 |
Sonny Graham và vợ, cũng chính là bà xã trước đây của người hiến tim cho ông. |
Những ai từng xem bộ phim “Hương Mùa Hè” của Hàn Quốc hẳn còn nhớ nữ vai chính mắc bệnh tim bẩm sinh và được ghép tim của cô gái bị tai nạn giao thông. Trái tim sau khi được ghép đã đưa đường dẫn lối cô gặp và đem lòng yêu say đắm chính vị hôn phu của người hiến tim cho mình. Còn chàng trai thì bắt gặp hình ảnh người yêu cũ qua cử chỉ và lời nói của cô khiến anh cứ ngỡ hai người là một... Chuyện tưởng chỉ có trong phim này thực tế đã xảy ra với không ít bệnh nhân ghép tạng trên thế giới.
Sonny Graham ở bang Georgia, Mỹ là một trường hợp kỳ lạ như thế. Hôm 1-4 vừa qua, người đàn ông 69 tuổi này đã chĩa súng vào đầu, tự kết liễu đời mình. Sự ra đi đột ngột của Sonny gây sốc cho người thân và bạn bè bởi trước đó, ông không hề có biểu hiện chán sống. Và càng sốc hơn nữa khi biết rằng 12 năm trước, Sonny từng được ghép tim từ một người cũng tự sát với cách thức hệt như ông. Ly kỳ hơn là không lâu sau khi nhận quả tim mới, Sonny đã tìm gặp vợ của người cho tim, yêu người này ngay từ cái nhìn đầu tiên và nhanh chóng tiến đến hôn nhân. “Lần đầu gặp cô ấy, tôi có cảm giác như mình quen cổ lâu lắm rồi...”, Sonny tâm sự cách đây 2 năm trên báo về tình yêu sâu sắc chế ngự cả lý trí mình.
Nghe qua thảm kịch của Sonny Graham chắc chắn đa số chúng ta sẽ cho đó chỉ là sự trùng hợp bởi không ai tin rằng ký ức, chứ nói gì đến tính cách của người hiến, có thể được ghép cùng với quả tim của họ. Nếu được hỏi, hầu hết các bác sĩ và khoa học gia đều nói rằng quả tim đơn thuần chỉ là bộ phận bơm máu khắp cơ thể. Còn “chỗ” của tâm trí, ý thức và linh hồn (nếu như có) thì nằm trên não.
Tuy nhiên, gần đây một số nhà khoa học bắt đầu thừa nhận rằng ký ức và cá tính của chúng ta được mã hóa không chỉ ở não bộ mà ở khắp cơ thể. Ý thức, theo họ, là kết quả hoạt động đồng bộ của mọi tế bào sống trong cơ thể. Họ cho rằng tim, phổi và mỗi cơ quan trong cơ thể đều lưu trữ ký ức, chi phối cảm xúc và khắc họa nên cá tính riêng của từng người. Với lập luận này thì toàn cơ thể mới là nơi trú ngụ của linh hồn. Và nếu như bất kỳ bộ phận nào được ghép vào cơ thể người khác, một phần của ký ức, thậm chí cả linh hồn, cũng sẽ “khăn gói” theo.
Đến nay, y văn thế giới ghi nhận hơn 70 trường hợp tương tự như của Sonny, đó là bệnh nhân ghép tạng tiếp nhận một số đặc điểm tính cách của người cho. Giáo sư Gary Schwartz và cộng sự ở Đại học Arizona (Mỹ) đang nghiên cứu nhiều trường hợp không thể lý giải được. Điển hình như vụ một thanh niên 18 tuổi, yêu thích thơ ca và sáng tác nhạc, chết do bị tông xe, và trái tim được ghép cho Danielle. Khi đến thăm cô gái này, cha mẹ cậu mở một ca khúc cậu từng sáng tác, và Danielle, dù chưa nghe qua bao giờ, lại biết trước phần lời bài hát. Giáo sư Schwartz từng điều nghiên trường hợp một phụ nữ đồng tính khoái thức ăn nhanh, nhận tim của một thiếu nữ ăn chay trường. Sau khi được ghép, cô tâm sự với bạn bè là mình không thể ăn thịt cá nữa và trong mắt cô, phụ nữ chẳng còn hấp dẫn. Bằng chứng là sau đó cô lập gia đình với người khác phái.
Không chỉ tim, thận dường như cũng mang một số đặc tính của người sở hữu nó. Như trường hợp của Lynda Gammons ở Lincolnshire (Anh) hiến một quả thận cho chồng mình, Ian. Sau khi bình phục, Ian nhận thấy mình bị ảnh hưởng phần nào tính cách của bà xã. Anh trở nên thích việc nội trợ như đi chợ, nấu nướng, hút bụi, làm vườn - những việc trước đây anh luôn tẩy chay.
Lý giải những thay đổi hành vi và tính cách vừa kể, nhiều nhà khoa học cho rằng sau ca đại phẫu kiểu “thập tử nhất sinh” như ghép tim, bệnh nhân có thể thay đổi tâm tính là điều dễ hiểu. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống thải ghép cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về mặt hành vi. Kết hợp 2 yếu tố này, chúng ta thấy rằng chẳng có gì ngạc nhiên khi một số bệnh nhân ghép tạng xuất viện nhìn cuộc sống với con mắt khác hẳn. Tuy nhiên, điểm đáng nói không phải là họ trở thành người khác mà là sự thay đổi ở họ quá đặc trưng. “Đó là sự thay đổi tính cách có chủ đích. Bởi nếu đó là hệ quả của việc dùng thuốc hay căng thẳng tinh thần hay trùng hợp ngẫu nhiên thì tại sao lại quá giống người hiến tạng”, giáo sư Schwartz nói.
Đến nay, chưa có giả thuyết nào đủ tin cậy để lý giải cách thức cơ thể lưu trữ ký ức cũng như tạo ra nhận thức. Thực tế, khoa học vẫn chưa thể định nghĩa chính xác nhận thức là gì thì nói gì đến việc xác định nguồn gốc cũng như nơi cư ngụ của nó trong cơ thể. Vì thế, có lẽ các thi sĩ, nhạc sĩ và những người theo trường phái lãng mạn từ cổ chí kim đã đúng khi cho rằng trái tim mới là nơi chất chứa cảm xúc và linh hồn. Nếu chúng ta đã có thể ghép được tim thì biết đâu chừng, một ngày nào đó các bác sĩ sẽ có thể đề xuất “ghép tính cách”.
THIÊN LAM
(Theo Daily Mail, Telegraph)