04/06/2012 - 22:01

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỐ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG PHẠM HÙNG

Đồng chí Phạm Hùng - Tấm gương suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc nhân dân

(Tiếp theo và hết)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17-6-1987), đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận, bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của đồng chí với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, phát triển đi lên.

* * *

Đồng chí Phạm Hùng sinh ra trên mảnh đất Long Hồ, Vĩnh Long, được nuôi dưỡng và lớn lên trong sức mạnh của vùng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, trung tâm của đồng bằng Nam Bộ. Trải qua hàng trăm năm khai hoang, mở đất, con người nơi đây đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp: Cần cù, chịu thương, chịu khó, tương thân tương ái, trượng nghĩa, hào hiệp, ý chí vượt lên số phận, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không chịu lùi bước trước khó khăn, thách thức; vừa chống lại sự bất công của xã hội để giành lẽ sống, vừa sẵn sàng xả thân chống ngoại xâm giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc.

Truyền thống yêu nước, cách mạng, những phẩm chất quý báu của quê hương Vĩnh Long đã góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, người cộng sản mẫu mực Phạm Hùng, người con kiên trung của Nam Bộ Thành Đồng - danh hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng. Đồng thời, chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí đã góp phần bồi đắp, tô đẹp thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng liên tục sáu mươi năm, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí Phạm Hùng cũng luôn luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Trong sinh hoạt, Anh Hai - Phạm Hùng luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc với mình. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, nhưng người ta thấy ở đồng chí sự thanh tao, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Không chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân, mà trên cương vị của mình, đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm, giành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các thế hệ cách mạng có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng.

Đồng chí luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí không chỉ quan tâm, giáo dục, giác ngộ mà còn gần gũi học hỏi nhân dân, lo từ cái ăn, ở, học hành của dân, bảo vệ lợi ích và tài sản của dân. Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ: Đồng bào đã ủng hộ kháng chiến nhiều rồi, không nên lợi dụng dân quý mến mà nhận quà cáp của dân. Những năm tháng gian khổ ở Chiến khu miền Đông, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, đồng chí Phạm Hùng luôn gương mẫu tham gia tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, không nhận khẩu phần cơm anh em dành riêng cho mình. Đồng chí nói: Cùng sống chung với nhau, sống chết bên nhau, thì phải đồng cam cộng khổ. Tôi không thể nào nuốt cơm trôi khi các anh em húp cháo loãng.

Yêu thương con người là phẩm chất bao trùm ở đồng chí Phạm Hùng. Tình yêu thương con người của đồng chí Phạm Hùng được gắn quyện với tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước đã tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cộng sản. Đối với đồng chí, đồng đội, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có tài có đức, có lối sống tình nghĩa, cởi mở, rộng lượng bao dung, khoáng đạt, vị tha và tác phong hòa đồng dễ mến.

Đồng chí Phạm Hùng sinh ra trong một gia đình lao động có truyền thống giáo dục nền nếp. Đồng chí nhận được sự giáo dưỡng chu đáo, toàn diện từ gia đình. Sự giáo dưỡng ấy đã kết tinh ở đồng chí Phạm Hùng thành những phẩm chất đạo đức cách mạng. Đồng chí Phạm Hùng trở thành tấm gương sáng về nghị lực và tình yêu thương của người cộng sản. Đồng chí lo, buồn, vui cho đất nước, nhưng vẫn không quên trách nhiệm với gia đình riêng của mình. Đồng chí Phạm Hùng là người con hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương và đất nước, người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, hết lòng thương yêu con cháu. Trong thời gian công tác tại chiến trường miền Nam, mặc dù rất bận nhưng khi có cơ hội đồng chí vẫn dành cho vợ con, bạn bè ở miền Bắc những tình cảm nồng ấm, yêu thương qua những dòng thư ngắn ngủi mà xiết bao mong đợi và hy vọng vào thắng lợi cuối cùng. Trong gia đình, người vợ hiền (đồng chí Mai Khanh) mà đồng chí Phạm Hùng nhất mực yêu thương cũng học tập ở đồng chí và trở thành mẫu mực cho con cái tự hào và noi theo.

Đồng chí Phạm Hùng là một cán bộ cao cấp chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, tài đức vẹn toàn, có phong cách sống và làm việc thể hiện rõ phong cách của một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời hy sinh phấn đấu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với các dân tộc và bạn bè trên thế giới.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức kỷ niệm trọng thể Ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng là một hình thức sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước, nhằm tôn vinh và khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí Phạm Hùng đối với Đảng, đối với dân tộc ta; là hành động có ý nghĩa thiết thực, nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Nhân dịp này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương tổ chức học tập tấm gương đồng chí Phạm Hùng - một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và của quê hương Vĩnh Long:Thứ nhất, ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của cách mạng.Thứ hai, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, gắn bó máu thịt với nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, có trách nhiệm với tinh thần “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”.Thứ ba, yêu thương con người: Đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân mình thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thủy chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu vợ, con và những người thân trong gia đình.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là dịp để chúng ta khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các đồng chí cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...” toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế; xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo “Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 – 11/6/2012) do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chánh quốc gia HCM biên soạn”.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng
với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”

Thượng tướng, GS.TS Trần Đại Quang (thứ 3 từ trái sang), Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Diễn (thứ 4 từ trái sang), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - người từng công tác cùng đồng chí Phạm Hùng và đại diện các bộ, ban, viện của Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trao đổi bên lề hội thảo.

(CT)-Ngày 4-6-2012, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Long và Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”. Đến dự có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và trên 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, viện của Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (11/6/1912-11/6/2012).

10 tham luận của các đồng chí từng công tác chung và nghiên cứu về cuộc đời đồng chí Phạm Hùng được báo cáo tại hội thảo đã làm nổi bật chân dung một người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước ta. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã đến mọi miền, có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ của Tổ quốc. Dù hoàn cảnh nào, đồng chí cũng tỏ rõ phẩm chất một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực,... Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với quê hương Vĩnh Long, từ khi mới tham gia cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã đem hết nhiệt huyết vận động, tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, học sinh quê nhà đi theo cách mạng. Những năm tháng hoạt động cách mạng ở miền Nam và khi đất nước thống nhất, đồng chí đều dành nhiều thời gian về làm việc với Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, gặp gỡ đồng chí, đồng bào,... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long luôn tự hào về đồng chí Phạm Hùng và luôn dành cho đồng chí những tình cảm thắm thiết.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: “Tưởng nhớ đồng chí Phạm Hùng, chúng ta nguyện học tập ý chí kiên cường, tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh trọn đời vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc nhân dân, học tập nhân cách đạo đức sáng ngời của một người cộng sản mẫu mực, kiên cường; quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Tấm gương của đồng chí Phạm Hùng sẽ mãi ngời sáng trong trái tim cán bộ, đảng viên và thế hệ người Việt Nam”.

Tin, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết