01/01/2024 - 08:09

Viện Lúa Ðồng bằng sông Cửu Long

Gắn kết, xây dựng ngành hàng lúa gạo bền vững hơn, xanh hơn, trách nhiệm hơn 

Ngày 27-11-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030". Với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học về cây lúa và kỹ thuật canh tác trên nền đất lúa, Viện Lúa ÐBSCL cam kết sẽ tham gia cùng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trong chuyển giao giống lúa, kỹ thuật canh tác để góp phần thực hiện Ðề án, xây dựng ngành hàng lúa gạo bền vững hơn, xanh hơn và trách nhiệm hơn.

Bài 1:  Ða dạng phân khúc gạo ngon phù hợp với thị trường tiêu thụ

Qua 46 năm hình thành và phát triển, Viện Lúa ÐBSCL đã phóng thích hơn 180 giống lúa, nghiên cứu chuyển giao trên 25 kỹ thuật canh tác về lúa và cây trồng trên nền đất lúa, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất lúa vùng ÐBSCL. Bên cạnh những đóng góp đáng kể làm thay đổi cơ cấu giống lúa của vùng, Viện Lúa ÐBSCL không ngừng năng động chuyển đổi định hướng nghiên cứu từ các giống lúa năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực sang các giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản, thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu.

Nhiều giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo đóng vai trò chủ lực trong nhóm gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Giống lúa OM18 và OM5451 được giới thiệu tại Ngày hội khách hàng Lộc Trời 2023 của Tập đoàn Lộc Trời.

 

Nhiều giống lúa triển vọng

Trong các giống lúa được trồng phổ biến nhất ở ÐBSCL từ năm 2000 đến nay có nhiều giống lúa do Viện Lúa ÐBSCL chọn tạo như OM1490, OM4498, OMCS2000, OM2517, OM4088, OM3536, OM4218, OM4900, OM6162, OM6976… Những năm gần đây, các giống lúa của Viện được gieo trồng phổ biến ở ÐBSCL và đóng vai trò chủ lực trong nhóm gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể kể đến như OM5451, OM18, OM6976, OM4900, OM380... Viện Lúa cũng đa dạng hóa chiến lược nghiên cứu chọn tạo như nhóm giống lúa thơm đặc sản, nhóm lúa chất lượng cao, nhóm giống lúa năng suất phục vụ chế biến, nhóm giống lúa nếp và Japonica (hạt tròn), nhóm giống lúa gạo màu theo hướng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng… nhằm đưa ra sản xuất các giống lúa triển vọng mới để góp phần đa dạng phân khúc gạo ngon trên thị trường trong thời gian tới.

Năm 2023, giống lúa thơm đặc sản cho phẩm chất cơm ngon OM8 được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận lưu hành. Với mặt gạo đẹp, hạt gạo thon rất dài, gạo trong, cơm trắng, thơm đậm vị, OM8 đã được đánh giá có chất lượng gạo ngon nhất tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2018-2019 và đã đạt Giải ba cuộc thi gạo ngon lần thứ II-2020 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức. Giống OM8 có thời gian sinh trưởng từ 92-97 ngày, chiều cao cây 90-100cm, có tiềm năng năng suất 6-8 tấn/ha. OM8 cho tỷ lệ gạo nguyên 53-56%; tỷ lệ bạc bụng dưới 1%; chiều dài hạt gạo 7,9-8,1mm, hàm lượng amylose 16-18%. Về tính chống chịu, OM8 phản ứng với đạo ôn cấp 7, với rầy nâu cấp 5 trong điều kiện  thanh lọc nhân tạo, chống chịu mặn khá nên thích hợp trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Nằm trong nhóm giống lúa thơm, chất lượng cao cấp, có tiềm năng cho năng suất cao và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu còn có giống lúa OM34, có nguồn gốc từ tổ hợp lai của 2 giống lúa IR50404 và OM5451. Thời gian sinh trưởng từ 88-93 ngày, chiều cao cây 90-100cm. Tiềm năng năng suất từ 6-9 tấn/ha. OM34 cho mặt gạo khá, ít bạc bụng, cơm trắng, mềm. Giống lúa OM34 phản ứng với rầy nâu cấp 3, đạo ôn cấp 7 và bạc lá cấp 3 trong  điều kiện thanh lọc nhân tạo. Giống lúa đã được khảo nghiệm VCU (Value of Cultivation) hay còn gọi là quá trình đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống mới như năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận và khả năng sản xuất hạt giống. Với giống lúa OM34, Viện Lúa ÐBSCL đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lưu  hành.

Trong nhóm giống lúa Japonica có giống lúa OM46 nằm cùng phân khúc với giống lúa DS1. OM46 có chất lượng gạo ngon, hạt gạo tròn, trong, cơm mềm, hạt cơm vẫn giữ nguyên sau khi nấu. Tiềm năng năng suất 5-8 tấn/ha. OM46 có ưu điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng ngắn (100-105 ngày), là giống thuộc nhóm Japonica nhưng không dai nên rất dễ thu hoạch, không có miên trạng nên sau khi thu hoạch xong có thể đưa vào làm giống phục vụ sản xuất ngay. Mang những đặc tính của giống Japonica nên OM46 có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại thị trường Việt Nam, các loại gạo Nhật Japonica cũng trở nên ngày càng phổ biến, nhất là trong những món chế biến theo phong cách ẩm thực Nhật Bản hay Hàn Quốc. Giống OM46 đang được Viện hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lưu  hành.

Ðáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng

Gạo xuất khẩu của Việt Nam có chủng loại ngày càng đa dạng, phong phú, chủ yếu là gạo thơm cao cấp, gạo chất lượng cao, gạo nếp, gạo Japonica. Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu thông qua việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đưa vào các giống lúa đạt chuẩn, cải tiến dây chuyền công nghệ xay xát, chế biến. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các loại gạo có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp thấp. Sự chuyển dịch này đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu.

Những năm gần đây, nhu cầu thị trường đối với các giống lúa mới chất lượng cao ngày càng tăng. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được "định vị" ở phân khúc gạo thơm và gạo trắng chất lượng cao với giá hợp lý, chất lượng đáp ứng tốt khẩu vị của khách hàng nhập khẩu... Vì thế trong định hướng nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao các giống lúa mới cho sản xuất, Viện Lúa tập trung vào các nhóm giống lúa  này. Trong đó, OM8 nằm trong nhóm giống lúa thơm chất lượng cao cấp; OM34 xếp vào nhóm giống lúa chất lượng cao; OM34 và OM46 thuộc nhóm giống lúa nếp và Japonica. Ðặc biệt, tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2022-2023, OM34 và OM46 là 2 giống lúa lần lượt xếp thứ hạng cao nhất trong 5 giống lúa triển vọng được bình chọn. Ở bảng xếp hạng kết quả đánh giá cơm, giống OM8 giữ vị trí số 1/5 giống lúa triển vọng với tỷ lệ áp đảo chiếm đến 81,8% số phiếu bình chọn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, đối với cả 3 giống lúa, giống lúa OM8 đã được công nhận lưu hành và 2 giống lúa OM34, OM46 đang chờ công nhận lưu hành. Viện Lúa đang tập trung phát triển để đưa các giống vào sản xuất kinh doanh, theo hướng thương mại, vừa tìm đối tác để mở rộng diện tích nhân giống, cũng như diện tích sản xuất ở ÐBSCL. Mong rằng với những đặc điểm vượt trội về phẩm chất giống, tiềm năng năng suất, phù hợp với điều kiện canh tác ở nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, các giống lúa này sẽ nhanh chóng được phát triển và góp mặt vào nhóm giống lúa chủ lực của vùng ÐBSCL phục vụ tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu. Bên cạnh đó, Viện sẽ tiếp tục hợp tác với các hiệp hội, các doanh nghiệp, các địa phương, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước... để chọn tạo ra các giống lúa mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, đáp ứng theo từng phân khúc gạo trên thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, được cả doanh nghiệp và người dân trồng lúa đón nhận, đưa vào sản xuất.

* * *

Những năm qua, Viện Lúa ÐBSCL thường xuyên phối hợp với ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu về giống lúa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây lúa và các loại cây trồng trên nền đất lúa. Phát huy mối quan hệ gắn kết giữa Viện và các địa phương là tiền đề quan trọng để góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo.

Bài 2:  Tạo dựng giá trị riêng cho cây lúa và người trồng lúa

MINH HUYỀN

 

 

Chia sẻ bài viết