Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một xu hướng công nghệ đột phá, mang đến tiềm năng to lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu. Ðối với khu vực ÐBSCL, với những đặc thù về kinh tế, xã hội và môi trường, việc ứng dụng AI không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Các chuyên gia chia sẻ về việc ứng dụng AI trong DN.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Trong khuôn khổ “Chương trình Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” với chủ đề “Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu”, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Trường Ðại học Cần Thơ và Tập đoàn Meta vừa đồng tổ chức hội thảo chuyên đề với chủ đề “Tiềm năng trí tuệ nhân tạo trong bài toán kinh tế - xã hội của ÐBSCL”. Theo bà Mila Hoàng, đại diện Ban tổ chức Chương trình Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam, Chương trình mang đến những giá trị thiết thực hướng đến cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nói riêng. Ban tổ chức khuyến khích các DN, giải pháp và sinh viên tại Cần Thơ tham gia Chương trình “Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam” và cam kết mang đến cơ hội quý báu đến cho DN và cá nhân, nhà nghiên cứu và sinh viên, nhằm góp phần tạo giá trị đột phá cho cộng đồng.
Với nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Misa Amis, đại diện cho Giải pháp tiêu biểu trưởng thành từ Chương trình Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, bà Nguyễn Thị Thảo Quyên, Trưởng phòng Kinh doanh khối DN Vừa của MISA chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ: Misa Amis là nền tảng quản trị DN đáp ứng đầy đủ nhu cầu chuyển đổi số của DN. Nền tảng này vừa hợp nhất các nghiệp vụ quản trị cốt lõi của DN vừa chia nhỏ thành nhiều nghiệp vụ giúp DN dễ dàng, linh hoạt lựa chọn theo nhu cầu. MISA cũng đồng hành hỗ trợ DN chuyển đổi số trong quản trị tài chính, kế toán, quản trị nguồn nhân lực… MISA cung cấp các giải pháp ứng dụng AI toàn diện giúp giải quyết các vấn đề cụ thể của DN. Vấn đề là DN cần sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới, xem nó là công cụ và nắm rõ về công cụ này để biết mình cần phải làm gì thì mới khai thác được công nghệ hiệu quả.
Với khả năng tự động hóa, dự đoán, phân tích dữ liệu, AI tác động đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như kinh tế, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, hành chính, nông nghiệp, lâm thủy sản, nhận dạng, giám sát… Ðơn cử như trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI có thể dự đoán sở thích, hành vi của khách hàng để đưa ra các gợi ý sản phẩm, hình ảnh, video phù hợp. Trong nông nghiệp, thủy sản, AI hỗ trợ chăm sóc cây trồng vật nuôi, chẩn đoán bệnh qua hình ảnh, so màu lá lúa tự động, phân loại gạo, dự báo ô nhiễm chất lượng nước, dự báo nhiệt độ, lượng mưa, đảm nhiệm vai trò trợ lý ảo thông minh…
Theo PGS.TS. Nguyễn Thái Nghe, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Trường Ðại học Cần Thơ, với những ảnh hưởng của AI trong cuộc sống ngày nay, việc đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng và cần thiết. Ðể khai thác những tiềm năng từ AI, DN phải thực sự sẵn sàng cho việc ứng dụng AI. Trong đó có nhiều DN có thể chủ động chuẩn bị về nguồn nhân lực, thành lập các phòng lab AI hoặc đầu tư vào các dự án nghiên cứu phát triển AI, thay đổi kế hoạch quản lý, vận hành bộ máy hoạt động… Tuy nhiên, DN cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật và cơ chế quản lý…
Sẵn sàng nhập cuộc
AI ngày càng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để tối ưu độ chính xác của AI, để đội ngũ sẵn sàng ứng dụng AI, phá vỡ được nỗi sợ AI thay thế con người ở nhiều công việc khác nhau… là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của DN. Theo ông Lê Hòa Nhã, đại diện Hiệp hội DN trẻ - YBA Cần Thơ, chia sẻ: Nhiều người nghĩ rằng chỉ các DN lớn mới có thể sử dụng AI, nhưng thực tế các DN nhỏ cũng có thể áp dụng công nghệ này. Trong quá trình ứng dụng AI, cần lưu ý kiểm tra tính chính xác của thông tin do AI cung cấp. Bởi AI không phải là một sản phẩm hoàn hảo và có thể tạo ra thông tin sai lệch, đặc biệt là khi dữ liệu hạn chế.
Theo ông Eric Nguyễn, Chuyên gia Mạng lưới Ðổi mới sáng tạo InnoNet, AVSE Global, Giám đốc chiến lược, IECS, sinh viên hãy xem AI là công cụ và học cách sử dụng nó, đặc biệt là biết cách tận dụng AI như một công cụ hiệu quả cho việc học tập. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả AI, người dùng cần thông thạo cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đặt đúng câu hỏi để có được đúng câu trả lời. Quá trình sử dụng AI phải kiên nhẫn, vận dụng ngôn ngữ tốt để có câu trả lời tốt. Về phía DN quan tâm đến chuyển đổi số, đến AI, người dẫn đầu DN cần có tâm thế sẵn sàng ứng dụng AI vào hoạt động của DN mình, xác định những nhu cầu, mong muốn, mục tiêu cụ thể, tìm giải pháp cụ thể và đầu tư nguồn lực phù hợp để có thể khai thác và ứng dụng AI sao cho hiệu quả nhất.
Nhìn chung, DN trong, ngoài nước và các viện trường đều có góc nhìn đa dạng về AI. Theo TS. Quy Võ-Reinhard, Ðồng sáng lập, CRO, dHealth, Thụy Sĩ, Giám đốc, V-Space Global, Pháp cho rằng có 5 thách thức lớn mà tất cả các DN phải đối mặt khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thứ nhất, về tài chính - cần giải quyết bài toán chi phí đầu tư và thời gian thu hồi lại vốn. Thứ hai, cần phải tích hợp AI với những nền tảng sẵn có của DN. Thứ ba, là vấn đề liên quan đến quản lý dữ liệu. Thứ tư, là yếu tố đạo đức trong việc sở hữu dữ liệu. Thứ năm, là yếu tố con người - nhân sự đã sẵn sàng ra sao, DN sẵn sàng ra sao và nhà trường sẵn sàng như thế nào.
Ðiểm mấu chốt để ứng dụng AI hiệu quả luôn nằm ở yếu tố con người, đây là kim chỉ nam hướng đến sự phát triển lâu dài. Nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá và đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới rất cần quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nhà trường và trong DN. Theo PGS.TS Lê Nguyễn Ðoan Khôi, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Ðại học Cần Thơ, ở thời điểm hiện tại, Trường Ðại học Cần Thơ đã có các ngành học liên quan đến AI là khoa học máy tính. Trong tương lai, khi có những quy định pháp luật về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, nhà trường sẽ áp dụng đào tạo nhằm có được nguồn nhân lực vừa chất lượng và vừa có đạo đức.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN