18/05/2012 - 22:19

Doanh nghiệp dè dặt tiếp cận vốn

Sản xuất dây chuyền máy phục vụ cho ngành chế biến nông – thủy sản xuất khẩu tại DNTN Cơ khí Trung Anh. Ảnh: MINH HUYỀN 

Thông tư 14/2012/TT-NHNN (ngày 4-5-2012) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có hiệu lực từ ngày 8-5, theo đó, áp trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Với trần lãi suất cho vay này, các ngân hàng lớn công bố dành hàng ngàn tỉ đồng cho các lĩnh vực trên, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn dè dặt trong tiếp cận vốn.

Dòng vốn được khơi thông

Ngày 28-9-2011, NHNN ban hành Thông tư 30/2011/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm. Tiếp theo đó, ngày 12-3-2012, Thông tư 05/2012/TT-NHNN ra đời sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2011/TT-NHNN, hạ trần lãi suất huy động xuống còn 13%/năm. Ngày 10-4-2012, NHNN ban hành Thông tư 08/2012/TT-NHNN tiếp tục hạ trần lãi suất huy động về mức 12%/năm. Song, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản phẩm đầu ra của DN gặp khó, thì DN chỉ tập trung duy trì hoạt động sản xuất, chứ chưa thể vay vốn tái đầu tư sản xuất hoặc kiếm lời.

Từ cuối năm 2011 đến nay, các ngân hàng thương mại lớn đã công bố dành hàng ngàn tỉ đồng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... mức lãi suất cho vay dao động từ 14,5-17%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn vốn này, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Để khơi thông dòng vốn, ổn định sản xuất và duy trì tăng trưởng, các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa như: hạ trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay (Thông tư 14), gói hỗ trợ DN 29.000 tỉ đồng đã được tính đến bằng nhiều phương án khả thi nhằm gỡ khó cho DN. NHNN còn yêu cầu các ngân hàng thương mại niêm yết công khai mức lãi suất cho vay trên từng lĩnh vực. Những động thái tích cực của NHNN và chính sách miễn, giảm thuế DN của Chính phủ nếu được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần tích cực cho việc giải cứu DN.

Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng gần đây có xu hướng giảm, chứng tỏ lạm phát đã từng bước được kiềm chế, việc nới lỏng chính sách tiền tệ là có cơ sở. Vì vậy, thời điểm NHNN quy định trần lãi suất cho vay 15%/năm là phù hợp, kịp thời so với tình hình thực tế, giúp DN vượt khó trong bối cảnh hiện nay. Về phía thành phố sẽ đóng vai trò kết nối NHNN chi nhánh TP Cần Thơ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhanh chóng triển khai Thông tư 14 để các đối tượng DN thuận lợi tiếp cận vốn”...

Doanh nghiệp dè dặt

Hiện nay, thị trường đang thấp điểm đã đẩy DN vào tình huống nghẹt thở, nhiều DN ngưng hoạt động, đứng bên bờ vực phá sản hoặc làm thủ tục giải thể. Do vậy, lãi suất cho vay đã giảm, nhưng không phải DN nào cũng muốn vay vốn thời điểm này, vì lượng hàng hóa tồn kho chưa giải quyết xong. Cùng với Thông tư 14 về áp trần lãi suất cho vay trên 4 lĩnh vực thì trong phiên họp thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe các phản ứng chính từ phía DN để có sự điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính sách đã có, dòng vốn có được khơi thông, nhưng hiện nay nhiều DN chưa mạnh dạn vay vốn, vì chưa dự đoán chính xác đầu ra của sản phẩm.

Theo ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu (quận Ninh Kiều), gần đây, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, Nhà nước thực hiện việc miễn giảm, giãn thuế, đồng thời đề ra nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, giai đoạn này, không ít DN đã “đuối sức” và không “hấp thụ” được vốn. “Mặc dù vậy, vốn vẫn là nhu cầu bức thiết đối với DN. NHNN áp trần lãi suất cho vay 15%/năm là một tín hiệu khả quan. Ngay cả khi DN đã vay được vốn với lãi suất ưu đãi thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm không hề đơn giản. Mặc dù nguyên liệu đầu vào đã bình ổn nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán khó!”- ông Hồng nói.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ DNTN Cơ khí Trung Anh (quận Cái Răng) cho biết: “Đặc thù của DN chúng tôi là sản xuất sản phẩm, dây chuyền phục vụ cho ngành chế biến nông-thủy sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng quá cao trong thời gian qua khiến các DN không mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Hệ quả là số lượng đơn đặt hàng của DN cũng giảm theo, nhất là các đơn đặt hàng từ các DN chế biến thủy sản đã giảm đáng kể trong vòng 2 năm trở lại đây”. Theo ông Trung, thời điểm này, DN chưa thể tiếp cận ngay với nguồn vốn vay lãi suất 15%/năm. Tuy nhiên, với mức lãi suất 15% này, Cơ khí Trung Anh đang kỳ vọng các DN trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản xuất khẩu sẽ mạnh dạn tiếp cận vốn đầu tư cho sản xuất. Từ đó tạo điều kiện cho DN ngành cơ khí ký được các đơn hàng cung cấp sản phẩm, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động.

Thông tư 14 của NHNN đã tạo cơ chế thông thoáng cho các DN tiếp cận với nguồn vốn vừa sức, các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động nguồn vốn. Vấn đề còn lại là các DN thuộc 4 lĩnh vực, ngành nghề mà NHNN quy định theo Thông tư 14 sẽ tiếp cận vốn và sử dụng vốn như thế nào mới có hiệu quả. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “NHNN đã tạo mọi điều kiện để DN thuận lợi tiếp cận vốn, nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại đã sẵn sàng. Tuy nhiên, DN muốn hấp thụ được vốn phải có dự án hiệu quả, khả thi để thuyết phục ngân hàng. DN khi vay được vốn rồi tìm được đầu ra hay không mới là điều quan trọng”. Ông Ngọc cho rằng, nếu cản ngại chính của DN là vấn đề đầu ra được tháo gỡ, tình hình sản xuất cải thiện, sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền vực dậy các ngành khác cùng phát triển.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết