28/03/2012 - 22:22

Doanh nghiệp ĐBSCL tự tin hội nhập

Hoạt động bốc xếp của Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô. (Ảnh do Công ty CP Xi măng
Tây Đô cung cấp)

Trong tiến trình hội nhập và phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất năng động trong thu hút doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư. Những năm qua, các DN khu vực ĐBSCL đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng, giải quyết an sinh xã hội. Phóng viên Báo Cần Thơ đã ghi nhận ý kiến của một số DN tiêu biểu ĐBSCL với những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

* ÔNG NGUYỄN THÀNH LONG, CHỦ TỊCH HĐQT, KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC CASUCO:
Phát triển nhà máy gắn liền với lợi ích nông dân

Thành lập vào năm 1995, Công ty Mía đường Cần Thơ hoạt động với 2 nhà máy, gồm: nhà máy đường Vị Thanh công suất thiết kế 1.000 tấn mía/ngày và nhà máy đường Phụng Hiệp với công suất thiết kế 1.250 tấn mía/ngày dưới hình thức sở hữu nhà nước. Những năm đầu gặp nhiều khó khăn, công ty thường xuyên thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Đến năm 2005, công ty tiến hành cổ phần hóa và thành lập Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO). Từ khi cổ phần hóa, DN hoạt động có hiệu quả và tăng lợi nhuận. Công suất 2 nhà máy hiện tăng lên 6.500 tấn mía/ngày; sản lượng tăng lên 90.000-100.000 tấn đường/năm. Thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên công ty tăng từ 2 triệu lên gần 5 triệu đồng/người/tháng; vốn điều lệ từ 18 tỉ đồng tăng lên 109 tỉ đồng (vốn tự có, vốn thặng dư của DN). Năm 2012, công ty dự kiến nâng vốn điều lệ lên 150 tỉ đồng.

CASUCO đạt được nhiều thành tích, giải thưởng có giá trị, như: Huân chương Lao động hạng 3, hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao vàng đất Việt, DN tiêu biểu khu vực ĐBSCL... Công ty luôn là người bạn đồng hành trong các phiên chợ hàng Việt về nông thôn theo chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tham gia hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài các nhà máy đường hiện có, CASUCO còn tham gia góp vốn các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL, như: Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Từ đó, tăng tính liên kết giữa các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL, giảm dần tranh chấp nguyên liệu trên thị trường. CASUCO còn mở rộng hoạt động kinh doanh sang một số lĩnh vực như: du lịch, tham gia góp vốn Công ty Cổ phần Cơ khí Điện máy Cần Thơ...

Công ty luôn tích cực xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy để phát triển bền vững. Mối quan hệ gắn bó giữa nông dân và DN bền chặt hơn, một số hộ dân được công ty hỗ trợ kỹ thuật nằm trong câu lạc bộ 200 có năng suất đạt trên 200 tấn/ha... Công ty luôn tìm hiểu thị hiếu, xu hướng của khách hàng để cải tiến sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện CASUCO tập trung vào phân khúc thị trường ngách, nghĩa là tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, độc đáo của riêng CASUCO. Mũi nhọn của công ty hiện nay chính là giảm giá thành, chi phí sản xuất, hài hòa lợi ích cho cả ngành mía và đường. Giá thành đường thành phẩm được quyết định gần 70-80% từ nguyên liệu. Ban lãnh đạo công ty xác định chiến lược kinh doanh là phải tiếp tục đầu tư chiều sâu vào cơ sở hạ tầng hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để xứng tầm vị thế của một doanh nghiệp cổ phần hàng đầu trong ngành mía đường khu vực ĐBSCL và cả nước.

* ÔNG LÊ THANH KHIÊM, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY LƯƠNG THỰC TIỀN GIANG (TIGIFOOD):
Giữ vững chất lượng để nâng cao giá trị hạt gạo

- Thời gian qua, để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu, TIGIFOOD áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như: ISO 9001 (từ năm 2003); ISO 22000, HACCP (2008)... vào quản lý, sản xuất. Công ty không ngừng nỗ lực trên nhiều phương diện, từ việc thiết lập tầm nhìn của DN, đánh giá thiết lập sơ đồ SWOT, hoạch định các chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp cho đến việc cải tiến, hoàn thiện môi trường lao động sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng...

Với những nỗ lực không ngừng đó, TIGIFOOD đã được tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Huân chương lao động các hạng 1, 2, 3; Cờ luân lưu của Thủ tướng Chính Phủ; là đơn vị duy nhất của Việt Nam được Editorial Trade Leaders’Club (Tổ chức lần thứ 31 tại Paris - Cộng hòa Pháp) bình chọn đạt giải thưởng Quốc tế “Thiên niên kỷ mới” về chất lượng; Top 500 thương hiệu uy tín của Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phát triển Thương hiệu Việt và Organization Boand Ichi Corporation chứng nhận; “DN xuất khẩu uy tín” 8 liền năm (năm 2003 - 2010), 9 năm liền đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; “Top 100” thương hiệu năm 2010; Top 200 doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt năm 2011; sản phẩm “Gạo Hương Việt và gạo Bông Sen Vàng” đạt Top 50 Sản phẩm Vàng thời hội nhập năm 2011...

Ngoài ra, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công ty đã tham gia nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. TIGIFOOD còn có hệ thống 11 cửa hàng tiện ích đang hoạt động, thường xuyên kinh doanh trên 970 nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam, doanh số năm 2011 đạt 15.283 triệu đồng, tăng 93,21% so với năm 2010. Công ty thường xuyên giải quyết việc làm cho trên 780 lao động, bảo đảm thu nhập ổn định ở mức khá so với mặt bằng địa phương. TIGIFOOD luôn xác định tiêu chí hoạt động theo hướng “Phát triển bền vững”, lấy chất lượng làm hàng đầu để tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng.

Là DN kinh doanh ngành nghề thiết yếu và rất nhạy cảm là lương thực, năm 2012 TIGIFOOD xác định thực hiện tốt 3 nhiệm vụ cơ bản: sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thực hiện công tác mua, tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa trong dân; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Qua đó, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu gạo cao cấp, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; liên kết với hàng xáo, thu mua trực tiếp tại ruộng, vận động nông dân ký gửi vào kho và thu mua... Củng cố mạng lưới cung ứng gạo cao cấp tại thị trường nội địa, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu. Về dài hạn, TIGIFOOD đi theo quan điểm nhất quán: để tồn tại và phát triển bền vững thì quá trình đi lên của DN phải luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đời sống của người lao động. Đặc biệt phải góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế, đảm bảo được lợi ích chính đáng của người trồng lúa...

* ÔNG NGÔ THANH LÂM, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM QUAN HỆ CÔNG CHÚNG VÀ ĐẦU TƯ, CÔNG TY CỔ PHẦN XI MĂNG TÂY ĐÔ:
Nỗ lực vượt khó, đảm bảo sản xuất và phát triển thương hiệu

- Thành lập năm 1995 với tên gọi Công ty Liên doanh Xi Măng Hà Tiên 2 - Cần Thơ. Năm 2004, công ty tiến hành cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 - Cần Thơ. Năm 2008, công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô. Với năng lực cung cấp xi măng khoảng 700.000 tấn/năm, xi măng Tây Đô là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam trong ngành xi măng được cấp chứng nhận hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn Quốc tế ISO 14001. Và cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành thực hiện cam kết bảo hành chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Sản phẩm của công ty đạt được nhiều giải thưởng về chất lượng như: giải thưởng Chất lượng Việt Nam (từ 2002-2005, 2007, từ 2009- 2011); Mai vàng hội nhập năm 2002; Cúp vàng chất lượng sản phẩm năm 2003; Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn (2002-2011); Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam; Thương hiệu uy tín (2009-2011); Nhãn hiệu - thương hiệu chất lượng ngành xây dựng 2011...

Hiện các chi phí đầu vào như: giá nguyên liệu, giá điện, giá bao bì, vận chuyển... đều tăng. Chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã tác động không nhỏ đến tình hình tiêu thụ xi măng trên thị trường. Năm 2011, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng của công ty giảm 10% so với năm 2010. Trước hàng loạt những khó khăn này, để giữ vững thương hiệu đòi hỏi công ty luôn nỗ lực tìm hướng đi phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo lợi nhuận. Mặt khác, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ trước và sau bán hàng. Năm 2011, doanh thu của công ty đạt 627,95 tỉ đồng, vượt trên 27% so với kế hoạch và 11% so với năm 2010.

Trong nhiều năm qua, công ty đã xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001:2000; ISO/IEC 17025:2005; ISO 14001:2004; SA 8000 và OHSAS 18001, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và ổn định. Công ty luôn chú trọng sản xuất các sản phẩm phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, công ty đã cung cấp ra thị trường thêm 2 dòng sản phẩm mới PCB30 và PCB40. Đây là 2 loại xi măng chuyên phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở cho nông dân, lộ giao thông nông thôn...

Năm 2012 công ty sẽ thực hiện chương trình tiết kiệm toàn diện để tiết giảm giá thành. Tiếp tục tìm kiếm đối tác và nghiên cứu chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn nữa sản phẩm của xi măng Tây Đô. Đặc biệt, kiên trì theo đuổi chính sách chất lượng sản phẩm, liên tục cải tiến sản phẩm để phát triển thương hiệu xi măng Tây Đô ngày càng vững mạnh với các tiêu chí: sản phẩm, dịch vụ chất lượng, thân thiện với môi trường và hướng tới cộng đồng.

* ÔNG TRẦN VĂN QUANG, CHỦ TỊCH HĐQT, GIÁM ĐỐC SOUTH VINA, TP CẦN THƠ:
Kiểm soát tốt chất lượng để mở rộng thị trường

- Thành lập vào tháng 4-2004, trên diện tích 13.600m2 tại Khu công nghiệp Trà Nóc II, TP Cần Thơ, Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (South Vina) chính thức đi vào hoạt động tháng 10-2006. Ngành nghề chính là nuôi trồng và sản xuất con giống thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất thiết kế ban đầu 120 tấn nguyên liệu/ngày, đêm. Qua 5 năm hoạt động, đến nay sản phẩm của South Vina đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Brazil, Mexico, EU, Trung đông, Nga... Để chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu, công ty đã đầu tư vùng nguyên liệu hơn 100ha mặt nước theo tiêu chuẩn SQF 1000 và Global GAP. Với công nghệ, dây chuyền sản xuất được nhập từ các nước Nhật, Đức, Anh... Hệ thống kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, Phòng Thí nghiệm theo chuẩn ISO/IEC 17025:2005 và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 22.000: 2005, BRC, IFS, SA 8000... South Vina đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu và chiếm được nhiều cảm tình của khách hàng trên thế giới.

Trong những năm 2009-2011, khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, khủng hoảng nợ công lan rộng ở một số quốc gia EU làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ cá tra. Bối cảnh kinh tế trong nước cũng đầy thách thức. Trước tình hình này, lãnh đạo công ty đã họp bàn chiến lược khai phá thị trường mới, phát triển thêm ngành nghề phục vụ các dịch vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản. South Vina đã và đang đầu tư khép kín qui trình sản xuất đầu vào - đầu ra, như: xây dựng nhà máy sản xuất bao bì PE phục vụ cho sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi...

Trong bối cảnh một số DN chế biến thủy sản bị thiếu nguyên liệu, thị trường bị co hẹp, xáo trộn lực lượng lao động... phải hoạt động cầm chừng, thì South Vina lại có bước đi riêng để ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân. Đây là kết quả từ việc dám nghĩ dám làm của Ban lãnh đạo công ty, vận dụng “Cái tâm, chữ tín” trong các mối quan hệ giao dịch, tạo điều kiện để người lao động phát huy năng lực, sức mạnh tập thể... Số lượng công nhân lao động thường xuyên khoảng 1.500 người, mức thu nhập bình quân từ 3,4-3,7 triệu đồng/người/tháng. Ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà ở cho công nhân trên khu đất 2,4ha của công ty vào giữa năm 2012.

T. TRINH - M.HOA (lược ghi)

Hoạt động bốc xếp của Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô. (Ảnh do Công ty CP Xi măng Tây Đô cung cấp)

Chia sẻ bài viết