Giá xăng và dầu diezel được điều chỉnh tăng từ ngày 24-2 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải (DNVT), chủ yếu là phát sinh thêm chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đến ngày 28-2, hầu hết các DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn chưa điều chỉnh tăng giá cước, nhưng giới kinh doanh vận tải hành khách cho rằng giá cước tăng khoảng 10% để bù đắp chi phí xăng dầu
Giá xăng đã tăng thêm 2.900 đồng/lít và lên ở mức 19.300 đồng/lít (xăng A92), dầu diezel tăng thêm 3.550 đồng/lít và lên ở mức 18.300 đồng/lít. Theo các DNVT, mức tăng giá xăng dầu vừa qua khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diezel. Hầu hết các phương tiện của các DNVT hành khách và hàng hóa đều chạy bằng dầu diezel, nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, đến ngày 28-2, hầu hết các DNVT hành khách hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn chưa điều chỉnh tăng giá cước. Theo Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, hiện mới có Doanh nghiệp tư nhân Thiên Thiên Hương đăng ký với bến điều chỉnh tăng giá cước tuyến TP Cần Thơ-Tân Châu (tỉnh An Giang) từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/vé và áp dụng kể từ ngày 26-2. Các DNVT còn lại hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn chưa đăng ký điều chỉnh tăng giá cước...
|
Các DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ đang cố gắng giữ giá cước mặc dù giá xăng dầu đã tăng. Trong ảnh: Hành khách mua vé xe khách Phương Trang đi TP Hồ Chí Minh. |
Theo nhiều DNVT hành khách đang hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ, việc chưa thể tăng giá cước do các doanh nghiệp còn đang thăm dò nhau về giá cước mới, chứ chưa dám đơn phương tự điều chỉnh tăng giá cước vận tải hành khách vì lo ngại mất khách. Mặt khác, các DNVT phải xây dựng mức giá cước mới và tiến hành kê khai đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước theo qui định, sau đó mới được áp dụng.
Ông Lương Tấn Đạt, Phụ trách điều hành tại Bến Cần Thơ của Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (xe khách Phương Trang), cho biết: “Tuyến Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh, ngày cao điểm xe khách Phương Trang xuất bến khoảng 65 chuyến (đi và về). Sau khi dầu tăng giá, mỗi chuyến phát sinh thêm trên 200.000 đồng tiền dầu. Trước mắt, công ty cố gắng duy trì mức giá cước hiện tại để phục vụ hành khách đi lại. Về lâu dài, công ty dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá cước ở mức phù hợp để bù đắp khoản chi phí giá dầu tăng”...
Hợp tác xã Vận tải đường bộ TP Cần Thơ hiện có 105 xe khách hoạt động trên các tuyến cố định, 108 xe khách hoạt động thuê bao hợp đồng, 111 xe tải... Ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vận tải đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: “Dù chi phí tăng nhưng nhiều DNVT chưa điều chỉnh giá cước do áp lực cạnh tranh rất lớn. Sau khi xăng dầu tăng giá, xã viên HTX có xe khách hoạt động trên một số tuyến cố định cũng đã đề nghị HTX điều chỉnh tăng giá cước. HTX chuẩn bị họp các xã viên để thống nhất xây dựng mức giá cước mới, làm thủ tục đăng ký giá cước với các cơ quan chức năng và khi nào được cơ quan chức năng cho phép mới điều chỉnh tăng. Dự kiến tăng giá cước khoảng 10%, để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng”. Theo ông Đoàn Công Hiếu, xe vận chuyển thuê hợp đồng, xã viên HTX muốn điều chỉnh tăng giá cước cũng khó khăn, bởi xã viên thường ký hợp đồng với các doanh nghiệp giá cước cố định suốt năm. Nên chủ yếu là thương lượng với doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí cho chủ xe. Đối với xe khách thuê bao hợp đồng, chủ xe và khách hàng sẽ thỏa thuận mức giá mới. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán khách hàng đi lại giảm, nên cũng khó điều chỉnh tăng giá cước vào thời điểm này...
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, nhận định: “Giá nhiên liệu đầu vào tăng, có thể các DNVT cũng sẽ phải điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong tình hình cạnh tranh gay gắt của các DNVT hiện nay, có thể giá cước vận tải hành khách tuyến cố định chỉ tăng ở mức vừa phải chứ không thể tăng quá cao, chủ yếu là để DNVT bù đắp lại chi phí nhiên liệu vừa tăng và đồng thời đảm bảo hoạt động có hiệu quả”.
Theo giới kinh doanh vận tải các tuyến cố định ở TP Cần Thơ, chi phí xăng dầu thường chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động của doanh nghiệp, nên mức tăng xăng dầu vừa qua kéo theo giá cước vận tải tăng khoảng 10% trở lại là hợp lý, mức tăng này vừa đảm bảo DNVT hoạt động có hiệu quả và hành khách có thể chấp nhận được. Trong thời gian tới sẽ có nhiều DNVT hành khách các tuyến cố định đăng ký và áp dụng giá cước mới tăng theo giá xăng dầu.
Bài, ảnh: ANH KHOA