08/05/2008 - 22:21

Giá gạo, thực phẩm đứng ở mức cao

Gánh nặng oằn vai người nghèo!

Giá cả hàng hóa tăng vọt như hiện nay, nhiều nữ công nhân muốn mua một cái áo vài ba chục ngàn đồng bán ở lề đường cũng phải đắn đo, cân nhắc. Ảnh chụp chiều ngày 5-5 trước Khu Công nghiệp Trà Nóc I, TP Cần Thơ. Ảnh: THANH LONG

Hiện nay, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, nhất là giá gạo đang đứng ở mức rất cao. Nhiều quán ăn, nhất là các quán cơm bình dân, nâng giá bán. Điều này đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là giới sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp.

GẠO, CƠM TĂNG GIÁ, BỮA ĂN SINH VIÊN BỚT PHẦN

Sau Tết Nguyên đán 2008, do giá của nhiều loại hàng hóa có liên quan trên thị trường tăng nên giá cơm phần tại các cửa hàng tăng khoảng 1.000 đồng/phần. Cuối tháng 4 vừa qua, “cơn sốt” giá gạo đã đẩy giá cơm phần tăng thêm bình quân 2.000 đồng/phần. Hiện nay, giá gạo trên thị trường tuy đã lắng dịu nhưng giá cơm vẫn “bình chân như vại”. Nhiều sinh viên, phần lớn các khoản chi tiêu đều do gia đình chu cấp, phải cắt xén phần ăn của mình.

Bạn Nguyễn Thị Phương Anh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Từ sau Tết, mỗi tháng gia đình em chu cấp thêm 200.000 đồng, nhưng tiêu xài vẫn khó khăn hơn trước vì cái gì cũng tăng giá. Cơm phần hàng tháng tăng từ 8.000 đồng/phần lên 9.000-10.000 đồng/phần. Trước kia, tại các quán cơm bình dân, mỗi bịch cơm không giá chỉ 1.000 đồng/bịch, nay đã tăng lên 2.000 đồng. Đã vậy, phần thức ăn ngày càng ít hơn. Sau giờ học, nhiều sinh bạn viên đi lùng khắp các hẻm nhưng vẫn không có chỗ ăn rẻ hơn. Nhiều bạn đã chọn giải pháp đối phó là hùn tiền nấu ăn chung, nhưng chẳng tiết kiệm được hơn bao nhiêu!”.

Đối với nam sinh viên, “cơm bụi” được xem là giải pháp tối ưu nhất. Bạn Đoàn Trần Minh Cẩn, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, cơm chưa lên giá, tiền ăn không quá 500.000 đồng, bây giờ phải tốn hơn 600.000 đồng/tháng. Còn tiền trọ, tiền điện nước, xà bông tắm-giặt, tiền tiêu lặt vặt... mất cả gần 500.000 đồng/tháng”. Cẩn cho biết: “Hằng tháng, ba mẹ cho 1,2 triệu đồng, chi li, tiết kiệm lắm mới đủ. Nhiều lúc đến cuối tháng, hết tiền cũng phải cắn răng mà chịu, không dám xin thêm vì ở nhà còn trăm thứ khác phải lo”.

Nhiều các cửa hàng ăn uống phục vụ cho sinh viên cũng đang phải đối phó với tình hình giá cả. Chủ tiệm cơm Thanh Trúc, đường Trần Ngọc Quế, than thở: “Giá cơm tăng, lượng khách giảm đi rất nhiều, vì nhiều sinh viên đã đi tìm chỗ ăn tại các hẻm nhỏ giá rẻ hơn. Cửa hàng tôi may mắn là có mặt bằng nhà nên cũng đỡ phần nào chi phí, không thì cũng rất khó khăn”. Chủ quán cơm bình dân Bạc Liêu, trên đường 3-2 (đối diện Trường Đại học Cần Thơ), cho biết: Hiện nay, nhờ bán nhiều mặt hàng bù qua sớt lại, lượng thức ăn cơm phần mới thấy đỡ phần nào. Tại nhiều nơi giá đã là 9.000 - 10.000 đồng/phần. Cố gắng lắm nhưng cửa hàng cũng chỉ dám giữ mức giá 8.000 đồng/dĩa và 10.000 đồng/phần. Nhưng từ ngày 6-5, quán đành tăng thêm 1.000 đồng/phần cơm.

NGƯỜI LAO ĐỘNG NẶNG THÊM GÁNH LO!

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong tháng 4 năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng lương thực tăng 7,02% so với tháng 3-2008 và tăng đến 22,9% so với tháng cuối năm 2007; hàng thực phẩm tăng tương ứng là 4,76% và 14,99%. Cuối tháng 4, đầu tháng 5-2008, giá gạo trên thị trường có nhiều biến động và đang đứng ở mức cao. Trong khi đó, giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm. Trước biến động này, đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp thêm nặng gánh lo...

Như Hiền, công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải (Khu Công nghiệp Trà Nóc I) quê ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, kể: “Nhà tôi chỉ có vài công ruộng nhưng phải nuôi đến 5 miệng ăn. Vì thế, tôi phải qua Cần Thơ làm công nhân. Hằng tháng, thu nhập cao nhất chưa vượt quá 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, tiền trọ, tiền ăn uống... cũng đã “ngốn” gần cả triệu đồng. Trước đây, cứ hai ba tháng, tôi gởi về nhà năm ba trăm ngàn, nhưng từ Tết tới giờ, chưa gởi được đồng nào. Đợt giá gạo tăng vừa qua, gia đình còn phải mang qua 10 ký gạo để “viện trợ” trong lúc khó khăn”.

Vợ chồng anh Thuận, ở xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cùng làm công nhân cho Công ty TNHH PangaMekong (Khu công nghiệp Trà Nóc I), thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ dám chi tiêu phân nửa, còn lại thì để dành phòng thân khi trong gia đình có người bị ốm đau”. Kế hoạch là vậy, nhưng theo anh Thuận, tháng nào vợ chồng anh cũng “cháy túi”. Anh cho biết: “Công ty có cho công nhân ăn suất cơm trưa, nhưng tôi phải ăn thêm bên ngoài mới đủ no. Trước đây, mỗi phần cơm chỉ 5.000 - 6.000 đồng. Gạo lên giá, cơm cũng đã lên 7.000-8.000 đồng. Mỗi ngày đi về, tiền xăng xe đã hết 10.000 đồng. Hai khoản này cộng lại, một tháng ít gì cũng hơn 500.000 đồng. Rồi thêm tiền gạo hàng ngày, lo cho hai đứa con đang đi học, tiền đi đám tiệc... 3 triệu đồng/tháng bay vèo đi hết là phải”.

Anh Lê Thành Hòa, xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, làm công nhân xây dựng trong một công trình ở cồn Cái Khế. Anh cho biết: “Vợ chồng tôi có đứa con 2 tuổi. Đang sống cùng ông bà ngoại của cháu ở Phong Điền. Hằng ngày, đi làm muốn về với vợ con, nhưng tính đi tính lại tốn nhiều tiền hơn thuê phòng trọ. Thời buổi này, tiết kiệm được đồng nào lo cho vợ con là rất mừng”. Như anh Hòa kể, nhà khó khăn, lại không có đất sản xuất nên trong 5 anh em trai, chỉ có anh cha mẹ mới có khả năng lập gia đình. Ngoài đứa em trai thứ ba ở chung gia đình, ba đứa khác đang ở trọ cùng anh để đi làm thêm. Anh Hòa cho biết: “Tôi là anh cả nhưng kiêm luôn... “chị nuôi” trong phòng. Sáng phải cắm nồi cơm điện, trưa về tranh thủ ghé mua một ít rau, cá về nấu cơm anh em cùng ăn. Cái gì cũng tăng giá, không làm cách này thì làm gì tôi có tiền nuôi vợ con, tụi em càng khó có tiền dành dụm để sau này cưới vợ”.

HÀ TRIỀU - KHÁNH NAM

    Thị trường gạo đến thời điểm này đã cơ bản qua “cơn sốt ảo”. Tuy nhiên, theo dự đoán, nhiều khả năng, mặt hàng này sẽ còn đứng ở mức giá cao trong một thời gian dài. Trong khi đó, mặt hàng thiết yếu khác là ga tiếp tục tăng thêm 7.000 - 9.000 đồng/bình 12kg kể từ ngày 1-5; giá cả nhiều loại hàng hóa lương thực-thực phẩm trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...

Chia sẻ bài viết