Chương trình Hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam (VPSSP) do Ủy ban châu Âu tài trợ, chính thức triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ từ tháng 5-2005. Trong hơn 3 năm qua, VPSSP tại TP Cần Thơ đã hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện thành công một số công việc, như đơn giản hóa thủ tục khởi sự doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu... Hiện nay, VPSSP đang đi đến giai đoạn kết thúc (tháng 10-2008), nhưng vẫn còn một mục tiêu quan trọng, cần nhất cho doanh nghiệp Cần Thơ là “đơn giản hóa thủ tục đất đai”, nhưng VPSSP chưa thực hiện được
Vì sao?
Liên thông “khởi sự doanh nghiệp”... đã “thông”!
Bộ phận “một cửa liên thông” giải quyết thủ tục “khởi sự doanh nghiệp” của TP Cần Thơ được đặt tại Phòng Đăng ký kinh doanh (trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), chính thức hoạt động từ 3-1-2007. Theo cam kết của quy chế, trong thời gian 10 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ được trả kết quả cùng lúc 3 thủ tục: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, con dấu (rút ngắn 2/3 thời gian so với trước khi chưa thực hiện liên thông). Theo báo cáo của Bộ phận “một cửa liên thông”, trong 7 tháng qua, đã tiếp nhận, giải quyết hơn 700 hồ sơ của doanh nghiệp (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2007), cán bộ không tăng nhưng 100% hồ sơ đều được giải quyết đúng hẹn. Hầu hết nhà đầu tư khi đến giải quyết hồ sơ thủ tục ở bộ phận “một cửa liên thông” đều thấy hài lòng. Ông Dương Tuấn Bình, giám đốc một công ty TNHH ở TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ mở chi nhánh, đã bày tỏ: Tôi hài lòng về cung cách giải quyết hồ sơ của bộ phận “một cửa liên thông”, vì sự nhiệt tình, nhanh chóng, đúng hẹn. Với doanh nghiệp tôi, đây sẽ là bước khởi đầu tốt cho hoạt động kinh doanh tại Cần Thơ.
 |
Cán bộ bộ phận “một cửa liên thông” hướng dẫn doanh nghiệp lập thủ tục cấp mã số thuế. |
Để đánh giá chính xác “mức độ hài lòng” của doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ phận “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục khởi sự doanh nghiệp, VPSSP tại TP Cần Thơ đã tổ chức cuộc điều tra, khảo sát khoa học về chỉ số hài lòng. Kết quả, có hơn 99% doanh nghiệp được khảo sát hài lòng về hoạt động của bộ phận này. Trong điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Cần Thơ do Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam thực hiện và đánh giá thì thủ tục “khởi sự doanh nghiệp” là chỉ số tăng cao nhất trong 12 chỉ số PCI của toàn thành phố.
Đạt được kết quả này, các cơ quan chức năng cùng VPSSP tại Cần Thơ đã phải trải qua hơn 1 năm tìm tòi, thử nghiệm và hiện đã có thể... thở phào nhẹ nhõm. Vì mô hình “một cửa liên thông” này mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đánh giá là “điển hình tốt, có tính đột phá trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC) tại địa phương và trong toàn quốc”. Ông Trần Thanh Phương, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, cho biết: So với các mô hình liên thông đăng ký kinh doanh mà Chính phủ chỉ đạo, TP Cần Thơ đã xây dựng mô hình có điểm khác hơn. Đó là thực hiện “liên thông trực tiếp”, 3 cơ quan cùng ngồi tại bộ phận một cửa để tiếp, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Về việc này, UBND thành phố đã phải xin ý kiến của Chính phủ cho TP Cần Thơ tiếp tục mô hình này (không theo các mô hình liên thông gián tiếp mà Chính phủ đề ra) và đã được Chính phủ chấp thuận. Bước đột phá này, có sự đóng góp, hỗ trợ lớn từ phía VPSSP tại Cần Thơ. Có nền tảng rồi, hiện nay, các ngành liên quan đang bàn tính sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian từ 10 ngày xuống còn 5 ngày đối với cả 3 thủ tục khởi sự doanh nghiệp - ông Trần Thanh Phương nói.
“Một cửa đất đai” Đề án còn lơ lửng!
Trước khi hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện đơn giản thủ tục khởi sự doanh nghiệp, VPSSP tại Cần Thơ đã thực hiện việc hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện đề án “Đơn giản hóa thủ tục đất đai cho doanh nghiệp”. Đề án đã được nghiên cứu rất công phu, với nhiều sở, ngành và doanh nghiệp cùng vào cuộc. Nhiều cuộc hội thảo giữa các chuyên gia VPSSP, chuyên viên các sở, ngành, doanh nghiệp và lãnh đạo UBND thành phố đã được tổ chức. Kết quả, thành phố thống nhất xử lý quy trình thủ tục đất đai cho doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa liên thông”.
Theo cơ chế này, khi doanh nghiệp có nhu cầu về đất đai chỉ cần đến một cơ quan đầu mối đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Các thủ tục có liên quan đến việc giải quyết đất đai, sẽ do cơ quan đầu mối này phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thay cho doanh nghiệp. Đây là cách làm được lãnh đạo thành phố, các sở, ngành và cả doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, vì sẽ khắc phục được tình trạng nhiêu khê, phiền toái nhiều “cửa”, nhiều “dấu” trong thủ tục đất đai hiện nay. Thời gian giao đất, cho thuê đất “sạch”, chuyển mục đích sử dụng đất không quá 22 ngày; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp không quá 41 ngày. Các thông tin về quy hoạch, hồ sơ biểu mẫu, phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục đất đai sẽ được công khai, minh bạch để doanh nghiệp tìm hiểu, thực hiện...
Các chuyên gia của VPSSP tại Cần Thơ cho biết: Theo kế hoạch ban đầu mà VPSSP tại Cần Thơ và TP Cần Thơ cam kết thì tháng 6-2007 đề án phải đưa vào thực hiện thử. Trong quá trình thực hiện, sẽ nghiên cứu rút kinh nghiệm, đồng thời cập nhật những bổ sung, thay đổi của pháp luật về đất đai để hoàn thiện đề án, triển khai chính thức vào cuối năm 2007. Thế nhưng, đến nay Đề án này vẫn nằm... trên giấy, vì còn phải chờ thông qua các sở, ngành, trước khi trình UBND thành phố phê duyệt thực hiện. “Việc Đề án đơn giản hóa thủ tục đất đai cho doanh nghiệp chậm được thực hiện không phải do lỗi của VPSSP tại Cần Thơ. Chúng tôi đã trình Đề án đến cơ quan có thẩm quyền của TP Cần Thơ xem xét, phê duyệt nhưng nhiều tháng qua không thấy trả lời. Hiện nay, thời gian thực hiện hỗ trợ của VPSSP tại Cần Thơ đang đi đến giai đoạn kết thúc, chúng tôi mong UBND thành phố trả lời cụ thể về vấn đề này, vì đây là đề án chúng tôi rất quan tâm, tốn nhiều công sức”- ông Huỳnh Ngọc Minh, cán bộ cao cấp VPSSP tại Cần Thơ, nói.
Hiện nay, khi giải quyết thủ tục đất đai, doanh nghiệp vẫn phải qua nhiều “cửa”, kéo dài thời gian chờ đợi, tăng chi phí, cụ thể: Để hoàn tất thủ tục đất đai, doanh nghiệp phải qua các sở: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính để giới thiệu địa điểm đất đai, xác định quy hoạch, thực hiện các thủ tục giao đất, thu hồi đất... Thời gian hoàn tất thủ tục đất đai đối với mỗi dự án bình quân doanh nghiệp phải mất từ 10 đến 30 tháng, với hơn 10 lần đi lại.
***
Sự chậm trễ trong “trả kết quả” việc phê duyệt đề án “Đơn giản hóa thủ tục đất đai cho doanh nghiệp” đã gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của VPSSP tại Cần Thơ, đến công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Thiết nghĩ, UBND thành phố cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt, đưa đề án này vào thực hiện, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm được hưởng những tiện ích thực sự từ chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, để thu hút đầu tư mà thành phố đã đề ra...
Bài, ảnh: NGUYỄN THANH