31/01/2023 - 09:51

Duy trì mức cholesterol lành mạnh giúp bảo vệ tim và trí não 

AN NHIÊN (Theo The Express, Eat This)

Cholesterol cao không chỉ được ví như “sát thủ thầm lặng”, nghiên cứu mới đây còn phát hiện nó có liên quan đến sự suy giảm trí nhớ. Ðây là lý do chúng ta cần kiểm soát cholesterol ở mức lành mạnh.

Cholesterol "xấu LDL" làm hẹp mạch máu và gây ra các bệnh tim mạch.

Theo các chuyên gia sức khỏe, mỡ máu cao là tình trạng có quá nhiều chất béo gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp (cholesterol “xấu” LDL) hay chất béo trung tính (triglyceride) hoặc cả hai trong máu. Nếu không được điều trị, nó có thể tắc nghẽn mạch máu, gây đau tim và đột quỵ. Những người bị mỡ máu cao thường không nhận biết bản thân mắc bệnh nếu không được kiểm tra thường xuyên hoặc cho đến khi nó gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng suy giảm trí nhớ là một trong những dấu hiệu bất thường của tình trạng mỡ trong máu cao. Ðiển hình, nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Mỹ cho thấy nồng độ cholesterol "xấu" LDL cao có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Trong nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các chuyên gia theo dõi sức khỏe 3.673 người cả nam và nữ. Họ phát hiện những người có mức lipoprotein mật độ cao (cholesterol “tốt” HDL) thấp có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao hơn 53% so với người có mức HDL cao hơn. 

Ðược biết, HDL có tác dụng làm giảm mức cholesterol bằng cách hấp thụ và mang nó trở lại gan để đào thải khỏi cơ thể sau đó. Còn LDL dễ tích tụ trên thành mạch máu, về lâu dài sẽ làm hẹp mạch máu, dẫn đến các bệnh tim mạch. 

Cũng liên quan đến việc kiểm soát mức cholesterol lành mạnh, một phát hiện mới công bố trên Tạp chí Antioxidants cho thấy tiêu thụ bột đậu nành giàu prôtêin B-conglycinin có khả năng làm giảm tới 70% hàm lượng LDL.

Ðể đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích đặc tính của 19 loại bột đậu nành khác nhau, trong đó mỗi loại đều chứa tỷ lệ 2 loại prôtêin glycinin và B-conglycinin khác nhau. Dựa trên mô phỏng quá trình tiêu hóa của con người, các chuyên gia đã xác định được 13 peptide hoạt tính sinh học được tạo ra trong quá trình tiêu hóa, hầu hết đến từ hai loại prôtêin này. Họ nhận thấy các peptide tạo ra từ đậu nành có thể làm giảm tình trạng tích tụ lipid từ 50-70%, tương đương hiệu quả của thuốc điều trị mỡ máu cao phổ biến là statin, đồng thời làm giảm lượng cholesterol “xấu” LDL bị ôxy hóa. Loại đậu nành chứa nồng độ B-conglycinin cao hơn cho thấy hiệu quả tốt hơn, vì loại prôtêin này có khả năng giảm mức LDL và các chất béo khác trong máu nhiều hơn.

Những thói quen ăn uống giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch

+ Ăn nhiều trái cây và rau củ. Nhiều loại rau quả chứa hàm lượng cao chất xơ, vitamin C và E, những dưỡng chất có đặc tính chống ôxy hóa. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Annals of Internal Medicine cho thấy người ăn nhiều rau quả có số lượng chỉ dấu sinh học liên quan đến bệnh tim hoặc căng thẳng ở tim thấp hơn.

+ Ưu tiên tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt. So với ngũ cốc tinh chế, ngũ cốc nguyên hạt giữ nguyên vẹn tất cả các bộ phận của hạt, giúp bảo toàn lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Nhờ đó, ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời cung cấp cho cơ thể các vitamin thiết yếu B và E, magiê và selen.

+ Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chất béo bão hòa (có trong thịt và các sản phẩm từ sữa) và chất béo chuyển hóa (từ thực phẩm chế biến sẵn) có thể làm tăng mức cholesterol “xấu” LDL và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. 

+ Ăn cá 2 lần/tuần. Các loại cá béo (như cá mòi, cá thu, cá nục) chứa hàm lượng cao axít béo omega-3, dưỡng chất giúp phòng ngừa bệnh tim nhờ khả năng giảm chất béo trung tính, giảm viêm và hạ huyết áp. Ăn cá 2 lần/tuần giúp cơ thể đáp ứng đủ nhu cầu axít béo.

+ Ăn tối sớm hơn. Ðiều này giúp bạn kiểm soát cân nặng, qua đó cũng bảo vệ sức khỏe tim. Theo JAMA Cardiology, béo phì có liên quan đến một số biến chứng về tim, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, rung tâm nhĩ và suy tim.

Chia sẻ bài viết