28/05/2020 - 20:36

Đừng lạm dụng ống hít thông mũi 

Nhiều người trong chúng ta xem những ống nhựa màu trắng chứa tinh dầu như một món phụ kiện cần thiết, thậm chí có người cứ rảnh tay là đưa ống hít vào mũi. Khó thở và nghẹt mũi là lý do phổ biến của những người luôn dùng ống hít thông mũi, song các chuyên gia y tế Singapore cảnh báo thói quen này thực sự không tốt.

Bên cạnh viêm mũi dị ứng (do bụi bẩn, phấn hoa hay lông thú cưng), các chứng dị ứng khác và tình trạng mũi nhạy cảm đều có thể khiến bạn dễ bị nghẹt mũi - Bác sĩ Leslie Koh, chuyên gia tư vấn Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa Changi, cho biết.

Vậy ống hít thông mũi tác dụng ra sao? Bác sĩ Lim Keng Hua tại Bệnh viện Mount Elizabeth cho biết hầu hết sản phẩm này chứa dầu long não, tinh dầu bạc hà hoặc dầu khuynh diệp. Mặc dù những loại dầu này giúp dễ thở hơn, cảm giác như có luồng khí gia tăng đi qua mũi, song đó không phải là điều xảy ra thực sự. Trái lại, việc sử dụng tinh dầu bạc hà qua ống hít đã được chứng minh là gây nghẹt mũi, có thể do hành động kích thích ở mũi.

Các bác sĩ cảnh báo hít nhiều tinh dầu bạc hà có thể gây chóng mặt, kích ứng, cử động mắt bất thường, ảo giác, lờ đờ và thậm chí hôn mê. Tương tự, hít nhiều long não cũng gây kích ứng trong miệng và cổ họng, buồn nôn và đau bụng. Kích động và co giật cũng được mô tả là dấu hiệu của ngộ độc tinh dầu bạc hà và long não – bác sĩ Koh nói thêm.

Bên cạnh các loại dầu có nguồn gốc thực vật, một số ống hít mũi cũng có thể chứa các chất thông mũi mạnh như oxymetazoline, pseudoephedrine hoặc ephedrine. Tuy rất hiệu quả trong việc làm giảm nhanh chứng nghẹt mũi, nhưng sử dụng kéo dài có thể làm hỏng mô mũi, dẫn đến tác dụng ngược, khiến mũi bị nghẹt nặng hơn. Các tác dụng phụ khác từ các chất thông mũi kể trên còn bao gồm chảy nước mũi, gia tăng nhịp tim, nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp và khó ngủ.

Để bảo đảm an toàn, các bác sĩ khuyến nghị đừng sử dụng ống hít mũi nhiều hơn 3 lần/ngày và không dùng nó lâu hơn 1 đến 2 tuần. Nếu bạn phải dùng chúng hàng ngày để giảm nghẹt mũi trong hơn 1 tuần, hãy đến gặp ​​bác sĩ để khám và điều trị đúng nguyên nhân tiềm ẩn gây nghẹt mũi.

Ống hít mũi có gây nghiện hay không?

Không có thành phần gây nghiện trong các loại ống hít thông mũi. Tuy nhiên, việc lạm dụng sản phẩm này có thể phát triển thành một thói quen, đặc biệt khi người dùng cảm thấy ​​nó có ích cho tình trạng nghẹt mũi của họ. Câu hỏi đặt ra lúc này là nó có thể gây hại sức khỏe ra sao? Bác sĩ Lim cho biết, một số người có thể phát triển chứng viêm mũi, khi niêm mạc mũi bị tổn thương và được thay thế bằng mô xơ không còn khả năng co rút nữa. Hậu quả là mũi hầu như bị nghẹt hẳn và chỉ thuyên giảm nhất thời bằng thuốc thông mũi. Một số trường hợp thậm chí diễn biến xấu hơn như chảy nước mũi, đóng vảy và có mùi hôi.

Cách khác để thông mũi

Các chuyên gia y tế cho biết có nhiều cách khác để “khơi thông” lỗ mũi không cần dùng đến ống hít. Nếu bị nghẹt mũi mãn tính, nghĩa là nghẹt mũi xảy ra trong thời gian dài hoặc liên tục tái phát, bạn nên gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân là do dị ứng hay mũi nhạy cảm. Bệnh nhân bị dị ứng có thể cần dùng thuốc steroid dạng xịt mũi để giảm triệu chứng nghẹt mũi. Trong trường hợp xấu nhất, một số bệnh nhân có thể có khối u khoang mũi và xoang, cho nên tham khảo ý kiến bác sĩ cũng sẽ rất hữu ích.

Nếu tình trạng nghẹt mũi mới xuất hiện gần đây, có lẽ bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh, cách chữa trị là dùng thuốc xịt mũi có chứa oxymetazoline (loại này không cần bác sĩ kê đơn). Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyên chúng ta dùng các thuốc thông mũi này không quá 3 lần/ngày và thời gian sử dụng liên tục chỉ từ 5-7 ngày.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết