27/11/2008 - 21:11

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng trong khó khăn

Trong 2 tháng qua, cùng với chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, lãi suất cho vay đã giảm, khó khăn về vốn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã phần nào được tháo gỡ. Song, doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với thách thức mới: Năm 2009 được dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục còn nhiều khó khăn, Việt Nam mở cửa cho thị trường bán lẻ… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu nhìn ở góc độ tích cực đây là điều kiện thúc đẩy các DN liên kết lại để tận dụng cơ hội và có chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

* CÁI KHÓ LÓ CÁI HAY

Năm 2008, dù bị tác động bởi lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng tài chính thế giới... nhiều DN tại Cần Thơ vẫn cố gắng duy trì sản xuất. Mặt khác, số lượng DN thành lập mới cũng tương đối nhiều. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.186 DN các loại hình, vốn đăng ký 3.710 tỉ đồng. Trong 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 13.246 tỉ đồng, bằng 88% so kế hoạch năm và tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm ưu thế với trên 9.490 tỉ đồng, tăng 26% so với năm cùng kỳ. Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Việt Trung cho biết: “Từ đầu năm đến nay, mặc dù DN còn khó khăn, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của các thành phần kinh tế đều tăng. Điều này cho thấy, sự thích ứng nhanh của DN trong lạm phát, cũng như việc chủ động nắm bắt thời cơ kinh doanh”.

Nhiều DN đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phân khúc thị trường khá hiệu quả. Ông Nguyễn Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng (VLXD) Cần Thơ (Motilen Cần Thơ), cho biết: “Khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, Motilen Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ chủ động nguồn nguyên liệu ngay từ đầu năm, nên đảm bảo hoạt động. Mặt khác, công ty đề ra chính sách tiết kiệm nhằm sử dụng nguồn vốn chặt chẽ; áp dụng sản xuất kinh doanh theo kiểu “cuốn chiếu”; chia nhỏ thị trường theo từng ngành hàng, tìm hiểu nhu cầu khách hàng và tăng cường nhân sự chuyên môn cao hoạt động theo nhóm để khai thác tốt hơn”. Hoạt động chính của Motilen Cần Thơ là sản xuất và kinh doanh VLXD, trang trí nội, ngoại thất. Theo ông Quân, năm 2008, doanh thu của đơn vị khó đạt kế hoạch đề ra, nhưng lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước tăng hơn năm 2007. Trong 10 tháng đầu năm 2008, doanh thu của đơn vị khoảng 70 tỉ đồng, đạt khoảng 70% kế hoạch năm (94 tỉ đồng) và lợi nhuận trước thuế 7,4 tỉ đồng. Hiện nay, Motilen Cần Thơ hoạt động kinh doanh với khoảng 250 cửa hàng khắp các tỉnh ĐBSCL.

Xưởng sản xuất tole, xà gồ ở Công ty CP VLXD Motilen Cần Thơ.  

Ông Đặng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX- KD & TM Tân Thuận Thành (KCN Trà Nóc), cho biết: “Trong kinh doanh, chúng tôi xác định để đạt hiệu quả phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín của DN với khách hàng. Vì thế, đơn vị luôn cải tiến chất lượng, đổi mới sản phẩm. Năm 2008, DN vinh dự nằm trong Top 100 thương hiệu uy tín. Đơn vị hiện có 120 nhân viên, doanh thu năm 2008 đạt khoảng 15 tỉ đồng”. Hiện nay, ở ĐBSCL nhu cầu về cọc bê tông cốt thép dự ứng lực rất lớn và chưa nhiều DN tham gia sản xuất trên lĩnh vực này, do vậy công ty đã mở thêm nhà máy tại tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh, thị trường và việc quản trị nguồn nhân lực của các DNVVN còn nhiều hạn chế. Đây là thách thức lớn cho DN khi mở cửa thị trường đầu năm 2009 theo cam kết WTO. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Cần Thơ (CBA), trong lạm phát, những DN sử dụng nguồn vốn của ngân hàng rất khó cầm cự, còn DN tự chủ được vốn sản xuất sẽ không gặp ảnh hưởng nhiều. Trong mấy tháng qua, nhiều DN trên địa bàn đã tự điều chỉnh kế hoạch và chiến lược kinh doanh của đơn vị. Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm, tạo cơ hội cho DN tiếp cận. Tuy nhiên, đòi hỏi DN phải sử dụng đồng vốn này một cách có hiệu quả để kinh doanh đạt lợi nhuận và hoàn vốn vay, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh khi thị trường đang trải qua nhiều xáo trộn, sức mua giảm.

* CƠ HỘI NHIỀU, THÁCH THỨC LỚN

Khủng hoảng tài chính đang lan rộng nhiều nước trên thế giới, sức mua trên thị trường đã giảm rất nhiều, gây khó khăn cho DN xuất khẩu. Cụ thể là mặt hàng gạo và thủy sản. Từ đầu năm đến nay, sản lượng gạo xuất khẩu của TP Cần Thơ khoảng 418.000 tấn (giá trị trên 238 triệu USD), đạt 76% kế hoạch năm và tăng 70% so cùng kỳ năm trước. Còn xuất khẩu thủy sản đạt 158.800 tấn, vượt gần 50% kế hoạch năm và tăng 122% so năm trước... Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiện tại, tiến độ thu mua lúa và xuất khẩu gạo của các DN trên địa bàn chậm, do giá gạo trên thị trường thế giới giảm dưới 500 USD/tấn. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị DN ký hợp đồng xuất khẩu gạo 5% tấm phải từ 500 USD/tấn trở lên, còn các nhà nhập khẩu nước ngoài chờ giá gạo giảm thêm, nên DN khó ký được hợp đồng mới. Với thủy sản, đối tác lấy lý do khó khăn về tài chính nên yêu cầu DN giảm giá, hay chậm giao hàng và mua trả chậm...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không chủ động chiếm lĩnh thị trường nội địa thì DNVVN sẽ vất vả để tồn tại. Hiện nay, DN quy mô lớn và vừa còn có kênh phân phối gắn với khâu sản xuất, còn DN nhỏ hầu như phụ thuộc vào kênh bán lẻ. Trong khi đó, chưa có sự liên kết giữa những DN này với nhau. Theo phản ánh của các DN trên địa bàn thành phố, trong tình hình khó khăn, DN sẽ thận trọng trong sản xuất, kinh doanh và chờ thời cơ. Ông Nguyễn Hồng Quân, Tổng Giám đốc Motilen Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, đầu ra sản phẩm của công ty chậm, do nhu cầu thị trường sụt giảm. Do vậy, nhu cầu vay vốn của DN không nhiều, dù lãi suất ngân hàng đã giảm”.

Sức mua trên thị trường giảm, khó khăn về nguồn vốn vẫn còn đang đặt các DNVVN trước thách thức lớn. Nhưng nếu biết tận dụng cơ hội và có chiến lược kinh doanh phù hợp, DN sẽ chủ động được sản xuất. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký CBA, cho biết: “DN nhỏ vẫn có những ngách thị trường để phát triển. Thời gian vừa qua, DN Cần Thơ đã có ít nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong môi trường cạnh tranh. Không thể nói DN đủ sức hay không đủ sức mà phải nói DN đã chuẩn bị đủ để tham gia cuộc chơi hay không thôi!”. Theo bà Thuận, tại thị trường mới nổi như Việt Nam, việc thâm nhập của nhiều công ty lớn, có thương hiệu và nguồn lực mạnh, kinh nghiệm và quản lý tốt, DNVVN rất khó giữ vững và có đủ sức cạnh tranh. Việc sáp nhập là chuyện tất yếu theo xu thế của thị trường, nhưng cũng không nên xem vấn đề này với cái nhìn bi quan, bởi trong “nguy” có “cơ”. Đối với DN nhỏ đang trong tình trạng không đứng vững, có khả năng phải đóng cửa hay phá sản thì sáp nhập sẽ giải quyết tốt cho DN để giữ được công sức tạo dựng DN (như vấn đề tài sản, lao động, công nghệ...). Thời gian trước và sau 2 năm gia nhập WTO là một cuộc “tập dợt” cho các DN. Nay đến thời kỳ khủng hoảng tiếp theo cũng là một cơ hội để DN trưởng thành.

Ông Đặng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX- KD & TM Tân Thuận Thành (KCN Trà Nóc) nói: “Hội nhập, phải kiểm soát chất lượng hàng hóa của DN, đổi mới công nghệ mới tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, nhưng phải đáp ứng nhu cầu, phù hợp với điều kiện của khách hàng. Công ty đã đăng ký chất lượng hàng hóa và được Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn ASTM C76-03 của Mỹ, tiêu chuẩn ACI 543 R-2000... Mặt khác, đơn vị đang xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nguyên liệu tự động cho sản xuất khoảng 500 triệu đồng để nâng độ chính xác của sản phẩm”.

Ngoài sự chủ động của DN, vai trò của các hiệp hội ngành nghề rất quan trọng trong kết nối và hỗ trợ DN. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký CBA, năm 2009, CBA sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhằm giúp DN nâng cao kỹ năng quản lý; đồng thời, tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức của DN về những vấn đề cần quan tâm như: hoạt động tư vấn về pháp luật và chính sách giúp DN tránh những rủi ro. Ngoài ra, CBA sẽ củng cố các câu lạc bộ (CLB) trực thuộc để các CLB này hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên CLB, hội viên CBA. Song, để DN vững tay chèo trong hội nhập, đòi hỏi nhiều điều kiện khác như tài chính, môi trường pháp lý thông thoáng...

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết