lúa với giá từ 3.800 đồng/kg trở lên khi hoạt động thu mua lúa gạo được đẩy mạnh.

Hiện nay, giá lúa gạo tại các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng trở lại 100-500 đồng/kg so với tuần trước. Trong đó, tăng mạnh trở lại là các loại lúa tươi bán tại ruộng. Còn giá các loại lúa khô tăng 200-300 đồng/kg so với tuần trước. Riêng giá gạo lức nguyên liệu xuất khẩu mới tăng nhẹ 100-200 đồng/kg.

Tại TP Cần Thơ, giá lúa dài thường (lúa khô, loại tốt) đang được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức 3.800-3.900 đồng/kg; lúa dài loại xấu và lúa hạt tròn: 3.700-3.750 đồng/kg. Riêng giá các loại lúa thơm (như Jasmine, ST) ở mức 4.100-4.300 đồng/kg. Giá gạo lức nguyên liệu xuất khẩu (loại 5% tấm) đang được nhiều doanh nghiệp (DN) ở thành phố thu mua ở mức 5.100-5.200 đồng/kg, gạo lức nguyên liệu loại xấu hơn từ 4.900-5.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh như: Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp... giá lúa tươi (lúa dài) được nhiều thương lái đến tận ruộng mua ở mức 3.000 đồng/kg; còn lúa khô (lúa dài loại tốt) ở mức 3.900-3.950 đồng/kg, lúa khô loại thường: 3.700-3.800 đồng/kg, loại xấu 3.600 đồng/kg; gạo lức nguyên liệu loại tốt: 5.150-5.200 đồng/kg.

Giá lúa gạo đã nhích lên trong những ngày gần đây do hoạt động thu mua lúa, gạo được đẩy mạnh sau khi VFA tiếp tục chỉ đạo cho các DN thành viên mua thêm 500.000 tấn gạo tạm trữ. Thêm vào đó, đầu ra của lúa gạo xuất khẩu cũng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong những tháng cuối năm khi nhiều nước đang còn có nhu cầu nhập khẩu gạo như: Philippines và các nước châu Phi. Hiện nay, DN tư nhân Vĩnh Phát 2 ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đang thu mua 200-250 tấn gạo nguyên liệu/ngày để cung ứng cho các DN xuất khẩu. Ông Hình Vĩnh Soài, Chủ DN tư nhân Vĩnh Phát 2, cho biết: “Mấy ngày qua, giá lúa gạo đã có tăng trở lại và bình ổn chứ không còn bị giảm mạnh như tuần trước. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy giá lúa có thể tăng mạnh và vượt lên ở mức 4.000 đồng/kg. Dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá nhiều loại lúa gạo đang cao hơn 800-1.000 đồng/kg”.

* NÔNG DÂN DỄ TIÊU THỤ LÚA HƠN TRƯỚC

Vào thời điểm này, phần lớn các DN xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ đều đang “mở cửa” thu mua lúa gạo. Hiện không khí mua bán lúa gạo tại nhiều địa phương trở nên khá sôi động khi có nhiều ghe tàu của thương lái đi thu mua lúa của dân và đem gạo đến bán cho các DN xuất khẩu. Ông Lê Văn Tùng, một tiểu thương đang thu mua lúa của nông dân tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần nửa tháng qua tôi đã tạm thời nghỉ đi mua lúa do nhiều DN không đẩy mạnh thu mua gạo, chỉ mua với một số lượng hạn chế nên rất kén hàng. Khi VFA có chủ trương mua thêm 500.000 tấn gạo tạm trữ, tôi thấy nhiều DN xuất khẩu đã ăn hàng mạnh nên tôi cũng đi thu mua lúa trở lại”. Còn anh Đặng Văn Thức, tiểu thương ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đang bán gạo cho một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho rằng: “Nếu hồi tuần trước chỉ có 60-70% các kho của DN có mua gạo thì hiện có tới 80-90% các kho của DN đã thu mua gạo trở lại. Do các kho gạo “ăn hàng” mạnh và hoạt động đều trở lại nên tiểu thương cũng dễ bán gạo hơn trước và mạnh dạn thu mua lúa. Song, hiện giá thu mua gạo của nhiều DN vẫn còn thấp, tôi mong là giá gạo sẽ nhích lên thêm trong thời gian tới”.

Tuy giá lúa tăng trở lại chưa nhiều và chưa đạt với mức kỳ vọng của nhiều nhà nông nhưng việc giá lúa nhích lên dù chỉ chút ít cũng đã tạo thuận lợi cho nhiều nông dân trong việc tiêu thụ lúa. Ông Lý Văn Nhỏ ở ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, vừa thu hoạch 7 công lúa vụ 3, bán lúa với giá 3.800 đồng/kg, cho biết: “Vụ này năng suất khoảng 28 giạ/công. Cách nay 3-4 ngày, giá lúa rớt xuống chỉ còn 3.600 đồng/kg, lại không thấy ghe nào của thương lái đi mua, tôi rất lo và sợ lúa bị tình trạng khó tiêu thụ như năm trước. Nhưng hiện giá lúa đã tăng trở lại và đã có nhiều ghe của tiểu thương đi thu mua lúa. Tôi vừa bán lúa được giá 3.800 đồng/kg, với giá này tính ra tôi có lời được 200.000 đồng/công”. Còn ông Trần Văn Út, ở khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, bộc bạch: “Với giá lúa ở mức 3.800-3.900 đồng/kg, nếu ai làm lúa đạt năng suất từ 30 giạ/công trở lên sẽ có lời được vài trăm nghìn đồng/công. Nhưng nếu năng suất lúa thấp hơn 30 giạ/công thì sẽ khó có lời do vụ này các chi phí phân thuốc và nhân công đều cao hơn nhiều so với vụ đông xuân và hè thu trước. Theo tôi, giá lúa từ 4.000 đồng/kg trở lên nhà nông mới đảm bảo có lợi nhuận cao. Vụ thu đông(vụ 3) này tôi làm được 5 công lúa, hiện đã gặt xong được 3 công và đang phơi lúa. Tôi thấy giá lúa còn thấp nên định phơi khô lúa rồi trữ lại chứ không bán liền, chờ sang tháng 9 và 10 âm lịch giá tăng thêm”.

Cũng như trường hợp của Trần Văn Út, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ cho rằng, với giá lúa hiện tại nhà nông chưa có lợi nhuận nhiều, thậm chí còn bị lỗ nếu lúa đạt năng suất thấp. Vì vậy, nhiều nhà nông đều có mong muốn trữ lúa lại để chờ cho giá tăng thêm chút ít. Tuy nhiên, điều lo lắng của hầu hết nông dân là liệu giá lúa sẽ còn tăng thêm và VFA sẽ còn tiếp tục hỗ trợ nông dân bằng cách tiếp tục thu mua gạo để tạm trữ sau khi đã mua thêm xong 500.000 tấn gạo? Lượng lúa hàng hóa trong dân vẫn đang còn nhiều. Trong khi đó, thời gian để tạm trữ gạo không được lâu do gạo để lâu dễ bị đổi màu. Mặt khác, cái khó của nông dân là không phải ai cũng có điều kiện về vốn và kho bãi để trữ lúa. Chưa kể, nhiều nhà nông thường mua phân bón và vật tư thiếu chịu cửa hàng, đến khi thu hoạch lúa phải bán ngay lúa để thanh toán nợ. Chính vì vậy, nhiều nông dân rất mong muốn DN bên cạnh việc thu mua gạo, cần thu mua lúa tạm trữ để giúp nông dân có thể bán được lúa và đảm bảo giá sàn 3.800 đồng/kg lúa.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết