Nếu bạn đang băn khoăn nên sống theo ý mọi người hay sống theo ý nguyện của bản thân thì cuốn sách “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!” của Lê Bùi Thảo Nguyên sẽ có ích. Bởi để đưa ra quyết định cuối cùng, tác giả đã trải qua một hành trình dài không hề đơn giản. Sách do NXB Thế giới phối hợp với Alphabooks phát hành.
Lê Bùi Thảo Nguyên sinh năm 1991, tốt nghiệp thủ khoa Cử nhân Gây mê hồi sức, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Sau vài năm làm ở các bệnh viện lớn, cô quyết định bỏ việc để sống theo sở thích: đi du lịch và viết sách. Nhiều người tiếc cho cô khi bỏ một công việc bao người mơ ước và không ít người cho rằng cô ích kỷ, không nghĩ đến gia đình. Vượt qua tất cả, Nguyên đã chọn cho mình một lối đi riêng sau những cố gắng sống cuộc đời của mình. “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!” là cuốn sách đầu tay và cũng là lời tự sự của cô gái trẻ về quyết định của mình.
Sách gồm có 6 phần với 50 bài viết, được trình bày xen kẽ: cứ một bài về những chuyến đi, tình cảm cá nhân thì sau đó là một bài về công việc nơi bệnh viện. Cách sắp xếp đó giúp người đọc cân bằng được cảm xúc, giảm bớt được những nặng nề, căng thẳng trong môi trường y tế, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Lối viết nhẹ nhàng nhưng cá tính, pha chút dí dỏm của Nguyên lôi cuốn người đọc. Ngay từ bài viết đầu tiên, Nguyên phác họa chân dung, tính cách bản thân rất rõ ràng và khá nổi loạn, khiến người đọc bất ngờ và ấn tượng. Và theo bước chân cô, mới thấy rằng đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ, cá tính ấy lại là một tâm hồn đa đoan, dễ xúc động và đầy tình cảm. Cô đã không ít lần rơi nước mắt hoặc nhói lòng khi chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt nơi bệnh viện; trăn trở và day dứt khi bất lực trước những ca cấp cứu, phẫu thuật không thành; xót xa, thương cảm cho những sinh linh bé nhỏ không được thành người từ sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của người lớn… Môi trường làm việc của ngành y chưa bao giờ là dễ dàng với nhiều người, nhất là cô gái nhiều cảm xúc như Nguyên. Ngoài ra, những góc khuất nơi bệnh viện, những mặt trái của nghề không dễ gì chia sẻ đã khiến Nguyên thu người lại, tạo vỏ bọc lạnh lùng, tránh xa thị phi. Qua đó, tạo nên một “bé Nguyên” ngoan hiền, chịu khó, có nhiều cơ hội thăng tiến trong mắt đồng nghiệp, lãnh đạo. Cái “khuôn” mà mọi người mặc định, đánh giá càng khiến Nguyên bị gò bó. Cuối cùng, cô đã quyết định: “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được, miễn là được chế tác riêng cho mình!”.
Nếu những câu chuyện về ngành y đầy nỗi niềm và trăn trở thì ở một khía cạnh khác, tác giả mang lại cho độc giả niềm vui và truyền cảm hứng khám phá cuộc sống qua những chuyến đi khắp mọi miền đất nước. Cô gái trẻ với chiếc xe máy trong những chuyến đi phượt đầy gai góc không chỉ trải nghiệm, phiêu lưu mà còn trưởng thành hơn, thấu hiểu cuộc đời hơn. Đặc biệt, tình người ấm áp, chia sẻ và giúp đỡ Nguyên những lúc khó khăn, hoạn nạn trên những cung đường du lịch càng khiến những trang viết thêm đẹp và đầy sức sống.
Lựa chọn sống theo ý thích của bản thân hay theo số đông vẫn luôn là điều không dễ dàng với mọi người, nhất là các bạn trẻ. Ở bài viết cuối cùng, tác giả thẳng thắn: “Muốn từ bỏ, hãy cứ từ bỏ, nhưng trước đó, phải chắc rằng bạn biết sẽ đi con đường nào tiếp theo, biết điều gì đang chờ đợi mình. Không có thành công nào dễ dàng cả” (trang 254).
CÁT ĐẰNG