20/12/2016 - 21:53

Dự án trên ngàn tỉ xử lý rác thải sinh hoạt

Xử lý rác thải sinh hoạt là một trong những vấn đề khó khăn và bất cập của TP Cần Thơ thời gian qua. Vấn đề này sẽ được giải quyết sớm khi Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai đi vào vận hành vào tháng 2-2018 tới đây. Sáng hôm qua (20-12), Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này.

Gỡ khó trong xử lý rác sinh hoạt

 Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Everbright.

Theo số liệu thống kê, rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn TP Cần Thơ khoảng 650 tấn/ngày. Năm 2015, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 280/QĐ-UBND ngày 19-1-2015). Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư theo định hướng quy hoạch của thành phố khoảng 2.476 tỉ đồng. Thời gian qua, thành phố tích cực kêu gọi nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại thành phố theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn và bất cập, các khu xử lý chưa giải quyết triệt để lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Sáng 20-12, Sở Xây dựng TP Cần Thơ và Công ty TNHH China Everbright Quốc tế (Công ty Everbright) ký thỏa thuận nguyên tắc dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP Cần Thơ. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án “Nhà máy xử lý rác thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ” cho đại diện Công ty Everbright).

Dự án do Công ty Everbright đầu tư, xây dựng và vận hành, thời gian vận hành nhà máy là 20 năm, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng là 2 năm. Tổng vốn đầu tư dự án 47.233.100 USD (tương đương với hơn 1.054,7 tỉ đồng). Dự án được xây dựng trên khu đất diện tích 53.531m2 tại Khu xử lý rác thải ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Quy mô xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Đồng thời được trang bị máy phát điện tua bin 7,5MW. Trong một năm xử lý khoảng 146.000 tấn rác thải sinh hoạt và tạo ra khoảng 60 triệu kWh điện năng sạch/năm. Dự kiến tháng 2-2018, nhà máy hoàn thành và đi vào vận hành thử.

Hiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang sử dụng tại thành phố chủ yếu là chôn lấp và từng bước chuyển qua công nghệ đốt. Điều này gây không ít khó khăn, lúng túng cho các ngành chức năng trong quản lý, kiểm soát chất lượng khí thải, kiểm soát môi trường… Do đó, lãnh đạo thành phố cùng các ngành chức năng rất quan tâm và tích cực mời gọi đầu tư lĩnh vực này. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thực hiện Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 28-3-2016 của UBND TP Cần Thơ về việc phê duyệt Bộ tiêu chí Kinh tế- Kỹ thuật- Công nghệ và Cơ chế chính sách đầu tư Dự án Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ; qua kết quả của Hội đồng đánh giá lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện Dự án xử lý chất thải rắn, kết quả khảo sát thực tế tại Trung Quốc và Pháp, thành phố đã quyết định chọn Công ty Everbright làm chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn tại Cần Thơ. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt). Công suất xử lý 400 tấn/ngày.

Ngày 29-11-2016, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định số 3679/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Everbright ngày 2-12-2016. Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết, công nghệ áp dụng của nhà máy là đốt chất thải rắn phát điện. Dự án 100% vốn của chủ đầu tư là Công ty Everbright (trong đó, vốn của công ty Everbright là 20%, còn lại 80% Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho Công ty Everbright vay).

Cam kết đúng tiến độ

Theo kế hoạch, tháng 2-2017, dự án sẽ hoạt động thực địa tại TP Cần Thơ. Thời gian thi công hoàn thành dự án là 12 tháng. Cam kết của UBND TP Cần Thơ và Công ty Everbright thời gian chậm trễ của dự án trong quá trình thi công tối đa là 60 ngày. Ông Trần Tiểu Bình, Giám đốc điều hành của Công ty Everbright Quốc tế cho biết: "Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế- xã hội. Chúng tôi cam kết chia sẻ kinh nghiệm, mang công nghệ tiên tiến nhất về xử lý môi trường cho Cần Thơ. Everbright cam kết tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, sớm khởi công dự án, sử dụng công nghệ tốt nhất, xử lý tốt nhất để đưa dự án này trở thành hình mẫu về xử lý môi trường tại ĐBSCL cũng như Việt Nam". Đây là Dự án đầu tiên của Everbright tại Việt Nam, cũng là dự án đầu tiên khi Everbright tiến hành đầu tư vào Đông Nam Á. Số lượng, quy mô dự án đốt rác phát điện của Everbright trên thế giới hiện nay là 68 dự án, công suất 55.000 tấn rác/ngày.

Tại buổi trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Everbright ngày 20-12, bà Hisaka Kimura, Đại diện Ngân hàng ADB, khẳng định: "Đây là dự án kịp thời vì ADB và Chính phủ Việt Nam vừa thông qua chương trình hợp tác thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững môi trường giai đoạn 2016-2020. ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ khu vực tư nhân, thông qua các dự án hợp tác công- tư để nâng cao hiệu quả phát triển, mang kiến thức và công nghệ mới cho Việt Nam. Mong rằng, dự án sẽ triển khai thành công tại Cần Thơ". Theo bà Hisaka Kimura, ADB chọn Công ty Everbright là đối tác hợp tác chiến lược lâu dài trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. ADB đã hỗ trợ cho Công ty Everbright 6 dự án đốt rác phát điện cho 18 triệu người ở các thành phố khác nhau trên thế giới mà Công ty Everbright có dự án đầu tư.

Khẳng định với đại diện Ngân hàng ADB và Công ty Everbright, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, cho biết: "Quá trình đàm phán kết thúc tháng 11-2016, trải qua 8 tháng là thời gian dài để chuẩn bị cho dự án. Việc ký thỏa thuận nguyên tắc và trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Everbright là khởi đầu cho sự hợp tác thành công. Công ty Everbright còn thực hiện những thủ tục xin Chính phủ từ dự án xử lý rác thải để phát ra nguồn điện và còn làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành dự án. Chúng tôi cũng biết công ty Everbright sử dụng công nghệ đạt chuẩn châu Âu, nhưng chúng tôi cũng mong muốn công ty thực hiện đúng cam kết và sử dụng công nghệ tốt nhất, thực hiện đúng tiến độ. Nhà đầu tư phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Dự án này sau khi đi vào hoạt động còn là bước khởi đầu quan hệ tốt đẹp của công ty với các tỉnh vùng ĐBSCL và Việt Nam".

Theo Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 28-3-2016 của UBND TP Cần Thơ:
-Công nghệ xử lý: áp dụng công nghệ xử lý tổng hợp; đồng thời tạo ra các sản phẩm hữu ích.
-Nguồn vốn đầu tư: 100% vốn của nhà đầu tư.
-Diện tích: không quá 10 ha.
-Tỷ lệ chôn lấp còn lại sau xử lý: nhỏ hơn hoặc bằng 5%.
-Giá dịch vụ xử lý: thấp hơn 400.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt, chưa bao gồm VAT.
-Hình thức đầu tư: BOO (đầu tư, quản lý, khai thác).
-Thời gian hoạt động dự án: 20 năm.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết