06/05/2018 - 15:26

Dòng trong 

Bữa đó nắng còn đổ mật trên sân, ngó cây ổi trước nhà đứng trân biết ngay là trời không thèm thổi cho chút gió. Chị ngồi đưa võng cho thằng cu ngủ trưa, ban đầu còn hát ầu ơ ngọt lịm, rồi mắt chị dần lim dim. Cơn buồn ngủ đẩy đưa chị mơ màng bỗng hụt mất khi ai đó gọi thất thanh “Chị Hải ơi…!”. Chưa kịp định thần, người đó nói vọng vào nhà, gấp gáp nhắn rằng: “Anh Hải đi biển mất tích giờ chưa biết sống chết”. Lúc đó chị thấy như mình bị hụt hơi thêm một lần nữa, lần này là rơi xuống sâu dưới đáy biển. Chị thấy mình bơi hết chỗ này đến chỗ kia dù không biết bơi, dò đụng cuống rốn của biển nhưng vẫn không sao tìm được anh.

Lúc tỉnh dậy, chị thấy má chồng ngồi kề bên đỡ, nước mắt chảy ròng. Nỗi đau đớn mỗi lúc một đậm hơn khi hàng xóm tụ lại quanh nhà, sụt sùi tiếc thương: “Thằng Hải hiền khô vậy mà bỏ lại mẹ già và vợ với đứa con thơ, tội quá trời quá đất”. Người dưng còn thấy đau, nhưng má chồng chị nói rằng: “Nỗi đau nào rồi thì cũng phải đặt qua một bên, để còn lo cho mình, cho thằng cu nữa”. Chắc là má góa bụa từ hồi còn trẻ, biết bao thứ đau lòng đã đổ lên đời má vẫn vượt qua, nên dù đau thấu tim gan má vẫn rút ra mấy câu an ủi con dâu. Nghĩ vậy mà chị ngậm lấy nỗi đau, cố mà dằn mà xé mà nuốt trôi đi…

Chị bớt rụng rời sau hai tuần khóc sướt mướt. Vì quá đau lòng, chị không để ý đến thái độ đau đớn “rất ý thức” của mẹ chồng. Chị cứ nuôi mãi trong đầu ký ức về anh và nhớ lại cái đêm tối đen như mực, gió thổi như muốn cuốn cả con đò, dòng sông mênh mông sóng mang hình lưỡi búa… Chị lại thấy mình trong cái đêm ấy, trước khi gieo mình xuống cầu. Chị cũng nhớ cảnh núi lở sau trận bão, cả nhà táng chung một ngôi mộ trên nền nhà. Tuổi hai mươi, vốn quen sống cảnh cha mẹ thương yêu bảo bọc, chị không biết phải đối diện thế nào với nỗi mất cha, mất mẹ - cũng có nghĩa mất nhà. Vậy là chị ra cầu, định buông chân nhảy.

Lúc đó anh đang thả lưới trên sông, như có linh tính mà phát hiện chị đứng trên lan can cầu. Chị nhảy, anh kịp thời vớt chị vào bờ, cứu sống. Anh dang rộng vòng tay đưa chị về nhà tá túc vài bữa. Chị không biết đi về đâu, nên theo anh. Nửa tháng ở nhà anh, nhận hết lời an ủi, động viên, chăm sóc chu đáo từ anh, chị phần nào thấy dường như đây cũng là nhà.

Thấy cảnh người cơ nhỡ không nhà, con trai mình lại có lòng thương nên mẹ của anh cũng mở lòng hỏi chị: “Có muốn làm dâu nhà này không con?”. Nhận ơn người ta, chị biết nói sao bây giờ, ngoài chữ “dạ” và cái cúi đầu. Với người mẹ và anh, cái cúi đầu đó là e thẹn, chấp nhận. Nhưng với chị, đó là cái cúi đầu để nhìn xuống đất với nỗi ngờ vực chính mình, hoang mang ngày tháng tới…

Sự ngờ vực chính mình lớn lên theo thời gian và cứ lẽo đẽo theo chị; mặc cho nhiều lần chị cố chặt chân nó bằng cách không nghĩ, không suy, không nhớ tới. Nhưng cứ mỗi khi anh vắng nhà, dù chỉ nửa buổi thôi, chị lại tự vấn lòng mình “Mình có thật sự yêu anh hay không?”. Câu hỏi ấy khiến chị nấu cơm bữa sống bữa chín, luộc khoai cháy khét và không muốn gánh vác cùng chồng. Chị cứ ngỡ sau khi sinh thằng cu, câu hỏi ấy sẽ chịu nằm yên. Nhưng nó đâu dễ yên. Nó lại về, trong lần chị thấy anh đi tiệc nhà hàng xóm về té ở trước cổng, chị bỗng thấy mình dửng dưng đến lạ, chỉ hỏi mấy câu cho có lệ. Anh ngó chị, đôi mắt giàn giụa những câu hỏi đâm bông, mọc đầy trong lòng, nhức nhối…

Sau đó mấy hôm, anh từ giã mẹ già, vợ trẻ đẹp, con thơ: “Anh đi tàu biển”. Nói đi thì đi vậy thôi chứ không nói đi đến khi nào về, đi tàu nào, đi với ai. Chị bồng thằng cu đứng nhìn chồng, mặt không cảm xúc. Cảm giác đó đẩy anh đi nhanh hơn. Đến lúc anh đi khuất ở bụi tre gai chị mới cảm giác được mình vừa khóc. Câu hỏi “Mình có thật sự yêu anh hay không?” lóc cóc chạy theo bóng anh mất dạng ở phía đường làng.

Không lâu lắm kể từ bữa anh đi thì có người đưa tin về, anh mất tích trên biển rộng, gió đông, mùa biển động. Lúc này chị thấy cảm giác mất mát của ba năm trước, lúc chạy định nhảy cầu tràn về; dồn dập, nát tan nụ cười vừa mới đơm chút nụ.

Má chồng vẫn theo sát khuyên lơn chị. Lúc đó thằng cu đang tập đi, làm chị tự thấy phải may vá lại miệng vết thương, nắm níu con thơ, mẹ già mà đứng dậy. Chị gửi con cho má, ra đồng cuốc mấy luống rau, chăm mấy sào ruộng dở dang mà chồng để lại. Mấy bữa đầu về nhà, bàn tay rơm rớm máu, nhưng chị giấu, không kể với má. Đâu còn chồng để đèo bồng nhõng nhẽo tỉ tê, đâu còn là tiểu thư để bàn tay nhẵn nhụi. Thằng cu tập đi, bập bẹ gọi “mẹ”, giết chết suy nghĩ tiêu cực trong chị, không chút nào quyến luyến.

Đã quên rồi, tự khi nào chị cố học hỏi má chồng để tự biết nấu cơm, lau nhà, giặt giũ thành thục. Cũng đã quên rồi, tự khi nào chị không mua nữa những quần áo mới, phấn kem thơm. Và rất lâu, chị đã không còn thấy mình vướng bận câu hỏi “Mình có thật sự yêu anh hay không?”. Gió về thổi vun vút ngọn tre, bên mái nhà đêm đêm gió rú những tiếng lòng ray rứt, lúc đó trời sắp vào mùa mưa, chị ra đồng từ sáng sớm. Mẹ chồng nhìn chị đi, ôm đứa cháu vào lòng, bà khóc ròng.

Tính tới tính lui thì đã 49 ngày từ khi nhận tin anh mất tích, chị bày mâm cơm. Chợt anh lù xù xuất hiện ở cổng nhà. Khi anh bước vào gần đến nhà, chị không cảm động đến mức ôm chầm lấy chồng. Chị bước lại gần anh, nắm tay anh coi đây là tay thiệt hay tay giả. Rồi cảm động nghẹn ngào “Anh đi đâu mà người ta nói anh chết mất xác. Biển rộng mênh mông em biết xác anh ở đâu mà tìm”… Anh ngó trên bàn, mấy cái bánh tro, một nải chuối vườn nhà… những món anh thích ăn. Rồi anh lại nhìn chị. Anh không thốt nổi câu cuối cùng trong kịch bản đã bàn với má: “Em có thực sự yêu anh hay không?”. Anh thay vào đó một câu khác, ngoài kịch nhưng trong lòng: “Năm nay má đã sáu mươi, thằng cu thêm một tuổi rồi, mấy tháng đi tàu anh có được mớ tiền công. Từ nay anh ở nhà, trồng thêm mớ cây ăn trái trên mảnh vườn mà em đã nhổ cỏ, vun phân. Em tha lỗi cho anh đã bày cách ngu ngốc thế này… Anh không chịu nổi khi sống chung mà lòng em rối bời”.

Chị cười và nhẹ gật đầu. Có đáng gì đâu khi anh thực sự không chết, để trở về bên chị.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dòng trong