19/11/2021 - 07:50

Đồng minh muốn Mỹ quay lại CPTPP 

Úc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ trong nhóm Bộ Tứ, đã lần lượt đưa ra đề nghị trên sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tỏ ý Washington “vì nhiều lý do” không tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở thời điểm hiện tại.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Hayashi.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Hayashi.

CPTPP tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một chủ trương tâm đắc của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Năm 2017, người kế nhiệm Donald Trump ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức đã tuyên bố rút lại sự tham gia của Washington và hiệp định sau đó được đổi tên thành như hiện nay.

Kể từ khi Mỹ rút lui, Trung Quốc đã thành công thiết lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Đây hiện là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% dân số và GDP toàn cầu. Bắc Kinh hồi tháng 9 cũng thông báo đã nộp hồ sơ gia nhập CPTPP. Nếu thành công, giới phân tích dự báo Trung Quốc có khả năng thay thế Mỹ để viết “luật chơi mới” không chỉ trong khu vực mà phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh này, nhiều người cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nếu có thể tham gia CPTPP thì đây sẽ là cách hữu hiệu và nhanh chóng để tạo đối trọng kinh tế quan trọng trước ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Cách nay hai tháng, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan đã nhắc tới khả năng trên với đề nghị Mỹ tham gia một hiệp định thương mại tự do kỹ thuật số khu vực như bước đầu quay lại CPTPP. Trong đó, thỏa thuận kỹ thuật số sẽ cải thiện luồng dữ liệu xuyên biên giới, quyền sở hữu trí tuệ, khả năng tương thích hệ thống kỹ thuật số, bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng, các tiêu chuẩn kỹ thuật số và quyền truy cập mở đối với dữ liệu của chính phủ. Quan chức Úc còn cho biết ông đã thảo luận vấn đề với các đối tác khu vực như Singapore, Nhật và Hàn Quốc. Tất cả đều rất quan tâm tới việc Mỹ xây dựng một cơ chế tăng cường sự can dự kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi Washington hiện không có mặt trong bất kỳ hiệp định thương mại nào tại châu Á.

Chung nỗ lực với Úc, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trong cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ở Tokyo hôm 17-11 lặp lại lời kêu gọi này cùng đề nghị Washington tham gia nhiều hơn vào việc đảm bảo trật tự quốc tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đáp lại, bà Tai khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để xây dựng một khuôn khổ kinh tế ở khu vực theo sáng kiến được Tổng thống Biden công bố tại Hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tại Diễn đàn Kinh tế Mới đã làm rõ quan điểm của Nhà Trắng không trở lại CPTPP trong ngắn hạn. Thay cho điều này, Mỹ muốn theo đuổi quan hệ đối tác phù hợp, rộng mở và linh hoạt trên nhiều lĩnh vực với những nước đồng minh cũng như đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo dự kiến, Mỹ có thể triển khai một quy trình làm việc chính thức vào đầu năm tới, mở đường hình thành khung hợp tác giữa các nền kinh tế khu vực. 

MAI QUYÊN (Theo Asia News Network)

Chia sẻ bài viết