08/11/2014 - 16:14

Dồn sức giải ngân vốn xây dựng cơ bản

Thời gian qua, các sở, ngành thành phố và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác xây dựng cơ bản (XDCB). Tuy nhiên, qua 10 tháng năm 2014, tốc độ giải ngân vốn của nhiều công trình XDCB vẫn còn thấp, đòi hỏi các chủ đầu tư phải nỗ lực rất nhiều trong 2 tháng cuối năm 2014. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm và triển khai công tác trọng tâm tháng 11.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đến ngày 23-10, giải ngân vốn ngân sách nhà nước địa phương quản lý theo kế hoạch mới đạt 2.638,2 tỉ đồng, đạt 61,1% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân 593,8 tỉ đồng, đạt 70,3% kế hoạch; vốn xổ số kiến thiết giải ngân 393,5 tỉ đồng, đạt 57% kế hoạch; vốn ODA giải ngân 140,3 tỉ đồng, đạt 78,4% kế hoạch; vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu giải ngân 224 tỉ đồng, đạt 95,5% kế hoạch; trái phiếu chính phủ giải ngân 644,3 tỉ đồng, đạt 76,3% kế hoạch…Dù tốc độ giải ngân vốn XDCB chung đã đạt trên 61%, nhưng qua 10 tháng năm 2014 vẫn cón có 56 công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB dưới 60%. Trong đó, có một số công trình, dự án mới giải ngân vốn từ 12,5- 37,5%, thậm chí thấp hơn. Từ thực tế đó, việc rà soát và có các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư là rất quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân đến cuối năm 2014 đạt theo kế hoạch. Đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, dù các sở ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, song giải ngân vốn XDCB trong 10 tháng đầu năm vẫn còn đạt thấp so kế hoạch, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, các sở ngành, địa phương và đơn vị là chủ đầu tư các dự án XDCB phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình. Thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư các dự án sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nếu đến cuối năm không thực hiện giải ngân vốn XDCB đạt từ 90% trở lên. Trong đó, cần phải chú ý giải ngân thật tốt các nguồn vốn ngoài ngân sách của địa phương (như các nguồn vốn Trung ương phân bổ, vốn vay…). Để đảm bảo chất lượng các công trình XDCB, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng lưu ý các chủ đầu tư cần thực hiện tốt hơn việc thuê tư vấn thiết kế, phân chia các gói thầu, chọn nhà thầu thi công và tăng cường công tác quản lý, giám sát.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến tình hình thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn và thường xuyên có các đợt kiểm tra thực tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trước yêu cầu về việc phải tăng cường giải ngân vốn XDCB trong 2 tháng cuối năm, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố đã bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực dồn sức để thực hiện. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, quận đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng XDCB, quyết tâm phấn đấu đến cuối năm sẽ cơ bản giải ngân vốn đạt từ 95% kế hoạch trở lên. Bên cạnh đó, quận cũng tập trung hỗ trợ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm mà thành phố và Trung ương đang triển khai thực hiện trên địa bàn quận, nhất là việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 91. Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, năm nay Sở Xây dựng TP Cần Thơ được thành phố phân bổ 13 tỉ đồng vốn XDCB để đầu tư trang thiết bị. Thời gian qua, nguồn vốn này chưa giải ngân được là do còn trong quá trình thực hiện các hồ sơ thủ tục, trong 2 tháng còn lại sẽ quyết tâm giải ngân dứt điểm số vốn này.

Đối với các dự án nâng cấp đô thị, việc tăng cường giải ngân vốn không chỉ góp phần giúp thành phố hoàn thành tốt kế hoạch giải ngân vốn XDCB chung mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tranh thủ thêm các dự án mới để phát triển đô thị tại thành phố. Hiện nay, TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện 2 dự án nâng cấp đô thị sử dụng nguồn đối ứng và vốn IDA của Ngân hàng thế giới (vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới) để thực hiện. Trong đó, Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ (dự án 1), với nguồn vốn ưu đãi IDA là 38,5 triệu USD, dự án tiến hành thực hiện nâng cấp 245 hẻm với tổng chiều dài 40.883m, giúp 450.000 hộ dân hưởng lợi, đấu nối cải tạo nguồn nước cho 42.714 hộ dân, đấu nối và cải tạo hệ thống thoát nước cho 9.863 hộ dân. Đến nay, dự án đang khẩn trương hoàn tất một số công trình của giai đoạn cuối để kịp thời gian kết thúc dự án vào cuối năm nay. Trong khi đó, TP Cần Thơ và 5 tỉnh ĐBSCL gồm Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh đang tiếp tục thực hiện Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL, với số vốn IDA là 292 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2012-2017. Trong đó, Dự án NCĐT vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ (dự án 2) được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 69,95 triệu USD vốn IDA để đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng cấp 3 trong 31 khu thu nhập thấp (LIA), nâng cấp hạ tầng cấp 1 và cấp 2 gồm: nạo vét, chống sạt lở các kênh, hồ như: Bún Xáng, Rạch Ngỗng, Rạch Sao; làm đường giao thông; hỗ trợ thiết bị quản lý nước thải và vệ sinh môi trường. Dự án này khi hoàn thành sẽ mang lại cho 45.000 người hưởng lợi trực tiếp và gần 500.000 người hưởng lợi gián tiếp. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đang tiếp tục đề nghị Ngân hàng thế giới tiếp tục hỗ trợ vốn IDA để thành phố thực hiện tiếp dự án 3 về nâng cấp đô thị, với nguồn vốn IDA ở mức 250 triệu USD. Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý dự án NCĐT vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ cho biết, việc giải ngân vốn của dự án 2 theo tiến độ chung là không chậm, nhưng vì TP Cần Thơ xin thêm dự án 3 nên đòi hỏi phải tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tốt hơn nữa để Ngân hàng thế giới an tâm giao thêm dự án mới. Tới đây, các quận, huyện có tham gia dự án 2, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, cần lưu ý làm đồng bộ các hồ sơ thủ tục thanh quyết toán để giải ngân vốn kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, dự án 2 còn kéo dài trong 3 năm nữa, nhưng áp lực giải ngân vốn cho dự án là rất lớn, mỗi năm cần phải giải ngân khoảng 400 tỉ đồng, tính ra mỗi ngày cần phải giải ngân trên 1 tỉ đồng. Do vậy, cần sự nỗ lực rất cao, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương và đơn vị có liên quan.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết