12/11/2020 - 09:48

Đưa hoạt động thương mại điện tử vào nền nếp 

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế. Ðặc biệt, trong năm 2020, do quy định hạn chế tiếp xúc và tâm lý ngại giao tiếp trong giai đoạn giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, hoạt động thương mại điện tử (TMÐT) đã có những tăng trưởng đáng kể.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến. 

Khi kinh doanh qua các hình thức điện tử đã phổ biến tại các thành phố lớn ở Việt Nam, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để chủ động quản lý. Cụ thể, từ tháng 6-2017, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu các Cục thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, nghĩa vụ kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động TMÐT. Cùng với đó, rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động TMÐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định; đưa hoạt động kinh doanh TMÐT vào đối tượng thanh, kiểm tra. Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đã tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch TMÐT…

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, TMÐT có đặc thù khác nhiều so với thương mại truyền thống. Hoạt động chủ yếu trên nền tảng Internet toàn cầu, TMÐT đang phát triển nhanh chóng với rất nhiều hình thức, không rào cản biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin. Doanh nghiệp thậm chí không cần sự hiện diện ở nước sở tại mà vẫn có thể giao dịch mua bán hàng hóa bình thường. Việc này dẫn đến tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website TMÐT, sàn giao dịch TMÐT, mạng xã hội. Từ đó, gây ảnh hưởng đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng. Mặt khác, TMÐT Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhưng sự đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách chưa tương xứng.

Ðể đấu tranh phòng chống gian lận qua hoạt động TMÐT, Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đã quy định nhiệm vụ, chức năng, quy tắc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. Trong đó, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ cung cấp, phối hợp để chuyển dữ liệu thông tin và biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh qua mạng cho cơ quan thuế. Cùng với đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp tất cả dữ liệu mua bán hàng hóa khi được cơ quan thuế đề nghị. Trên cơ sở này, ngành Thuế hoàn thiện cơ chế quản lý thu thuế đối với hoạt động TMÐT. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các hội nghị đối thoại, tập huấn, chuyển thư ngỏ đến tổ chức, cá nhân, giúp nắm bắt đầy đủ các nội dung chính sách thuế về kinh doanh TMÐT. Ðối với các trường hợp cố tình không kê khai, nộp thuế sẽ thanh kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định...

Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch 399/KH-BCÐ389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMÐT, triển khai từ ngày 1-11-2020 đến ngày 31-10-2023. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty cung cấp hạ tầng mạng… cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMÐT. Trên cơ sở đó, tăng cường công tác quản lý thuế, có biện pháp truy thu đối với các tổ chức, cá nhân không khai báo. Tại kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia... thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Với sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giám sát sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh. Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy TMÐT phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho ngân sách.

Bài, ảnh: L. MẪN

 

Chia sẻ bài viết