|
Hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo ở Công ty Mekong TP Cần Thơ. |
Thời gian qua, cùng với những khó khăn chung của tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP Cần Thơ gặp không ít thách thức trong sản xuất kinh doanh... Để tháo gỡ các khó khăn này, ngoài sự tự nỗ lực tự thân của chính các DN thì những giải pháp trợ lực kịp thời của các ngành chức năng cũng không kém phần quan trọng.
CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, tình hình nhiều DN chỉ hoạt động từ 50-70% công suất, không đảm bảo thực hiện hợp đồng với khách hàng và không đủ vốn mua nguyên liệu gối đầu để chủ động phục vụ sản xuất... xảy ra khá phổ biến. Một số DN không vay được vốn rất khó khăn để duy trì hoạt động. Hiện nay, chính sách thắt chặt tiền tệ đã được nới lỏng, linh hoạt hơn, nhiều DN có thể dễ tiếp cận được vốn vay hơn trước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo cho ngành ngân hàng ở các địa phương đảm bảo đủ vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Nhưng nhiều DN vẫn còn gặp khó trong việc tiếp cận vốn, nhất là các DN nghiệp vừa và nhỏ, do không có tài sản thế chấp.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Quyết định số 2316/QĐ-NHNN, giảm lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam từ 14%/năm xuống 13%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng tăng lên 10%/năm. Theo đó, các tổ chức tín dụng được phép duy trì trần lãi suất huy động và cho vay không vượt quá 19,5%/năm. Sau khi có quyết định này, hiện lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm xuống so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Với lãi suất hiện hành, vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh khó có hiệu quả nên dù thiếu vốn nhưng các DN cũng rất ngại đi vay. Ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, cho rằng: Với lãi suất tiền vay cao như hiện nay, nếu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh thì việc đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh rất khó khăn. Hiện nay, sức mua nhiều loại hàng hóa yếu hơn năm trước nhưng dự đoán gần Tết Nguyên đán giá một số mặt hàng nhu yếu phẩm (như cá, gà vịt, trứng) vẫn sẽ tăng. Do đó, cần có nguồn hàng dự trữ để đảm bảo giá cả không biến động tăng cao. Nếu lãi suất cho vay cao, DN chưa dám trữ hàng vì vay vốn mua hàng dự trữ lâu sẽ bị lỗ. Do đó, các DN rất cần được hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất thấp hơn...”.
Cùng với khó khăn về vốn, giá thuê đất tại thành phố được điều chỉnh tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các DN. Theo nhiều DN, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung hiện nay trên thế giới và trong nước, các DN cần phải tiết kiệm đối đa các khoản chi phí đầu vào. Nhưng giá thuê đất tại thành phố lại tăng từ 0,5% lên 2% là một khoản chi phí khá lớn mà DN phải cáng đáng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện, cúp điện bất hợp lý đã và đang ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất kinh doanh của nhiều DN. Nhiều trường hợp được báo chí phản ánh như do cúp điện bất thường và không đúng lịch không chỉ gây tổn thất cho DN mà cho cả người lao động. Như trường hợp Công ty Nông súc sản Xuất nhập khẩu Cần Thơ (đơn vị đang quản lý và khai thác du lịch ở Khu du lịch Phù Sa), sau thời gian dài Khu du lịch này đi vào hoạt động, đến nay vẫn chưa có điện. Công ty phải chạy máy phát điện vừa tốn chi phí cao vừa không có điều kiện mở rộng thêm các dịch vụ mới. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị, vì khoản nhiên liệu chạy máy phát điện để duy trì hoạt động là khoản chi phát sinh không nằm trong dự toán nên gây thêm khó khăn cho DN.
Song, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là đầu ra của sản phẩm. Thời gian qua, giá cả thị trường tăng cao dẫn đến mọi chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng cao làm cho sản phẩm giảm tính cạnh tranh, khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay, giá xăng dầu và các chi phí đầu vào đã giảm trở lại nhưng sản phẩm của nhiều DN lại càng khó tiêu thụ hơn trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, nhiều nước đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa làm cho nhiều loại hàng xuất khẩu của nước ta chựng lại. Trong khi đó, hàng nông sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng chiếm tỷ trọng xuất khẩu khá cao cũng bị ảnh hưởng lớn.
CÙNG CHỦ ĐỘNG VƯỢT KHÓ
Nhằm phối hợp giúp các DN tháo gỡ khó khăn, mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng các sở, ngành hữu quan đã có buổi gặp gỡ và làm việc với các DN trên địa bàn. Sau khi nghe các DN trình bày các khó khăn, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, đã chỉ đạo cho các sở, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn cho từng DN theo hướng “tắc ở đâu phải thông ở đó”. Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, trong điều kiện các DN đang cần vốn, nếu giúp các DN giải quyết khó khăn này sẽ rất có ý nghĩa. Các ngân hàng cần xem xét kỹ để có các kiến nghị với Chính phủ và giải pháp nhằm giải quyết khó khăn về vốn cho DN. Sở Công Thương thành phố thường xuyên có sự trao đổi thông tin với các DN (về tình hình phát triển của DN, cũng như các chỉ đạo điều hành của Chính phủ và thành phố) để kịp thời xử lý các khó khăn phát sinh. Ngành thuế xem xét giãn tiến độ thu thuế đối với những DN đặc biệt khó khăn. Riêng giá thuê đất tại thành phố tăng, UBND thành phố sẽ sớm xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. Xung quanh vấn đề các DN phản ánh về việc các thủ tục đất đai và thủ tục làm hồ sơ thực hiện các dự án phát triển, kinh doanh tại thành phố còn chậm, các sở, ngành cần phải xem xét lại quy trình làm thủ tục và sự phối hợp giữa các đơn vị nhằm rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho DN. Ngành điện cần xem lại việc thiếu điện và cúp điện chưa hợp lý, nhằm hạn chế tối đa việc cắt điện đối với DN sản xuất. Để giải quyết tận gốc vấn đề giá đầu ra một số loại nông sản (như cá tra) bấp bênh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm việc với Hiệp hội Thủy sản và các ngành có liên quan để quy hoạch lại việc phát triển nuôi cá tra, tránh tình trạng nuôi tự phát như trong thời gian qua...
Bên cạnh các giải pháp cùng tháo gỡ khó khăn cho DN, lãnh đạo thành phố cũng đã động viên các DN cần chủ động vượt khó, đồng thời cần quan tâm nhiều đến đời sống người lao động và vấn đề ô nhiễm môi trường. Bởi vì, dù có sự hỗ trợ gỡ khó của các ngành chức năng nhưng nếu DN không chủ động kiện toàn lại sản xuất sao cho hiệu quả, thì những khó khăn vẫn chưa được giải quyết. Ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Mekong, cho rằng: “DN trong ngành thủy sản cũng như nhiều ngành khác đang phải đối mặt với không chỉ tình trạng khó khăn chung về vốn mà còn về thị trường tiêu thụ. Hiện tại, 4 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn như châu Âu , châu Mỹ, châu Phi, châu Á đều có dấu hiệu bị “tắc”. Dù có nhu cầu tiêu thụ hàng nhưng sức thanh toán không có hoặc chậm do chính phủ nhiều nước đều muốn tăng cường xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu để đối phó với tình hình khủng hoảng tài chính và không cho chuyển tiền trong nước thành đô-la Mỹ để thanh toán... Khó khăn đang nhiều nhưng không phải quá bi quan, vì đây cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của DN theo hướng sàng lọc những DN yếu kém. Do đó, sức “chịu đựng” của các DN vào lúc này là rất quan trọng. DN muốn tồn tại phải điều chỉnh lại việc sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp, không đầu tư tràn lan, quá mức”. Còn ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN luôn gắn với người dân, nhất là nông dân. Bởi nông dân chiếm số lượng chủ yếu trong các đối tượng tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa. Trong nhiều năm qua cho thấy, cứ năm nào lúa bị mất giá thì năm đó sức mua kém, chợ bán ế ẩm. Do đó, thành phố cần phải sớm xúc tiến việc tiêu thụ lúa cho nông dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Giải quyết khó khăn cho nông dân cũng chính là gỡ khó cho DN”.
Mới đây, nhằm tháo gỡ khó khăn thị trường lúa gạo, Chính phủ đã có một số biện pháp hỗ trợ như: DN được xuất khẩu gạo tự do không phải đăng ký, bỏ giá sàn xuất khẩu cho đến hết tháng 2-2009, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay đối với nông dân và doanh nghiệp thu mua lúa gạo xuất khẩu. Điều chỉnh chính sách tỷ giá đồng Việt Nam/USD linh hoạt, thuận lợi cho xuất khẩu; đồng thời xem xét việc bổ sung thêm các đồng tiền khác trong giao dịch xuất nhập khẩu thay cho USD...
Để việc triển khai hiệu quả các giải pháp trên, tại cuộc họp với DN, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn điều kiện nuôi trồng thủy sản, tránh để người nuôi tự phát bỏ vốn đầu tư, gây mất ổn định trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, ngành chức năng cần trợ giúp cho DN xúc tiến việc tiêu thụ gạo bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG