Một năm có mấy ngày Tết, vợ hay chồng đều muốn sum vầy bên gia đình “ruột” của mình là chuyện bình thường. Nhưng chính mong muốn bình thường đó lại nhiều khi trở thành mấu chốt bất hòa khi vợ, chồng không thống nhất được chuyện ăn Tết bên nội hay bên ngoại.

Vợ chồng chị Liễu (thứ 3, 4 từ trái sang) sum họp cùng cha mẹ và các em chồng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018.
Khó xử đôi bên
Chị Trần Bảo Ng. ở quận Ninh Kiều than thở với các bạn, lấy chồng mấy năm nay không có cái Tết nào được về nhà ngoại. Chỉ năm nay chị sinh con ngay Tết, mới được sắp xếp cho về “nằm ổ” đón Tết bên cha mẹ ruột. Chị khấp khởi mong chờ ngày con chào đời, được đón Tết bên nhà ngoại ở Vĩnh Long, vì bao năm qua cha mẹ già thui thủi ăn Tết một mình. Mà để được chồng đồng ý cho về bên ngoại cũng không phải chuyện dễ. Chị Ng. kể: “Hồi sanh đứa đầu, ông xã tôi cũng không cho về bên ngoại “nằm ổ” vì lý do: nhớ con, chịu không được. Thôi thì cũng được đi, vì mới có con đầu lòng. Nhưng mấy năm sau đó, ảnh cũng vẽ lý do không chịu về ngoại ăn Tết, mà toàn về nội ở cách Cần Thơ hơn 100km. Năm nay sanh bé thứ hai, từ 2 tháng trước tôi đã xin phép cha mẹ chồng rồi làm công tác “vận động hành lang”, nhờ anh, chị, em nói với ảnh tiếp, ảnh mới bấm bụng cho mẹ con tôi về ngoại. Mà ảnh còn trả giá, chỉ ở bên ngoại 20 ngày là về nhà”.
Được chồng hết mực thương yêu, chiều chuộng nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (ở quận Bình Thủy) cũng phải chịu nỗi buồn vì Tết không được về ngoại nhiều năm do phải theo nếp nhà của ba mẹ chồng. Chị Linh buồn thiu kể: “Ông xã tôi là con một, mùng 2 Tết, nhà chồng có giỗ nên tôi cứ mặc định phải ở bên chồng lo cho chu đáo; muốn về nhà cha mẹ ruột, phải đợi sau Tết. Gần chục năm nay như thế, tôi đều vắng mặt trong những lần có đông đủ anh chị em họp mặt mừng tuổi cha mẹ. Biết tôi buồn nên năm trước ông xã chủ động chở tôi về ngoại từ 28 Tết, kêu tôi cứ thoải mái ở chơi qua Tết hẵng về. Anh ấy nói mọi chuyện trong nhà cứ để anh ấy sắp xếp, xin phép ba mẹ chu toàn. Nhưng sau đó, ba mẹ chồng không vui. Mẹ chồng nhắc tôi, muốn về ngoại thì sau giỗ, mùng 3 mới được đi. Chớ con dâu duy nhất trong nhà mà cũng không ở nhà lo đám, đón tiếp bà con họ hàng là không được. Vì vậy, Tết năm nay, tôi biết chắc là sẽ giữ nguyên nếp cũ, vẫn ưu tiên nhà nội”.
Chồng muốn ở bên nội, vợ muốn ở bên ngoại, vì vậy mà xảy ra mâu thuẫn không phải chuyện hiếm. Không gặp khó như chị Bảo Ng. hay Ngọc Linh, nhưng nhiều chị em vẫn mâu thuẫn với chồng vì cứ khăng khăng năm nào cũng về nhà ngoại để được “thoải mái”. Thậm chí, nhiều chị em chưa cưới còn bàn nhau, chuyện ăn Tết phải thỏa thuận với bạn trai trước, có giấy trắng mực đen, ký tên đàng hoàng để sau này theo đó thực hiện.
Vì niềm vui chung
Tết không chỉ là dịp để vui vẻ, sum vầy bên người thân mà còn là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm nỗ lực làm việc. Vì thế, không gì bằng khi vợ chồng đều hướng đến niềm vui chung và được cha mẹ đôi bên ủng hộ.
Năm nay, chị Bích Liễu (ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) thay đổi kế hoạch ăn Tết. Thay vì ưu tiên về nhà chồng ở Trà Vinh từ 28 đến mùng 2 Tết như hằng năm, chị bàn với chồng, Tết này ở lại Cần Thơ ăn Tết với nhà ngoại, đặng còn sửa soạn cúng giao thừa ở nhà riêng. Mùng 2 Tết, mới về bên nội. Sau khi thống nhất ý kiến, vợ chồng chị gọi điện xin phép và được cha mẹ 2 bên đồng tình, ủng hộ. Chị Liễu nói: “Vì nhà tôi cùng ở Cần Thơ với nhà ngoại, gần gũi thường xuyên nên Tết, tôi thường ưu tiên về nhà nội, dù bên nội ở vùng quê khá xa, thiếu điều kiện vui chơi giải trí và điều kiện sinh hoạt chưa thuận lợi như ở thành phố. Năm nay có nhà riêng, vợ chồng mới thống nhất đón Tết ở Cần Thơ để vừa có thời gian chở con đi chơi Tết, thư giãn sau mấy ngày buôn bán mệt mỏi, vừa được ăn Tết với cha mẹ và họp mặt đông đủ anh chị em”.
“Ăn Tết bên nội hay bên ngoại, điều quan trọng nhất vẫn là vợ chồng phải có sự đồng lòng, quan tâm và chia sẻ yêu thương một cách hài hòa” - chị Nguyễn Kim Ngân, ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều nhận định. Vợ chồng chị Ngân cùng sống và làm việc ở Cần Thơ. Mỗi dịp Tết, vợ chồng chị Ngân đều tranh thủ về quê chị ở Cà Mau trước. Đến 30 Tết thì khăn gói sang Vĩnh Long đón Tết với bên nội. Lịch đón Tết hằng năm đều được vợ chồng chị lên kế hoạch và thống nhất từ trước, trên cơ sở tôn trọng, thông cảm với nhau và có xin ý kiến cha mẹ 2 bên rõ ràng nên chưa khi nào vợ chồng chị xảy ra mâu thuẫn về việc này. Chị Ngân cho biết: “Không chỉ Tết, trong năm có dịp nghỉ lễ, vợ chồng tôi sắp xếp, về chơi với cha mẹ 2 bên cho hài hòa, kết hợp vui chơi, thư giãn. Vợ chồng tôi luôn mong những ngày nghỉ đều là những ngày vui và ý nghĩa. Có như vậy, lễ, Tết mới trọn vẹn và góp thêm hạnh phúc cho gia đình”.
Đón tết bên nội hay bên ngoại? Nếu biết các cặp đôi mâu thuẫn chỉ vì việc lựa chọn điểm ăn Tết, có lẽ các bậc phụ huynh cũng không vui. Vì thế, không quá quan trọng việc bên này hay bên kia, các cặp đôi cùng nghĩ cho nhau, lựa chọn kế hoạch vui Tết thật hợp lý, để mỗi ngày Tết đều là ngày vui, thoải mái, mở đầu cho năm mới hạnh phúc, an khang, tài lộc dồi dào.
Bài; ảnh: Mỹ Tú