* PHƯƠNG MAI
Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ, phong cách giản dị, gần gũi, tính tình vui vẻ, hòa đồng. Ông có thể ngồi bàn chuyện “thời sự” hàng giờ với bạn bè, nhưng khi làm việc, thì cực kỳ nghiêm túc, giải quyết công việc nhanh chóng và khoa học. Ông Vững thường nói: “Tôi đã trải qua tuổi thơ nhọc nhằn mưu sinh nên thấu hiểu nỗi vất vả đi tìm việc của lao động trẻ, muốn góp sức mình giúp thanh niên vững bước vào đời”...
Sinh ra trong gia đình bần cố nông miệt Giồng Trôm, Bến Tre, là con thứ 7 trong gia đình, ông Vững vừa học trường làng, vừa theo cha học nghề hớt tóc. Ông nói: “Hồi đó, tôi rất ngán học chữ nhưng lại mê học nghề”. Ông vô tư không hề biết cha mình đang hoạt động cách mạng. Ông Vững còn nhớ: “Năm 1969, tôi đang học lớp 4. Một bữa đến lớp nghe các cô sụt sùi nói Bác Hồ đã qua đời. Lúc đó, tâm trạng của tôi rất khó tả. Dù chỉ biết về Bác qua những mẩu chuyện của cha và các cô chú, nhưng tôi và các bạn mình cảm nhận được tình cảm trang trọng, thiêng liêng như mất đi người thân trong gia đình. Lúc ấy, tôi cùng nhiều học sinh trong trường rủ nhau đi hái hoa về lập bàn thờ Bác...”.
Năm 1971, cơ sở của cha bị bại lộ, cha ông bị bắt giam với mức án 5 năm tù. 13 tuổi, ông Vững đã suy nghĩ và làm những việc... người lớn: Tự lập, làm nhiều nghề kiếm sống; năn nỉ ông chủ cho ứng tiền công trước để nhờ luật sư “cãi” giảm án cho cha xuống còn 3 năm tù... Năm 1974, ông Vững tham gia lực lượng an ninh ở địa phương cho đến ngày giải phóng. Ông Vững cho biết: “Chính vì sớm lăn lộn, cọ xát cuộc sống, thấu hiểu và thông cảm cảnh nghèo khó đa phần do thất nghiệp mà ra, tôi luôn nghĩ chỉ có việc làm ổn định mới làm con người lớn lên, khôn ra và chín chắn trong hành xử”. Chính kinh nghiệm sống, sự quyết đoán, tự tin và bản lĩnh trai trẻ đã ảnh hưởng sâu sắc trong cách xử lý và điều hành công việc sau này của ông.
20 tuổi, ông Vững làm nhân viên văn thư cho một đơn vị bộ đội. Năm 1979, đang độ tuổi 23 hăng say, ông tình nguyện tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, với quyết tâm bám trận địa đến cùng, không rời hàng ngũ. Đã có bao đồng đội gục ngã bên cạnh, chết trên vai ông... Hình ảnh đồng đội thân thương hy sinh ở chiến trường thỉnh thoảng vẫn theo ông vào giấc ngủ cho đến tận giờ... Những tháng năm nguy nan đó đã góp phần trui rèn trong ông ý chí, phẩm chất của người lính trẻ và người đảng viên trẻ sau này.
Năm 1981, ông Vững công tác tại Tỉnh đoàn Cần Thơ (nay là Thành đoàn Cần Thơ). Đến năm 1988, ông được phân công phụ trách mảng tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên và giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (nay là Trung tâm GTVL TN) TP Cần Thơ cho đến nay.
Với tâm huyết tạo việc làm cho lao động trẻ, ông Vững làm việc hăng say, xây dựng ý tưởng, kế hoạch, quan tâm tạo việc làm cho người lao động. Ngay từ những ngày đầu đảm trách công tác giải quyết việc làm, với phương pháp: “Giúp người lao động cần câu, chứ không cho con cá”, ông chú trọng dạy các nghề có thể giúp người lao động vận dụng để có thêm thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Ông chú trọng tư vấn, giúp lao động định hướng chọn việc làm phù hợp với trình độ, khả năng.
Ông Vững kể, có những người yêu nhau cùng đến Trung tâm tìm việc, sau đó kết hôn với nhau, bây giờ, con cháu của họ cũng đến Trung tâm tìm việc làm. Trước đây, một phụ nữ người Bắc vào Nam tìm việc làm, được ông Vững giới thiệu làm tạp vụ cho nhà sách Phương Nam. Chị này tranh thủ làm ngoài giờ cho quán cà phê, làm cỏ cho cơ quan... Sau một thời gian gặp lại, chị khoe cả gia đình chị đã vào Nam đoàn tụ và đều có việc làm ổn định. Rất nhiều lao động trẻ có trình độ học vấn cao, nhưng ngại không chịu đi làm xa, được ông Vững động viên, phân tích thiệt hơn, thuyết phục họ đã đồng ý đi làm ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Hiện nay, nhiều bạn trẻ giữ vị trí quan trọng trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức thu nhập tương xứng và được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ, trọng dụng...
Thời gian dài làm Giám đốc Trung tâm GTVL TN, ông Vững đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động. Các lao động trẻ khi đến nơi làm việc của ông Vững luôn có tâm lý thoải mái, gần gũi giống như trò chuyện với một người chú, người anh.
Ông Vững bộc bạch: “Tôi mong muốn các bạn thanh niên đến với chúng tôi không chỉ tìm được việc làm, có thu nhập ổn định mà còn phải hiểu và xác định đúng động cơ nghề nghiệp, việc làm và biết tự tin hướng đến tương lai”. Ông sẵn sàng cùng các doanh nghiệp đến các trường nghề ở Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long... để tư vấn và tuyển dụng lao động; tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo về việc làm và luôn có những ý kiến giúp sinh viên, học sinh thấy được tầm quan trọng của hướng nghiệp.
Bạn Thanh Tùng, đang là nhân viên bán hàng cho một công ty kinh doanh, nói: “Trong khi tư vấn, chú Vững luôn có những câu hỏi “mẹo” để gợi mở, giúp lao động ôn lại kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội và cả cách ứng xử, giao tiếp với mọi người... Bà Phan Thị Khánh Đào, Giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Khu công nghiệp Trà Nóc 2), cho biết: “Khi cần tuyển nhân sự cho công ty, tôi nghĩ ngay đến chú Vững. Qua sơ tuyển, chú Vững thường chọn được các nhân viên có năng lực thật sự...”. Với thái độ thân thiện, nhiệt tình trao đổi, tiếp xúc với thanh niên, ông Vững truyền đạt hết kinh nghiệm, sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ, xua tan cảm giác ngại ngùng, tự tin bày tỏ tâm tư, nguyện vọng...
Là Phó Bí thư Chi bộ, ông Vững luôn quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên làm công tác Đoàn, thể hiện năng lực lãnh đạo. Trong đó phải hết lòng vì thế hệ trẻ, giàu nhiệt huyết, thấy được vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng; quan tâm nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là kỹ năng ngoại ngữ, tin học.
Một ngày làm việc của ông Vững bắt đầu lúc 4 giờ sáng. Ông tập thể dục để rèn thể lực, dùng cà phê, điểm tâm sáng xong là tập trung giải quyết công việc. Ông Vững có một thói quen gần như nguyên tắc sống: Không mang công việc cơ quan về nhà, dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cho ngày làm việc mới. Thú vui thư giãn của ông là chăm sóc cây kiểng và trò chuyện với vợ con, thỉnh thoảng tranh luận về một đề tài trong cuộc sống, đưa ra cách nghĩ, cách nhìn về một quan niệm sống đúng, sống đẹp, sống có lý tưởng của thanh niên... Không chỉ có vườn hoa kiểng ở nhà, trước khoảng sân rộng của Trung tâm GTVL TN cũng có các chậu mai lớn, do chính tay ông chăm sóc, ngày càng xanh tốt. Ông Vững khoe, mình rất có “khiếu” chăm sóc, tạo dáng và “bắt” mai nở hoa đúng thời điểm. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, những cành mai đong đưa khoe sắc, reo đùa trong gió đã giúp ông thư giãn xua tan mệt nhọc.
Ông Vững thường ví von gia đình là hậu phương vững chắc, giúp ông toàn tâm toàn ý cho công việc. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, ngay trong những lúc khó khăn nhất, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, luôn cổ vũ, động viên ông hoàn thành nhiệm vụ, làm tròn trách nhiệm với xã hội. Gần 30 năm qua, tuy không cùng ngành nghề (vợ ông - đang công tác tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng) nhưng bà luôn góp ý kịp thời để ông xử lý công việc tốt hơn. Ông Vững còn hướng cho anh Nguyễn Đình Phương, người con trai duy nhất của ông nay đã 25 tuổi, tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, quen dần với việc sống tự lập, nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng của mình, sống giản dị, chân tình, có trách nhiệm, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người.
Trên 50 tuổi đời, gần 30 tuổi Đảng, và với rất nhiều bằng khen, giấy khen các cấp từ Trung ương đến thành phố, nhưng ông chỉ có một tâm niệm: Một ngày còn sức khỏe là cố gắng làm được điều tốt cho cuộc đời, cho mọi người. Đối với ông, phần thưởng xứng đáng nhất là mỗi ngày có thêm nhiều lao động tìm được việc làm và thành đạt, trở thành những công dân hữu ích, đóng góp công sức và trí tuệ phục vụ cho sự phồn vinh đất nước.