Khơi thông thị trường, kết nối tiêu thụ hàng hóa là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2020, nhằm bù đắp lại những khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thay đổi cách tiếp cận khách hàng, nỗ lực cải tiến chất lượng, đa dạng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối… là hàng loạt giải pháp thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp tại TP Cần Thơ.
Chế biến trà mãng cầu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên. Ảnh: K.N
Khai thác, giữ vững thị trường
Khôi phục lại trạng thái bình thường cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là mong muốn của các doanh nghiệp sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên (huyện Cờ Ðỏ), chia sẻ: Ngay trong mùa dịch, công ty tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà mãng cầu qua kênh online. Dịch bệnh qua đi, công ty bắt tay ngay vào kết nối lại thị trường, tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm tại TP Cần Thơ, khu vực TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhờ đó, công ty đã phát triển thêm một số nhà phân phối mới tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Ðến nay, sản phẩm của công ty được phân phối trên 50 đại lý thuộc các tỉnh, thành trên cả nước như nhà thuốc tây, siêu thị, khách sạn… với sản lượng bình quân 4 tấn trà thành phẩm/tháng.
Ða dạng kênh phân phối sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, đồng thời phát triển kênh bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng là hàng loạt giải pháp được Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa (Phạm Nghĩa Food) triển khai nhằm tiếp cận thị trường, gia tăng doanh số bán hàng. Nhờ vậy, Phạm Nghĩa Food dần chinh phục khách hàng không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi sự đa dạng của sản phẩm và sự thuận tiện khi chế biến món ăn. Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, chia sẻ: Việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới được công ty đặc biệt quan tâm nhằm đa dạng sản phẩm cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Với hơn 20 sản phẩm được chế biến từ chả cá thát lát, đa dạng từ chả cá thát lát rút xương cho đến viên lẩu, chả viên thát lát, xúc xích cá thát lát cùng nhiều sản phẩm khác… Bên cạnh sản phẩm chả viên truyền thống, gần đầy, công ty còn phát triển thêm dòng sản phẩm chả viên nhân phô mai, chả viên thát lát bạch tuột, chả ốc nhân trứng muối… giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.
Có thể nói, việc phát triển thị trường nội địa cả về quy mô lẫn chất lượng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi. Muốn phát triển nhanh và bảo vệ hiệu quả thị trường nội địa đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự liên kết chặt chẽ nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Do đó, rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, phân phối tiêu dùng. Dù vẫn còn nhiều thách thức, song nếu có cách làm hiệu quả, đa dạng sản phẩm, tập trung vào chất lượng, đa dạng phương thức tiếp cận thị trường, sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước khai thác và giữ vững thị trường nội địa.
Chinh phục bằng chất lượng
Các hoạt động kết nối, xúc tiến thị trường nội địa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương và huy động được sự hưởng ứng tích cực từ phía doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Kim Nhiên, đầu tháng 10, công ty sẽ tham gia chương trình giao lưu “Doanh nhân, doanh nghiệp chung tay phát triển thị trường nội địa Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ðây là cơ hội để công ty giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác phân phối sản phẩm, phát triển thị trường nội địa. Theo bà Nhiên, để sản phẩm được thị trường đón nhận, doanh nghiệp luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Vì thế, công ty thực hành nông nghiệp tốt với vùng nguyên liệu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tập trung sản xuất theo quy trình khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, Phạm Nghĩa Food sẽ tiếp tục khai thác kênh bán hàng online song song với các kênh bán hàng truyền thống. Bởi thị trường nội địa là thị trường đầy tiềm năng, đa dạng kênh bán hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Thời điểm dịch bệnh, công ty đã tạm ngưng hoạt động cửa hàng đối chứng sản phẩm để chuẩn bị di dời về địa điểm mới. Hiện nay, công tác thiết kế, thi công xây dựng đang được triển khai để kịp đi vào hoạt động trở lại vào cuối năm 2020. Công ty cũng sẽ thay đổi menu các món ăn phục vụ tại cửa hàng, bổ sung các sản phẩm mới vào phục vụ tại đây. Ðến thưởng thức các món ăn được chế biến từ chả cá thát lát của Phạm Nghĩa Food tại cửa hàng đối chứng sẽ giúp khách hàng thêm an tâm, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của công ty.
Hiện tại, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là đơn vị tham gia hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo sản phẩm để hướng đến việc thương mại hóa ra thị trường. Ông Trần Hà Ðông Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, chia sẻ: Vườn ươm đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo ở 3 lĩnh vực chính là cơ khí, chế biến nông sản và chế biến thủy sản. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2020, Vườn ươm sẽ tổ chức 4 hội đồng xét chọn 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia ươm tạo và đang viết đề cương gồm: Công ty CP Ðại Thuận (sản phẩm lạp xưởng cá điêu hồng), Công ty TNHH TBK (sản phẩm pate gan cá tra), Công ty TNHH MTV Dược phẩm Ðông Phương (sản phẩm nước ép mãng cầu), Cơ sở dịch vụ nông nghiệp Minh Thành (sản phẩm chế biến lĩnh vực nông sản). Ðồng thời, chuẩn bị thành lập Hội đồng xét tốt nghiệp cho 3 doanh nghiệp đủ điều kiện tốt nghiệp ươm tạo gồm: Công ty TNHH Tragovy (sản phẩm máy làm bánh tráng chả giò rế), Công ty TNHH Tín Ðức (sản phẩm máy bơm bùn kết hợp cắt dị vật), Công ty TNHH Nhật Việt (sản phẩm bột cá).
Theo ông Trần Hà Ðông Quân, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm hiện có là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Kỳ vọng của Vườn ươm là sau khi ươm tạo thành công sản phẩm và tốt nghiệp từ Vườn ươm, doanh nghiệp sẽ có những nền tảng nhất định để tiến tới thương mại hóa sản phẩm, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
MINH HUYỀN