23/08/2016 - 21:08

Gắn logo cho gạo Việt: nói dễ, nhưng làm không dễ

Để có thương hiệu gắn logo nhận dạng cho một sản phẩm nào đó là điều không quá khó. Nhưng, để logo được đông đảo người tiêu dùng biết đến, chọn mua là cả một hành trình với sự tham gia của nhiều đối tác, nhiều hoạt động có liên quan.

Câu chuyện thương hiệu hay logo cho hạt gạo Việt Nam luôn là chủ đề nóng tại các cuộc hội nghị, hội thảo về lúa gạo thời gian qua. Và một lần nữa nó lại được doanh nghiệp nhắc đến tại Hội thảo "Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL" tại MDEC – Hậu Giang năm 2016 vừa qua. Theo các doanh nghiệp, những năm qua, Việt Nam luôn là một trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng giá trị và tính cạnh tranh không cao do gạo Việt Nam chưa có thương hiệu. Vì vậy, để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường, các doanh nghiệp đề nghị, gạo Việt Nam cần sớm có thương hiệu.

Đề xuất trên là hoàn toàn chính đáng trong bối cảnh hạt gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ truyền thống lẫn mới nổi trong những năm gần đây. Hiểu được bức xúc trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng đề án và được Chính phủ phê duyệt về xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam không phải chỉ ngày một, ngày hai mà cần có lộ trình và đặc biệt là sự tham gia của tất cả các bên có liên quan. Trong đó, hai đối tác chính là doanh nghiệp và nông dân, với chủ công là doanh nghiệp.

 Sản phẩm gạo chất lượng cao của tập đoàn Lộc Trời đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: ANH KHOA

Trước tiên, xin nói về cơ chế, chính sách. Thật ra, Chính phủ và các bộ, ngành rất ủng hộ và tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu từ cấp độ thương hiệu doanh nghiệp đến địa phương và quốc gia. Cơ chế, chính sách đó được thể hiện qua các quyết định, nghị định… về xây dựng, phát triển cánh đồng lớn sản xuất tập trung 1 loại giống; về hỗ trợ cơ giới hóa thu hoạch và sau thu hoạch; về liên kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, qua đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số diện tích thực hiện cánh đồng lớn vẫn còn khiêm tốn và đặc biệt là số doanh nghiệp tham gia liên kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm tại cánh đồng lớn vẫn còn rất ít. Không nói đâu xa, ngay tại tỉnh Sóc Trăng, những tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu Gạo thơm ST hay Gạo Tài nguyên Thạnh Trị hầu như đã sẵn sàng, như: chủ động được nguồn giống chất lượng; có quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản; có chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa… Nhưng đến nay, Sóc Trăng vẫn chưa có doanh nghiệp nào xây dựng thành công thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng. Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Vẫn chưa có doanh nghiệp nào xây dựng thành công thương hiệu cho Gạo thơm Sóc Trăng là do có những tồn tại nhất định. Đó là: do quy mô của doanh nghiệp còn nhỏ và chưa có doanh nghiệp nào có ý định xây dựng thương hiệu. Gạo thơm Sóc Trăng chưa được đấu xảo quốc tế, doanh nghiệp cũng chưa biết quy trình làm thương hiệu ra sao. Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh có ý định xây dựng thương hiệu. Nhưng nhiều mục tiêu quá, nên doanh nghiệp chỉ tập trung vào những món nào cho lợi nhuận cao, còn những món lợi nhuận thấp thì xao lãng. Và cũng còn nhiều doanh nghiệp quảng cáo hết sức quy mô nhưng chưa hề bước tới đồng ruộng.

Trở lại với vai trò chủ công của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu "Gạo Việt Nam" để thấy rằng, dù doanh nghiệp kêu rất nhiều, nhưng bản thân lại tham gia vào quá trình này không được bao nhiêu. Thậm chí có doanh nghiệp không hề ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu chính thức nào với những cánh đồng lớn, tổ hợp tác hay hợp tác xã, mà chỉ chốt giá thu mua cùng tiêu chuẩn lúa trước khi thu hoạch khoảng 7 - 10 ngày, dù họ có gần như đầy đủ các điều kiện để thực hiện. Với cách làm này, làm sao doanh nghiệp có được số lượng nhiều và chất lượng đồng nhất (cho dù là cùng 1 loại giống) để đảm bảo chất lượng gạo cho xây dựng thương hiệu.

Tất nhiên, về cấp độ quản lý ngành, vẫn còn những cái thiếu dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu. Một trong số đó chính là bộ tiêu chuẩn quốc gia cho lúa gạo Việt Nam. Nói như kỹ sư Hồ Quang Cua: "Không bộ tiêu chuẩn giống quốc gia, cả người nghiên cứu giống lẫn doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu giống như người đi biển mà thiếu la bàn vậy". Do đó, một trong những vấn đề tiên quyết cho thương hiệu hay logo Gạo Việt Nam là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn Gạo Việt Nam để các doanh nghiệp muốn làm thương hiệu lấy đó làm cơ sở đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu giống, hợp đồng nông dân sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng.

Bức xúc cho thương hiệu Gạo Việt trong cạnh tranh là điều ai cũng cảm nhận được. Nhưng để làm được cái logo Gạo Việt môt cách thực chất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan và đặc biệt là tâm huyết của doanh nghiệp đối với hạt gạo và nông dân sản xuất lúa gạo.

Hoàng Nhã

Chia sẻ bài viết