23/11/2016 - 20:38

Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân

Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, các tỉnh vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết hợp tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp (DN). Song, muốn nông dân bắt tay chặt với DN, cần xây dựng niềm tin và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 2 bên trong chuỗi giá trị.

* Liên kết chưa bền chặt

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn nền nông nghiệp phát triển bền vững, nhà nông không thể sản xuất đơn lẻ mà cần phải tổ chức liên kết sản xuất để có khối lượng lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn, giá thành cạnh tranh... Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, tạo cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu với DN sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu. Từ đó, một số mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là mô hình cánh đồng mẫu tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở vùng ĐBSCL được hình thành với quy mô lớn. Hiện ĐBSCL có 180 DN, 149 hợp tác xã và 590 tổ hợp tác có thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Tính từ năm 2013 đến vụ đông xuân năm 2015-2016, toàn vùng ĐBSCL đã có hơn 450.000ha thực hiện liên kết cánh đồng lớn. Ngoài lúa gạo, ĐBSCL còn thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây. Điển hình như mô hình liên kết giữa DN Chánh Thu, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam với 26 hộ nông dân trồng nhãn tại xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang triển khai xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhà khoa học. Trong ảnh: Thu hoạch cá tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

ĐBSCL dù đã có nhiều mô hình liên kết hợp tác khá hiệu quả giữa nông dân và DN, nhưng diện tích thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn của vùng ĐBSCL chỉ mới đạt 11% trong tổng diện canh tác lúa của toàn vùng. Mặt khác, việc bao tiêu sản phẩm ở nhiều mô hình cánh đồng lớn chỉ đảm bảo được 10-20% và đang gặp khó do thừa đầu vào, thiếu đầu ra. Vì vậy, cần có những chính sách chủ trương hỗ trợ liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, xây dựng mối liên kết dọc giữa nông dân với DN loại bỏ bớt các tác nhân trung gian giữa người sản xuất với DN, đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị. Đồng thời hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp; tập huấn cho nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình đáp ứng các tiêu chí về chất lượng đảm bảo an toàn theo nhu cầu thị trường… Từ đó, gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

* Xây dựng niềm tin

Ông Hồ Quang Cua, Giám đốc DNTN Hồ Quang, tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: DN muốn hợp tác với nông dân thành công thì cần phải có những cuộc trao đổi, tâm tình cùng nông dân để hiểu được tâm tư, tình cảm cũng như mong muốn của họ để đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Làm được điều này nông dân sẽ tin vào uy tín của DN và việc hợp tác của DN với nông dân sẽ dễ dàng hơn. Điển hình, năm 2001, DNTN Hồ Quang đã liên kết sản xuất với nông dân ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng với quy mô khoảng 100ha. Thời điểm đó, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật của DN và chính quyền địa phương xuống tận ruộng để cùng làm với bà con nông dân. Ngoài ra, để có được mối quan hệ bền chặt với nông dân, DN đã chuyển giao cho nông dân phương pháp sản xuất an toàn sinh học, phun nấm xanh để tạo ra vùng sản xuất không dịch hại, rồi thông tin cho bà con về giá cả giống lúa thơm ST... Nhờ đó bà con nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập, tham gia ký kết hợp đồng với DN và ngược lại DN đã thu mua được sản lượng lúa có chất lượng khá đồng đều, đầu vào ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thành công của các DN trong hợp tác liên kết với nông dân là hài hòa lợi ích cũng như đồng cam cộng khổ với nhà nông. Điều quan trọng hơn là phải xây dựng được niềm tin để có được những cái "bắt tay" thật chặt giữa nông dân với DN. Ngoài ra, tham gia sản xuất trong chuỗi liên kết, nông dân rất cần các DN có đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Phát (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: Đa phần nông dân trong HTX có trình độ kỹ thuật sản xuất khá tốt, bà con không chỉ quan tâm sản lượng mà còn quan tâm sản xuất theo hướng an toàn. Nhưng nghịch lý là nông dân tốn nhiều chi phí, công sức vào đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn cao rồi cuối cùng không tìm được đầu ra ổn định, giá cả sản phẩm rau an toàn chỉ bán bằng với rau thông thường nên chưa thu hút nhiều bà con tham gia vào HTX. Vì vậy, HTX rất muốn có được mối liên kết bền vững với DN có tâm, có tầm trong việc hỗ trợ cho nông dân nắm bắt được nhu cầu thị trường để tổ chức cho bà con sản xuất theo quy trình, ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với HTX, giúp nông dân tăng thêm thu nhập… Trên cơ sở đó, tạo động lực cho nông dân đẩy mạnh hợp tác sản xuất sản phẩm theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn cung cấp cho DN, góp phần xây dựng niềm tin giữa nông dân và DN trong mối liên kết bền chặt giữa sản xuất và tiêu thụ.

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, DN có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết. Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất và Phát triển Nông nghiệp (VINECO) thuộc Tập đoàn Vingroup, cho rằng: Việc hợp tác giữa DN với nông dân không đòi hỏi nông dân phải có quy mô diện tích lớn hay nguồn hàng hóa dồi dào mà yêu cầu nông dân sản xuất phải theo quy trình an toàn, VINECO sẽ ưu tiên cho nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, có ghi chép nhật ký rõ ràng… Trên cơ sở đó, VinEco sẽ hỗ trợ về công nghệ, đầu tư cơ giới hóa từ khâu sản xuất, chăm sóc đến thu hoạch, giúp nông dân thay đổi thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất, ghi nhật ký ruộng đồng đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời, tư vấn về kỹ thuật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu… góp phần tạo mắt xích, tạo dựng niềm tin giữa nông dân và DN đến người tiêu dùng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vì đơn độc trong sản xuất nên nông dân không thể mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật làm giảm đi tính hiệu quả. Còn các DN do thiếu những chính sách cụ thể hỗ trợ nên chưa có kế hoạch bài bản mang tính lâu dài, chung sức cùng nhà nông. Vì vậy, thời gian tới, các ngành chức năng cùng với DN tham gia đồng hành hỗ trợ nhà nông từ khâu sản xuất đến chia sẻ các thông tin về thị trường tiêu thụ,... giúp nông dân an tâm trong sản xuất. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ có được nguồn cung nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn GAP. Để làm được điều này, các ngành chức năng cần có những chính sách phù hợp trong xúc tiến xây dựng mối liên kết bền vững giữa DN và nông dân. Mấu chốt quan trọng là cải thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ và tổ chức quá trình hợp tác DN với nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết