03/08/2008 - 20:08

Doanh nghiệp lao đao vì cúp điện

Những bảng thông báo mất điện và cho công nhân nghỉ việc như thế này khá phổ biến tại nhiều doanh nghiệp trong những ngày vừa qua.

Dù đã vào cao điểm của mùa mưa, nhưng tình trạng cúp điện ở TP Cần Thơ còn xảy ra trên diện rộng và thường xuyên. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt mà còn làm cho nhiều doanh nghiệp lao đao… Trong hoàn cảnh này, ngành điện Cần Thơ vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục và biện pháp duy nhất có thể là “an ủi” doanh nghiệp và động viên người dân… chịu đựng!

Nhiều nhà máy đình đốn sản xuất...

8 giờ ngày 30-7-2008, vừa bước vào cổng Công ty cổ phần Dược Hậu Giang chúng tôi bắt gặp ngay bảng thông báo cúp điện nên công nhân được nghỉ làm việc. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào đến khu vực sản xuất của doanh nghiệp này thì vẫn có điện nhưng không thấy bóng dáng của công nhân. Chị Diệp Bích Hương, Quản đốc xưởng 1- Xưởng sản xuất thuốc viên của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, cho biết: “Theo thông báo của Điện lực Cần Thơ là cúp điện vào ngày 30-7-2008, nên công ty đã bố trí cho công nhân nghỉ làm việc. Thế nhưng hôm nay lại có điện, chúng tôi cũng đành chịu lãng phí một ngày lao động vì không thể gọi 150 công nhân vào xưởng làm việc”. Chị Diệp Bích Hương giải thích thêm: Tình trạng một ngày có điện một ngày cúp điện như hiện nay làm cho đơn vị rất khó tổ chức sản xuất, vì quy trình sản xuất thuốc phải khép kín trong 4 công đoạn: pha chế, dập viên, bao viên, đóng gói và phải làm liên tục trong 3 ngày. Do vậy, nếu cúp điện đúng vào ngày pha chế thì ngày hôm sau sẽ không có nguyên liệu để thực hiện công đoạn dập viên. Mặt khác, hơn 800 công nhân của Dược Hậu Giang hưởng lương theo sản phẩm, do đó tình trạng cúp điện thường xuyên sẽ làm giảm thu nhập của công nhân.

Khu vực sản xuất của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang vắng bóng công nhân trong những ngày bị cúp điện.

Cùng “cảnh ngộ” với Dược Hậu Giang, trong những ngày gần đây, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An cùng các nhà máy chế biến thủy sản khác ở địa bàn TP Cần Thơ cũng đang gặp nhiều khó khăn vì liên tục bị cúp điện. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang đứng trước khả năng không thực hiện đúng lịch xuất hàng như đã ký kết hợp đồng với khách hàng. Bà Thái Thị Xuân Thu, cán bộ quản lý Công ty cổ phần Thủy sản Bình An bức xúc nói: “Tình trạng thường xuyên bị cúp điện như hiện nay làm chúng tôi rất khó thực hiện đúng các hợp đồng giao hàng cho các đối tác truyền thống. Thực trạng này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi tự đánh mất khách hàng tiềm năng. Ngoài những thiệt hại nói trên, chuyện cúp điện còn làm chậm tiến độ thu mua cá tra và làm giảm thu nhập của công nhân. Chúng tôi là khách hàng của ngành điện, nên mong muốn ngành điện có trách nhiệm chia sẻ những thiệt hại của doanh nghiệp”.

Đồng thuận với đề xuất trên, ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ, phản ảnh: “Lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản đang giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của xã hội như tiêu thụ cá tra nguyên liệu cho nông dân, ổn định thu nhập cho công nhân, tăng kim ngạch xuất khẩu... Do đó, tôi mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố nên sớm yêu cầu ngành điện tăng sản lượng điện cung cấp cho doanh nghiệp”.

Cần tăng sản lượng điện cho sản xuất!

Khi giải thích về lịch cúp điện dày đặc như hiện nay, ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực TP Cần Thơ cho biết: Tổng nhu cầu tiêu thụ điện của TP Cần Thơ hiện nay khoảng 170MW/ngày, nhưng TP Cần Thơ chỉ được Công ty Điện lực 2 phân bổ khoảng 60% so với nhu cầu. Căn cứ vào sản lượng điện được cấp, Điện lực TP Cần Thơ mới xây dựng và thực hiện lịch cúp tiết giảm điện như thời gian vừa qua. Do tỷ lệ cắt tiết giảm điện ở địa bàn TP Cần Thơ lên đến khoảng 40% so tổng nhu cầu, nên lịch cúp điện dày đặc ở khu vực sử dụng điện sinh hoạt và cả khu vực sản xuất. Những hộ sử dụng điện sinh hoạt và các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp Trà Nóc I và II thì một ngày bị cúp điện, một ngày có điện. Thời gian bị cúp điện từ 6 giờ đến 18 giờ. Còn đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Trà Nóc I và II thì bị cúp điện từ 18 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn bị cúp điện luân phiên (một ngày có điện, một ngày bị cúp điện), thời gian cúp điện từ 14 giờ đến 18 giờ.

Ngoài lịch cúp điện như trên, ông Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết thêm có những nguyên nhân khác dẫn đến cúp điện đột xuất. Chẳng hạn, ở một thời điểm nhất định trong ngày, nếu tổng sản lượng tiêu thụ điện ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh thành khác cùng vượt sản lượng điện do Trung tâm điều độ Hệ thống điện miền Nam, thì ngay lập tức Trung tâm này sẽ tự cắt ngưng cung cấp điện cho một địa phương nào đó để bảo đảm điện áp trên lưới điện. Hoặc khi một nhà máy điện gặp sự cố đột xuất làm giảm nguồn cấp điện cho điện lưới quốc gia, khi ấy cơ quan Điều độ điện quốc gia và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam yêu cầu một số địa phương cắt điện khẩn cấp thì địa phương phải chấp hành, dẫn đến tình trạng cắt tiết giảm điện đột xuất. Ông Nguyễn Văn Quảng nói: “Trong những trường hợp bất khả kháng như trên, chúng tôi tiến hành cắt điện xong mới báo cho khách hàng biết theo qui định của Luật Điện lực”.

Ngoài những nguyên nhân trên, cũng có trường hợp nguồn cung cấp cho lưới điện quốc gia tăng đột biến (do một nhà máy sản xuất điện nào đó trở lại hoạt động sớm hơn dự kiến), Điện lực TP Cần Thơ được tăng nguồn cấp điện nên không thực hiện theo lịch cúp điện trước đó. Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực TP Cần Thơ, phân bua: “Khi được tăng nguồn cấp điện đột xuất, chúng tôi thấy rằng nếu cung cấp điện cho khách hàng cũng kẹt vì đã lỡ thông báo cúp điện trước đó. Nhưng nếu không cấp điện cho khách hàng cũng kẹt vì đủ điện để xài thì tại sao không xài?”.

Thiếu điện đang là tình trạng chung của cả nước, các doanh nghiệp và người dân ở địa bàn TP Cần Thơ đều vui lòng chia sẻ những khó khăn này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ rất lúng túng trong bố trí lịch sản xuất khi tiếp nhận các bảng thông báo mất điện thiếu dứt khoát do Điện lực TP Cần Thơ ban hành. Chẳng hạn, trong các thông báo mất điện thì Điện lực TP Cần Thơ luôn sử dụng cụm từ “chỉ thực hiện cắt điện khi thiếu nguồn điện và có lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam”. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng: thời gian qua, Điện lực TP Cần Thơ chỉ làm nhiệm vụ nhận “phần bánh” (là sản lượng điện) do Công ty Điện lực 2 chia để chia lại cho các khách hàng, chứ chưa quan tâm đến việc tăng nguồn cấp điện cho Cần Thơ. Đến thời điểm này, có đến 52% sản lượng điện tiêu thụ ở TP Cần Thơ được phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Hiện nay, TP Cần Thơ là địa phương phát triển về công nghiệp nhưng đang bị đánh đồng trong phân bổ điện như các tỉnh thuần nông ở ĐBSCL là điều bất hợp lý. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh được đáp ứng đến 90% so tổng nhu cầu điện. Do đó, nhiều doanh nghiệp yêu cầu các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ nên sớm có tác động nhằm nâng tỷ lệ cấp điện cho TP Cần Thơ lên 80%, hoặc 90% so tổng nhu cầu điện để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cắt tiết giảm điện trên địa bàn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH


Bài liên quan:

Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực TP Cần Thơ:
Cúp điện liên tục và luân phiên từng khu vực sẽ còn kéo dài

Chia sẻ bài viết