29/10/2009 - 09:31

Đọc “Bài giảng cuối cùng”
Hãy lạc quan vì cuộc sống thật đáng quý !

Bìa sách “Bài giảng cuối cùng”. Ảnh: youbooks.wordpress.com

“Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó” - đó là một câu phản ánh toàn bộ chủ đề tư tưởng của quyển “Bài giảng cuối cùng” - tự truyện của Randy Pausch và Jeffrey Zaslow do Vũ Duy Mẫn dịch, NXB Trẻ ấn hành, tháng 10 - 2009.

Hằng năm, trường Đại học Tổng hợp Carnegie Mellon đều tổ chức chương trình “Bài giảng cuối cùng”. Trường chọn một giáo sư sắp rời bục giảng vì bệnh tật, tuổi già... để giảng bài lần cuối. Năm 2007, Randy Pausch - Giáo sư bộ môn Khoa học máy tính, tương tác người - máy đã được mời giảng. Ông đang mắc bệnh ung thư tụy giai đoạn cuối. Trong bài giảng của mình, Randy không nói về bất hạnh, về những ước mơ còn dang dở mà nhấn mạnh giá trị của sự sống và khuyến khích con người hãy luôn phấn đấu vì những mơ ước.

Căn bệnh ung thư với giáo sư Randy được xem như là “vấn đề kỹ thuật”. Ông hy vọng mình có thể vượt qua bệnh tật bằng thái độ lạc quan. Nhưng khi bác sĩ điều trị cho biết ông chỉ còn một vài tháng để sống thì Randy thực sự lo âu. Ông lo cho gia đình. Jai - vợ ông thực sự quá sức để lo cho ba đứa con nhỏ: Dylan mới năm tuổi, Logan chỉ có hai tuổi, còn Chloe chưa đầy một tuổi. Điều làm Randy trăn trở là khi các con lớn, chúng sẽ biết gì, nghĩ gì về ông. Trong những tháng cuối đời, ông đã cố gắng soạn bài giảng gửi gắm tình cảm, suy nghĩ đến các con sau này. Tại đại học tổng hợp Carnegie Mellon, những “Bài giảng cuối cùng” sẽ được ghi hình và phát hành, vì thế Randy cho rằng đó là cách “để lại một di sản cho các con” (trang 21).

Randy đã kể lại những trải nghiệm của đời ông với những thăng trầm, buồn vui. Từ chuyện ông không được nhận vào làm cho hãng Walt Disney nhưng với thái độ tự tin và tính kiên trì đã giúp Randy trở thành một Imagineer (người sáng tạo ý tưởng và thiết kế trò chơi) nổi tiếng. Trong ngày cưới, Randy và Jai - vợ ông cùng bay trên quả khinh khí cầu và đáp xuống không đúng vị trí đã định hướng nhưng ông cho rằng điều đó càng làm cho lễ cưới thêm thú vị. Hay vợ lái xe gây tai nạn, Randy đã động viên, giải quyết hậu quả giúp vợ. Còn rất nhiều mẩu chuyện nhẹ nhàng về lời cám ơn, lời xin lỗi, sự tha thứ... được Randy thuyết giảng với một phong thái lạc quan, tin tưởng. Trước cái chết Randy vẫn: “Tôi vẫn hoàn toàn tích cực. Tôi vẫn biết cuộc sống là rất đẹp. Tôi vẫn tốt” (trang 92). Đọc những lời tâm sự đầy cảm động khi ông nói với Jai, vợ mình: “Anh vẫn muốn em biết rằng anh cảm thấy rất sung sướng vì được sống, được ở đây ngày hôm nay, với em” (trang 89). Giáo sư Randy luôn thể hiện niềm mơ ước của mình về một thế giới tốt đẹp và khuyến khích mọi người ước mơ. Randy đưa ra thông điệp: “Hãy tự cho phép mình mơ ước” (trang 173). Còn khát khao, ước mơ lớn nhất của giáo sư Randy chính là được tận hưởng niềm vui cuộc sống này lâu hơn.

Quyển tự truyện đã trở thành sách bán chạy nhất trong một thời gian dài của Thời báo New York. Tại Việt Nam có một trang web về bài giảng của Randy tại địa chỉ www.baigiangcuoicung.com. Chính văn phong chân tình giản dị của Randy - một trí thức khiến cho người xem xúc động và đồng cảm. Thái độ lạc quan, luôn nhìn cuộc sống bằng một lăng kính trong suốt, lung linh của Randy đã làm lay động tâm hồn biết bao người.

Đọc “Bài giảng cuối cùng”, người đọc cảm thấy sự sống này thật đáng quý.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết