23/08/2010 - 10:02

Động lực cho ĐBSCL phát triển

Việc phát triển hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình mới. Sau gần 5 năm thực hiện QĐ344 của Chính phủ về phát triển giao thông vận tải ĐBSCL đến giai đoạn 2010, đến nay, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã cơ bản hoàn thành mục tiêu các công trình giao thông trọng điểm theo kế hoạch đề ra. Bước đầu, những tuyến đường, cầu mới được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; mở rộng thị trường nông thôn, kích cầu sản xuất, phát triển công- nông nghiệp... ở khu vực ĐBSCL.

Những tuyến giao thông đồng bộ đã hình thành

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong 7 tháng đầu năm 2010, đã có một số công trình, tuyến giao thống huyết mạch ở ĐBSCL được khánh thành và đưa vào sử dụng như, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Hưng Lợi (tuyến Nam sông Hậu), Quốc lộ 91 B (đoạn TP Cần Thơ), tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Thông xe cầu Bạc Liêu 2 và 6 cầu trên quốc lộ 1A (đoạn Đầm Cùng - Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Ngoài ra, trong tháng 7 các công trình mới đã tiếp tục được khởi công như: nâng cấp quốc lộ 53, 54, hợp phần A (đoạn tỉnh Trà Vinh ); nâng cấp mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn- Đất Mũi)...

Theo QĐ 344/2005/QĐ-TTg của Thủ Chính phủ thì đến nay 4 trục dọc chính trên QL 1A, đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo trục dọc (bằng nguồn vốn vay WB) và đã hoàn thành thi công theo Hiệp định bổ sung gồm: cầu Gành Hào 2; 6 cầu đoạn Đầm Cùng- Năm Căn và 57km đường tỉnh. Tuyến N2, đã hoàn thành đoạn Đức Hòa- Thạnh Hóa và đang tiếp tục thi công đoạn Củ Chi- Đức Hòa và Thạnh Hóa- Mỹ An- Vàm Cống, khối lượng đã hoàn thành trên 75 %. Tuyến N1, đoạn Tịnh Biên-Hà Tiên đã hoàn thành và đang khởi động lại toàn dự án từ Đức Huệ- Châu Đốc. Tuyến ven biển gồm QL 50, đã hoàn thành giai đoạn 1 (tuyến tránh Mỹ Tho- Gò Công). Giai đoạn 2 đã nâng cấp toàn tuyến TP Hồ Chí Minh- Gò Công - Mỹ Tho. Và QL 60 đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp các đoạn cấp thiết trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh. Đoạn qua Tiền Giang đang nâng cấp và sẽ hoàn thành trong năm 2010. Tuyến đường Nam Sông Hậu cũng đã hoàn thành và thông xe tuyến chính, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp sẽ thông xe cuối năm 2010. Dự án cải tạo nâng cấp sân bay Cần Thơ giai đoạn 2 đã cơ bản đạt yêu cầu, xây lắp nền đường hạ cất cánh đã cơ bản hoàn thành trên 97%. Dự kiến cuối năm 2010 sẽ đưa vào hoạt động. Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận- Vàm Cống đã hoàn thành và đưa vào sử dụng...

 

Cảng hàng không Rạch Giá - Cà Mau, đã xây dựng nhà ga hành khách và cải tạo nâng cấp khu bay để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ. Dự án cảng hàng không Phú Quốc cũng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối quý I/2012... Đồng thời còn hàng loạt tuyến cầu - đường khác đã đưa vào hoạt động như nâng cấp cải tạo các trục ngang thuộc các tuyến như QL30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91... tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong toàn vùng đầu tư các tuyến giao thông liên huyện bằng việc kết nối với các tuyến quốc lộ để có 100% đường ô tô đến trung tâm huyện và xã.

Ngoài ra, hệ thống giao thông đường thủy cũng đã được đầu tư một cách đáng kể như hai tuyến đường thủy phía Nam được nâng cấp đưa vào hoạt động : TP Hồ Chí Minh- Kiên Lương và tuyến TP Hồ Chí Minh - Cà Mau; nâng cấp cảng Cần Thơ bằng vốn vay WB. Đang tiếp tục triển khai tiếp dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (WB5), với quy mô toàn tuyến dài 446 km trên các tuyến sông chính yếu, cùng với hệ thống giao thông đường thủy do địa phương quản lý đã đảm bảo khả năng kết nối khu vực với cảng sông, cảng biển...

Như vậy, ĐBSCL bước đầu đã hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng có tính đến sự kết hợp các phương tiện vận tải nhằm phù hợp với đặc điểm tự nhiên của khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng...

Động lực cho phát triển

Đúng như các nhà kinh tế nhận định, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển sẽ là động lực phát triển kinh tế cho vùng kinh tế ĐBSCL.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, mặc dù còn nhiều tuyến đường và cầu chưa hoàn chỉnh theo QĐ 344 do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư... nhưng với các tuyến cầu - đường được nâng cấp và xây mới kết hợp với một số công trình thủy lợi, giao thông đường sông... đưa vào sử dụng, bước đầu đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2009. Cụ thể, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng đạt 2,66 tỉ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Một số tỉnh có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như Cà Mau 314 triệu USD, tăng 26,75%; Sóc Trăng 140,6 triệu USD, tăng 18 %; An Giang 320 triệu USD, tăng 15,6 %, Cần Thơ 467 triệu USD, tăng 19,6 %...

Dự kiến trong năm 2010, toàn khu vực ĐBSCL sẽ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 tỉ USD. Việc đưa cầu Cần Thơ vào hoạt động, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chọn các huyện ngoại thành của TP Cần Thơ xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ tại các huyện như Cờ Đỏ, Phong Điền... tạo đà cho phát triển TMNT trong thời gian tới. Từ nay đến năm 2020, TP Cần Thơ sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến giao thông, từ trục giao thông chính sẽ được kết nối nông thôn. Điển hình như: tuyến Quốc lộ 1 - vòng cung Quốc lộ 80 (thuộc mạng lưới cao tốc quốc gia đoạn Cần Thơ - An Giang); Dự án nối Quốc lộ 91 với tuyến Nam sông Hậu; tuyến đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc (kể cả cầu Rạch Ngỗng I); đường Quang Trung - Cái Cui; đường vào các khu công nghiệp phía Nam và cảng Cái Cui giai đoạn II; tuyến đường Trà Nóc - Thới An Đông - Lộ Bức, tỉnh lộ 923 (từ Phong Điền đến Quốc lộ 91), hệ thống cầu trên tuyến tỉnh lộ 921, các đường ô tô đến trung tâm xã.

Hiện nay, ngoài việc tập trung bố trí nguồn vốn để thực hiện thi công hoàn chỉnh và dứt điểm các công trình dở dang theo QĐ 344/2005/QĐ-TTg , Bộ GTVT còn tiếp tục triển khai các dự án quan trọng, bằng cách huy động thêm các nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, nhất là ưu tiên sử dụng các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tăng mức đầu tư hàng năm từ ngân sách Nhà nước... để triển khai, thực hiện chi tiết kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông ĐBSCL hoàn chỉnh và đồng bộ trong giai đoạn từ 2010- 2015.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết