05/10/2008 - 08:12

Ông Lê Minh Tùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang:

Đổi mới phương pháp đi đôi với đổi mới nội dung để nâng cao chất lượng đào tạo

Gần 10 năm qua, Trường Đại học An Giang đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, kỹ sư, góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở ĐBSCL. Xác định chất lượng đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển, Trường Đại học An Giang xem việc nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp đột phá và ưu tiên hàng đầu của trường. Ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, mở đầu câu chuyện về đổi mới giáo dục:

- Mặc dù giáo dục đại học nước ta đã đạt được một số thành tựu nhất định về cải tiến chất lượng, qui mô đào tạo nhưng về cơ bản thì vẫn chưa theo kịp sự thay đổi của tư duy kinh tế và đời sống xã hội. Giáo dục đại học ở nước ta vẫn còn mang nét đặc trưng của một nền giáo dục truyền thống nửa đầu thế kỷ 20. Đó là lối truyền thụ kiến thức khá lạc hậu theo kiểu nhồi nhét kiến thức, quá chú trọng đến bằng cấp, chưa phát huy được tư duy sáng tạo của người học; còn nặng lề thói hư học hơn là thực học, đôi khi còn được gọi là thói hư học thời... kỹ thuật số.

* Như vậy, Trường Đại học An Giang chọn cách làm như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, thưa ông?

- Nâng cao chất lượng đào tạo chính là nâng cao chất lượng của sinh viên để khi ra trường, sinh viên có đủ kiến thức lý thuyết, đủ năng lực thực hành, có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy và học được xem là giải pháp trọng tâm và mang tính đột phá mà các khoa, bộ môn của Trường Đại học An Giang phải tổ chức thực hiện. Phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng dạy học thụ động theo kiểu “đọc- chép”. Thực hiện đổi mới theo hướng “lấy người học làm trung tâm” với phương châm “dạy cách học, phát huy tính chủ động của người học”. Trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như dự giờ, thao giảng, hội thảo, báo cáo chuyên đề, trao đổi các phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa nhận thức của người học.

* Thưa ông, những việc làm này sẽ được bắt đầu từ đâu?

- Phải bắt đầu từ việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với việc tăng cường đầu tư các thiết bị tin học, nhà trường sẽ từng bước thực hiện bài giảng điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho học tập từng môn, ứng dụng các phần mềm mô phỏng thí nghiệm, xây dựng thư viện bài giảng điện tử, hướng tới triển khai công nghệ học điện tử (e-Learning). Trường sẽ tăng cường giao lưu trao đổi bài soạn qua mạng; phát huy tính tích cực tự học, tự tìm tòi thông tin qua mạng Internet của sinh viên. Trường sẽ chuyển sang khai thác, sử dụng và dạy học bằng phần mềm mã nguồn mở. Đồng thời, xây dựng chương trình giảng dạy công nghệ thông tin theo các mô- đun kiến thức để đáp ứng nhu cầu học tập một cách mềm dẻo.

* Thưa ông, việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ đi đôi với đổi mới về nội dung giảng dạy?

- Không thể có sự đổi mới phương pháp trên nền tảng một nội dung lạc hậu. Một phương pháp sư phạm tốt nhưng nếu chất lượng nội dung tri thức truyền đạt cho người học quá thấp kém thì hoàn toàn không mang lại hiệu quả về chất lượng. Việc ứng dụng các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại cũng chỉ là một trong các giải pháp cơ bản thúc đẩy đổi mới công tác giảng dạy, đào tạo, chứ không phải là giải pháp nền tảng. Vì vậy, Trường Đại học An Giang chủ trương đổi mới về phương pháp giảng dạy phải gắn liền với đổi mới về nội dung giảng dạy nhằm phát huy sức sáng tạo của sinh viên. Hiện nay, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều nhấn mạnh phát triển sức sáng tạo như là mục tiêu của mọi sự đổi mới về nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học.

Ông Lê Minh Tùng (giữa) phát học bổng cho sinh viên tại lễ khai giảng năm học 2008-2009. Ảnh: H. KIM 

Giải pháp quan trọng của Trường Đại học An Giang là không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ khoa học của giảng viên; phải đổi mới về nội dung giảng dạy, cấu trúc lại các hình thức và tổ chức giảng dạy. Các khoa, bộ môn tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh các chương trình đào tạo của các ngành, chuyển sang đào tạo theo tín chỉ từ niên học 2009-2010. Trường tiếp tục biên soạn giáo trình các môn học trên cơ sở tham khảo và lựa chọn giáo trình tiên tiến hiện đại của các trường đại học trong và ngoài nước phù hợp với mục tiêu giáo dục, phù hợp với chương trình khung và nhiệm vụ đào tạo của trường. Trường cũng khuyến khích giảng viên xây dựng giáo trình điện tử và đưa vào thư viện của trường cho sinh viên tham khảo.

* Với những thay đổi trên, ông kỳ vọng gì vào sinh viên Đại học An Giang?

- Tôi tin là ở đâu cũng vậy, tuổi sinh viên là lứa tuổi mà năng lực trí tuệ và tư duy đang phát triển. Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã xác định bốn trụ cột của giáo dục đào tạo là: học để biết (learning to know); học để làm (learning to do); học để làm người, để tồn tại (learning to be) và học để chung sống, hòa nhập (learning to live together). Nhân lực trong thời đại mới hiện nay, theo tôi, phải là nhân lực có tư duy, có tinh thần lập nghiệp và có kỹ năng tạo nghiệp. Do vậy, người được đào tạo đại học ở Đại học An Giang cũng phải rèn luyện để có đủ bốn năng lực căn bản là sáng tạo, thích nghi, làm việc tập thể và tự học, tự đánh giá để phát triển.

Trong thời gian theo học ở Đại học An Giang, nhà trường giúp các em trang bị một số kiến thức cơ bản và phương pháp học để phục vụ cho việc phát triển bốn năng lực này. Tôi tin là với sinh viên Đại học An Giang, mỗi buổi học trên lớp của các em sẽ trở thành một dạng nhận thức tích cực, tự giác, có tính phát hiện và tưởng tượng đầy hứng thú.

* Như vậy, thầy và trò ở Trường Đại học An Giang sẽ có mối quan hệ khá mới mẻ?

- Tôi tin là sẽ phải có sự đối thoại đa chiều giữa thầy và trò, giữa các sinh viên với nhau, giữa nhận thức cũ và mới, giữa điều đã biết và chưa biết, giữa sự khẳng định và hoài nghi. Tất nhiên muốn được như vậy, mọi người phải biết tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn trước.

* Xin cảm ơn ông!

HUỲNH KIM (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết