|
Cây bồ đề tại Hà Tiên, nặng 3 tấn, giá 25 triệu đồng đang được nhấc lên xe bằng cần cẩu. |
Những năm gần đây, dọc theo các tuyến Quốc lộ qua các tỉnh, thành như: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... xuất hiện ngày càng nhiều những điểm kinh doanh kiểng cổ thụ như: ở huyện Tịnh Biên (An Giang); phường Ba Láng, đường Quang Trung quận Cái Răng và đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (TP Cần Thơ). Những gốc cây rừng đồ sộ, hình dáng kỳ thú ngày càng thu hút “người thành phố”.
Anh Đỗ Tầng, một tay chơi kiểng thuộc bậc lão làng ở TP Cần Thơ, cho biết: “Trong “cơn lốc” đô thị hóa hiện nay, nhiều công trình xây dựng công viên, trường học, khách sạn, biệt thự, khu du lịch, nhà nghỉ... mọc lên ngày càng nhiều. Nhu cầu cây xanh, cây cảnh, đặc biệt là kiểng trang trí ngoại thất ngày càng tăng, nguồn cung trở nên khan hiếm. Nhiều người có nghề chơi kiểng đã chuyển sang săn cây rừng để tạo thêm nguồn cung”. Nhiều người đã lặn lội săn tìm những cây hoang dại có dáng, thế độc đáo mang về cắt sửa, thay đổi “diện mạo” và thuần dưỡng để “đón đầu” các công trình với hy vọng vốn một lời mười. Sự săn lùng ráo riết của các nghệ nhân và thương lái làm cho những cây rừng có dáng đẹp ngày càng cạn kiệt và có lúc tạo thành cơn sốt kiểng, đặc biệt là những chủng loại quý hiếm như: mai vàng, nguyệt quới cùng với những gốc cổ thụ có giá trị nghệ thuật cao.
Để thu gom được nhiều cây có giá trị, một số nghệ nhân đã bố trí một mạng lưới giao dịch qua các tay xe ôm, xe ba gác và bạn bè tâm đắc. Hễ phát hiện nơi nào có “hàng độc” là họ báo tin ngay để khỏi lọt về tay kẻ khác. Tình trạng tranh mua tranh bán khiến cho thị trường kiểng gốc, kiểng rừng càng sôi động. Anh Năm Hiếu ở Long Tuyền, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có cây gừa mọc cặp mé sông, trước đây chẳng ai thèm để ý, nếu đem cưa củi cũng chỉ khoảng trăm ngàn. Vậy mà giờ đây có người mua với giá 10 triệu đồng. Cây gừa này sau khi chăm sóc, nếu bán để trang trí cho công trình giá ít nhất cũng gấp 2-3 lần. Tại các huyện miền núi, phong trào chơi cây rừng cũng đang bắt đầu lan rộng. Anh Nguyễn Công Tuấn, một cựu chiến binh ở Tịnh Biên, An Giang và một nhóm người mê kiểng cũng săn được hàng trăm cây rừng được xếp vào hạng “quái mộc” với hy vọng sẽ lọt vào mắt xanh của các “đại gia” chơi kiểng.
Dù nghề kinh doanh kiểng cổ thụ, cây rừng có mức lợi nhuận cao nhưng không phải ai cũng có thể tham gia. Ngoài việc đầu tư vốn liếng, tìm mặt bằng để dưỡng cây, người chơi - kinh doanh kiểng cổ thụ phải có tay nghề lão luyện với trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt là kỹ năng cắt tỉa, uốn sửa, tạo dáng, để có thể “biến hóa” một cây rừng hoang dại thành một cây kiểng nghệ thuật với những đường nét độc đáo. Có vậy mới đủ sức lôi cuốn khách hàng. Bởi những người chơi kiểng dám bỏ ra hàng chục triệu đồng mua một gốc cây kiểng thường đã đạt đến trình độ cao về khả năng thẩm định trong nghề.
Ở quận Cái Răng có hai nghệ nhân kỳ cựu trong làng hoa kiểng miền Tây là anh Nguyễn Văn Chót và anh Dũng. Những lô cây kiểng rừng của hai anh, cây nào cũng có thân hình vặn vẹo, gốc rễ ngoằn ngoèo, kỳ thú với đầy đủ các loại gồm: sanh, gừa, sộp, sung, sứ, bằng lăng, lâm vồ, nguyệt quới, hoa sữa, khế, vú sữa... Những tác phẩm tuy còn ở dạng thô nhưng nhìn thoáng qua, mỗi cây đều có vẻ thanh-kỳ-cổ-quái cuốn hút mắt nhìn. Những người săn cây rừng phải là những người táo bạo, dám nghĩ, dám làm. Vì người săn cây phải hạ những cây rừng nặng hàng tấn, tổ chức di dời qua nhiều đoạn đường bằng các phương tiện tàu, ghe và xe cần cẩu. Sau đó phải cắt, gọt và xử lý sao cho cây sớm ổn định. Nếu không khéo bảo quản trong khi di chuyển, để cây tổn thương, thúi rễ, khô da, coi như người săn cây kiểng đứt vốn. Sau một thời gian chăm sóc, cây bảo đảm sống, nghệ nhân mới ký hợp đồng bán cho khách và đảm trách luôn việc vận chuyển, hạ thổ và tiếp tục chăm sóc cây cho đến lúc bàn giao.
Anh Đỗ Tầng cho biết, kiểng cổ thụ hiện nay không sợ không có đầu ra với điều kiện cây phải hấp dẫn và trồng bảo đảm sống. Theo anh, một cây rừng hoang dã được đánh giá là đẹp trước hết phải có dáng vẻ hùng vĩ, hoặc trang nghiêm, cổ kính, hoặc lạ mắt, nhìn vào có ấn tượng ngay. Nếu muốn thu hút người mua, nghệ nhân phải tìm cho được những cây vừa hay vừa lạ và có ý nghĩa, chẳng hạn như: cây lộc vừng, cây hoa sữa... Anh Đỗ Tầng khẳng định: “Chỉ riêng TP Cần Thơ đã có hàng chục công trình lớn nhỏ đang thi công, chỉ cần ký được một hợp đồng, cả vựa cây của tôi cũng không đủ cung ứng”.
Hiện nay, có khá nhiều “đại gia” sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để “rước” một vài cây kiểng đẹp về khánh thành cùng lúc với biệt thự của mình. Nhu cầu cây kiểng để trang trí ngoại thất ở các khu đô thị ngày càng tăng. Nhưng đáng tiếc tại nông thôn và miền núi hiện nay, nhiều người dân đã chặt phá nhiều cây tạp để chuyển đổi vật nuôi cây trồng mà không chú ý đến tiềm năng của cây kiểng rừng khiến cho cây rừng dần dần cạn kiệt. Do vậy việc sưu tầm, thuần dưỡng cây rừng để cung cấp cho các công trình là việc đầu tư lâu dài. Thiết nghĩ, Ban quản lý công viên cây xanh ở mỗi địa phương cũng nên “bắt tay” với các nghệ nhân để vừa quy hoạch, bố trí cây trồng ở các công trình sao cho cảnh quan thêm đẹp, vừa bảo tồn được nguồn sinh vật cảnh ở địa phương, không khai thác bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG