11/07/2020 - 06:24

Doanh nghiệp khoa học công nghệ bước đầu hội nhập 

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN; qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế thế giới và phát triển kinh tế tri thức. TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp KH&CN và hỗ trợ các đơn vị hoạt động, phát triển.

Nỗ lực không ngừng

Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.

Sau gần 3 năm hoạt động, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN vào năm 2019, với các sản phẩm rau củ quả sạch, nhãn hiệu Minh Hòa Hydroponic, Organic và Dung dịch dinh dưỡng sản xuất rau sạch nhãn hiệu Cửu Long Hydroponic, Organic. Bà Lâm Việt Hòa, Giám đốc công ty, chia sẻ: "Tôi đã từng làm rau thổ canh, nhà máy phân hữu cơ… nhưng không thành công. Đúc kết kinh nghiệm, tôi nhận ra cần đầu tư và đổi mới công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng quy trình hiện đại, tiên tiến để tạo sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường mà không qua trung gian. Mô hình doanh nghiệp KH&CN là lựa chọn thích hợp. Do đó, tôi đầu tư rất nhiều kinh phí, tâm sức để đạt được mục tiêu có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng với giá rẻ như hiện nay".

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa hiện đang hoạt động với mô hình khép kín: nông trại sản xuất các loại rau củ sạch - tiêu thụ sản phẩm (bán trực tiếp tại cửa hàng) - ăn uống (kinh doanh bánh khọt và các loại lẩu chay) - tham quan trải nghiệm (cho các trường học, các đoàn du lịch tại nông trại). Các loại rau củ quả của công ty được trồng theo hệ thống thủy canh hồi lưu công nghệ Israel có cải tiến và điều chỉnh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Hiện công ty có hơn 120 sản phẩm được tạo ra từ quy trình dinh dưỡng thống nhất và có thể chuyển giao để ứng dụng tại các tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước. Công ty đã mở chi nhánh ở Sóc Trăng, đang chuẩn bị ra mắt các chi nhánh ở An Giang, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Công ty được xác định hướng đi ngay từ ngày đầu thành lập là một doanh nghiệp KH&CN.

Một điển hình khác là Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Là một trong những đơn vị lâu năm, có những nghiên cứu khoa học cũng như sản phẩm nổi tiếng, đi đầu trong lĩnh vực chế tạo máy móc, phục vụ sản xuất nông nghiệp; nên khá thuận lợi khi chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN. Đây là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên ở Cần Thơ, được cấp giấy chứng nhận năm 2012. Hiện nay, 3 sản phẩm của Công ty Hoàng Thắng gồm: máy gieo hạt thẳng hàng, xe phun xịt dung dịch tự động và máy gặt đập liên hợp, là "người bạn thân thiết" của nông dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định qua việc phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô.

TP Cần Thơ hiện có 6 doanh nghiệp KH&CN, hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo máy, thực phẩm, sinh hóa… Bên cạnh 2 doanh nghiệp nêu trên, còn có Công ty TNHH ACI, Công ty TNHH MTV ANBI, Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa, Công ty Cổ phần Công nghệ 3 con tôm cũng có những quy trình, công nghệ, sản phẩm tiêu biểu và khẳng định vị thế trong sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Tuy con số còn khiêm tốn, nhưng đó là kết quả ban đầu của nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc thành lập hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trợ lực từ các ngành hữu quan

Theo ông Phạm Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên Ngành, Sở KH&CN TP Cần Thơ, khi Chính phủ ban hành chủ trương về phát triển doanh nghiệp KH&CN, Sở đã tích cực tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong thành phố thành lập và lập hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Hằng năm, Sở KH&CN phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tổ chức các lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp KH&CN và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp KH&CN đều được hỗ trợ tối đa trong đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng, công nghiệp, bằng sáng chế, nhãn hiệu… Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hay thủ tục hành chính, Sở KH&CN là cầu nối với các sở, ngành liên quan tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Một đơn vị tích cực nữa là Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm, cho biết: "Vườn ươm luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia ươm tạo công nghệ bằng cách hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị cần thiết để doanh nghiệp thí nghiệm mẫu, làm cơ sở sản xuất mở rộng sản phẩm. Trong đó có Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng với sản phẩm máy gieo hạt".

Hiện nay, Trung tâm thông tin KH&CN TP Cần Thơ triển khai dự án "Tạo lập cơ sở dữ liệu tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN". Dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu là đánh giá hiện trạng và phân loại các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đang hoạt động KH&CN. Từ đó xác định tiềm năng, đánh giá tiềm lực hình thành và nhận hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN của TP Cần Thơ. Kết quả dự án là cơ sở dữ liệu quan trọng để thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN.

Vẫn cần những "cú hích"

Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về Doanh nghiệp KH&CN, thì doanh nghiệp KH&CN được hưởng chính sách hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước về thuế, tài chính tín dụng, thuê đất, cơ sở vật chất, các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp của Nhà nước… Vậy nhưng doanh nghiệp không mấy "mặn mà" vì nhiều nguyên nhân. Ngay cả các doanh nghiệp KH&CN khi tiếp cận với các chính sách cũng than khó vì còn những bất cập và hạn chế.

Bà Lâm Việt Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, cho biết: "Nghị định của Chính phủ rất đúng, rất hay về chủ trương, nhưng việc triển khai vào thực tế còn nhiều điều bất lợi cho doanh nghiệp. Công ty tôi từng gặp khó khăn về tài chính nên mong được nhận hỗ trợ ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển như trong Nghị định. Thế nhưng, chúng tôi gặp khó khăn về thủ tục. Đây là một trong những cản ngại lớn và tôi mong các ngành hữu quan sớm có những biện pháp khắc phục những hạn chế". Ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng, chia sẻ: "Tuy được tạo điều kiện và hưởng các chính sách ưu đãi về thuê đất để mở rộng quy mô hoạt động, nhưng khi công ty tôi muốn thế chấp đất để vay vốn ngân hàng thì lại không được. Dù Sở KH&CN đã làm cầu nối với các ngành liên quan để tìm cách giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức".  

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do nội lực về tài chính, nhân sự chưa đủ mạnh nên chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, không mạnh dạn đầu tư cho những nghiên cứu mới. Do đó, chưa quan tâm hoặc chưa cần đến những chính sách, ưu đãi của Nhà nước để phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng.

Thực tế trên cho thấy phát triển doanh nghiệp KH&CN vẫn cần những "cú hích" từ nhiều phía. Đầu tiên là ngoài Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, nên có luật cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, làm cơ sở pháp quy cao nhất để giúp các doanh nghiệp KH&CN phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Tiếp theo, rất cần sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố để ngành hữu quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp KH&CN được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cần được quan tâm hơn và nên lựa chọn hình thức phù hợp với từng đối tượng, để tạo làn sóng mới trong phát triển doanh nghiệp KH&CN. Ngoài ra, cần một đơn vị trung gian gồm các chuyên gia, tư vấn am hiểu luật và các quy định để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục nhằm nhận được ưu đãi, nhất là vấn đề thuế, hỗ trợ tài chính, đất đai…; tiếp cận và nhận được hỗ trợ các nguồn quỹ, như: Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển KH&CN; tư vấn quyền sử dụng hợp pháp kết quả KH&CN, định hình sản phẩm KH&CN….

Điều quan trọng nhất là việc phát triển doanh nghiệp KH&CN không chỉ phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, mà chính mỗi doanh nghiệp có chuyển biến về nhận thức phát triển KH&CN, xem đầu tư cho KH&CN là nền tảng phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết