* An Giang cần áp dụng khoa học công nghệ, tăng giá trị từ các sản phẩm nông nghiệp
(CT-TTXVN)- Chiều ngày 18-3-2009, tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự hội nghị này còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua diện tích và sản lượng nuôi cá tra, ba sa liên tục tăng nhưng không bền vững. Năm 2008, tổng diện tích nuôi cá tra, ba sa trên 6.160 ha với sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn. Tuy nhiên tình hình tiêu thụ cá tra trong năm 2008 gặp nhiều khó khăn, cao điểm tồn đọng lên đến 170 ngàn tấn. Bên cạnh đó, giá thức ăn nuôi thủy sản cũng tăng cao, kéo theo giá thành nuôi cá tra tăng 40% so với năm 2007. Đến nay, 30% diện tích ao nuôi của vùng đang bị bỏ không do không vay được vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất và giảm bớt công nhân do thiếu nguyên liệu.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phát triển diện tích nuôi không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp và thiếu thông tin thị trường; mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện tại chưa có quy chế để các hộ nuôi đăng ký địa điểm, qui mô, sản lượng với chính quyền địa phương, cũng như không có hợp đồng với doanh nghiệp chế biến, nên không kịp xử lý khi có biến động về thị trường tiêu thụ. Con giống và thức ăn hiện chiếm đến 85% giá thành nuôi, đây là 2 yếu tố đầu vào chưa được quan tâm đúng mức và nguồn thức ăn cho cá phụ thuộc khá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài. Các đại biểu cũng nêu quan điểm cần phải kiểm soát vùng nuôi, chất lượng đầu ra của sản phẩm để đưa con cá tra, ba sa trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia và có những chính sách phát triển mang tính bền vững. Qua đó, VASEP cũng kiến nghị, năm 2009 các tỉnh phấn đấu duy trì diện tích nuôi cá theo qui hoạch (khoảng 6.500 ha mặt nước) và sản lượng cá tra nguyên liệu khoảng 1,5 triệu tấn, chưa nên tăng hơn mức nuôi năm 2008; thí điểm và mở rộng quản lý xuất khẩu cá tra theo cơ chế thị trường tập trung, có cơ chế phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp và các bộ, ngành Trung ương nhằm đảm bảo đầu ra cho con cá tra, ba sa; Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần xử lý nghiêm các vi phạm... Trong nửa đầu năm 2009, mô hình này sẽ tiến hành thí điểm với thị trường Nga, sau đó nếu thành công sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho mở rộng diện áp dụng có chọn lọc cho các thị trường: Hoa kỳ, Bắc Phi - Trung Đông, Mỹ Latinh và EU.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặt hàng cá tra là sản phẩm đặc thù của ĐBSCL và lợi thế phát triển của vùng; tạo việc làm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng thu nhập, nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu mới, thiếu qui hoạch và thiếu ban chỉ đạo thống nhất; thiếu sự hợp tác trong sản xuất, phân chia chuỗi giá trị; chưa làm tốt vấn đề hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất giống, thức ăn, thu mua chế biến... Thủ tướng đề nghị thành lập đề án về sản xuất và tiêu thụ cá tra đồng bộ. Lưu ý đề án phải đặt mục tiêu là sản phẩm có lợi thế đặc biệt, khai thác tối đa để mang lại nguồn lợi, đưa con cá tra thành sản phẩm công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất lớn có qui mô công nghiệp từ khâu giống, thức ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn để thâm nhập thị trường thế giới. Đồng thời là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước và đảm bảo môi trường tốt, tính toán vùng nuôi, diện tích nuôi phù hợp. Xây dựng thương hiệu, công bố qui chế chất lượng và xúc tiến thương mại. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT thành lập Ban chỉ đạo về sản xuất và tiêu thụ cá tra với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, VASEP, hội nghề cá cùng lãnh đạo các tỉnh có qui hoạch nuôi cá tra. Song phải quản lý đồng bộ chất lượng; thống nhất giá cả.
* Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, An Giang cần nắm chắc thị trường trong nước và xuất khẩu để xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị từ các sản phẩm nông nghiệp gắn với đó là phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang về kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp An Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa và thủy sản (3,5 triệu tấn lúa và 360 nghìn tấn thủy sản, trong đó cá tra và cá ba sa là 270 nghìn tấn) cũng là tỉnh có giá trị sản xuất cao nhất trên diện tích đất canh tác. Ngoài ra các lĩnh vực khác về đầu tư hạ tầng, cụm tuyến dân cư... phát triển nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công nghiệp phát triển chậm, chiếm 11% GDP, thấp nhất so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm phát huy tối đa thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa, cá nước ngọt và rau màu, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo An Giang cần đi sâu nghiên cứu phân tích để có giải pháp tổ chức thực hiện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu, nhất là cá tra và cá ba sa. “Tại sao thế mạnh từ sản xuất đến tiêu thụ lại “bấp bênh”. Không ai khác chỉ có chính quyền cơ sở, nơi gắn bó, cọ xát mới tổ chức thực hiện có hiệu quả”- Thủ tướng nói.
Trên tinh thần này, Thủ tướng gợi ý, tỉnh cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của các sản phẩm nông thủy sản. Đồng thời đưa nhanh điện khí hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí và tăng năng suất lao động...
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, thăm nơi ở thời niên thiếu của Bác Tôn tại thành phố Long Xuyên.
GIA BẢO - THIỆN THUẬT