01/06/2020 - 06:15

Đừng tung hê cái xấu! 

Gần đây, câu chuyện về một tác giả trẻ hay nói bậy và chửi tục được nhiều người chú ý; để rồi chợt giật mình vì trước giờ vẫn đọc những lời lẽ thô tục của anh ta nhưng dường như đã “quen”. Nghĩ lại, sao lại có một nhà văn tục tằn đến vậy?

Đôi vợ chồng trong chương trình “Vợ chồng son” khoe chuyện tình lệch tuổi cùng câu nói phản cảm được phụ đề rõ ràng trên màn hình. Ảnh chụp lại

Nhà văn trẻ ấy là N.N.T., cây viết nổi lên từ truyện về đề tài người đồng tính. Trang facebook của anh có rất nhiều người theo dõi, lượt “thích”, “chia sẻ” những dòng trạng thái của anh rất nhiều. Đọc kỹ nhiều bài viết của anh ta rồi tự hỏi, họ thích vì điều gì khi mà toàn những câu văng tục, nói bậy chuyện giường chiếu. Có người còn khen anh ta “nói bậy có duyên”. Ví dụ như nhiều bài anh ta bình luận về phim chiếu rạp, khen chê là quyền của anh ta, nhưng sao lại dùng những lời lẽ thô tục để viết, trong khi bản thân là một nhà văn?

Hay mới đây, chương trình “Vợ chồng son” lại tiếp tục gây bão vì chuyện tình trái luân thường của đôi vợ chồng được cho là “son”. Người đàn ông 49 tuổi thừa nhận cô vợ 29 tuổi trước đây là con nuôi của ông ta. Kể vòng vo, người xem giật mình với câu nói của ông ta, được phụ đề hẳn hoi trên màn hình: “Thôi, con về làm vợ bố đi!”. Rồi ông ta còn cao hứng kể chuyện thầm kín “chồng già vợ trẻ” của mình. Một câu chuyện phản cảm như vậy sao lại được chọn phát trên sóng truyền hình, rồi có hàng ngàn lượt xem trên YouTube. Đáng nói, đây không phải là lần đầu chương trình “Vợ chồng son” dính bê bối. Nhiều vụ khai thác chuyện đời tư, chuyện vợ chồng quá đáng của nhân vật khiến chương trình bị “lên án”.

Một nhân vật lên facebook chửi với những lời lẽ tục tằn không từ ngữ nào diễn tả lại được tung hê như một người nổi tiếng. Một ca sĩ chửi đổng, chửi vơ hay ca sĩ kích động người khác đánh người… lại được cộng đồng mạng ủng hộ. Cái xấu đang được dùng để tìm kiếm danh tiếng!

Trở lại chuyện nhà văn N.N.T., anh rất ý thức bản thân được nhiều người quan tâm và chuyện văng tục chỉ là một cách làm truyền thông cho các sản phẩm mà anh ta nhận lời quảng cáo. Duy nhất điều anh ta quên có lẽ chuyện bản thân là một người làm văn hóa, phải giữ cho mình phông văn hóa tối thiểu. Các nghệ sĩ khác cũng vậy, họ dường như đang cố mất văn hóa để tìm danh tiếng. Một kiểu PR lạ đời! Trong khi trách nhiệm của những người được xem “người của công chúng” là phải mang đến cho công chúng những giá trị chân, thiện, mỹ, thì họ lại đang khiến công chúng “ngộ độc” bằng sự thiếu văn hóa của mình.

Cái xấu thì hãy bài trừ chứ đừng tung hê!

Duy Khôi

Chia sẻ bài viết